Hạnh phúc từ những bữa cơm gia đình

LCĐT - Cuộc sống luôn bộn bề lo toan, nên những bữa cơm gia đình đầy đủ các thành viên là điều mà ai cũng mong muốn. Dù bữa cơm gia đình đạm bạc hay có nhiều món ngon thì cũng giúp chúng ta có thể tìm thấy nhiều năng lượng, hạnh phúc và bình yên. 

Đối với gia đình chị Nguyễn Thị Huyền, tổ 25, phường Kim Tân (thành phố Lào Cai), bữa cơm tối hàng ngày là thời điểm vui vẻ, hạnh phúc mà tất cả các thành viên gia đình chị vẫn cố gắng duy trì từ nhiều năm nay. Công việc kế toán khiến chị đôi khi căng thẳng, mệt mỏi vì những con số. Nhưng là người luôn đặt gia đình lên hàng đầu, chị Huyền vẫn cố gắng dành nhiều thời gian chăm sóc chồng và các con, đặc biệt là việc chuẩn bị những món ăn ngon cho các thành viên trong gia đình. 

Chị Huyền chia sẻ: Bữa sáng và bữa trưa thời gian gấp gáp nên ít khi cả nhà ngồi ăn cùng nhau. Thường chỉ có bữa cơm tối là vợ chồng, con cái quây quần, đoàn tụ đông đủ nên tôi luôn cố gắng nấu những món ăn theo sở thích của các thành viên trong gia đình. Khi ăn cơm, gia đình tôi cũng chỉ trao đổi những câu chuyện vui vẻ, hài hước để mọi người đều cảm thấy thoải mái, bữa cơm thêm thân mật, gần gũi.

Chị Huyện tự nhận mình là một người phụ nữ may mắn vì luôn được chồng ủng hộ trong công việc và sẵn sàng hỗ trợ vợ việc nhà cũng như chuyện bếp núc. “Những khi công việc quá bận, trở về nhà nhìn thấy chồng đang đã nấu cơm xong, dọn nhà cửa sạch sẽ, tôi thấy vui và hạnh phúc vô cùng”, chị Huyền tâm sự. 

Anh Vũ Văn Hiệp, chồng chị Huyền cho biết: Thời nay, đàn ông vào bếp là chuyện rất bình thường. Tôi cũng thích nấu ăn nên cảm thấy việc nấu nướng cũng không quá khó. Tôi nghĩ, vợ chồng san sẻ việc nhà và chăm sóc con cái sẽ giảm áp lực, gánh nặng lo toan cho nhau, có như vậy gia đình mới hài hòa, yên ấm.

Gia đình sẽ càng hạnh phúc hơn khi người đàn ông cùng vun vén cho căn bếp của gia đình. Ảnh minh họa.
Gia đình sẽ càng hạnh phúc hơn khi người đàn ông cùng vun vén cho căn bếp của gia đình.     Ảnh minh họa.

Khác với chị Huyền, chị Nông Thị Hậu, ở đường Hoàng Quy, phường Bắc Cường (thành phố Lào Cai) lại kém may mắn hơn, khi phải làm mẹ đơn thân nuôi con từ gần chục năm nay. Việc vừa phải lo toan về kinh tế, vừa phải một mình chăm sóc 2 cô con gái, trong đó có cô con gái lớn bị bại não bẩm sinh khiến chị luôn phải gồng mình để gánh vác mọi thứ. Tuy nhiên, bù lại sự vất vả của mẹ, các con gái của chị Hậu đều rất ngoan, biết yêu thương, quan tâm nhau và giúp đỡ mẹ. 

Chị Hậu tâm sự: Ngoài việc thường xuyên tâm sự, chia sẻ và lắng nghe tâm tư của các con, tôi đặc biệt coi trọng những bữa cơm gia đình. Buổi tối khi đọc truyện cho các con nghe trước khi đi ngủ, tôi thường hỏi các con ngày mai thích ăn món gì, để hôm sau dậy sớm đi chợ và chuẩn bị sẵn thức ăn cho từng bữa. Lúc nấu, tôi cũng thường hướng dẫn và chia sẻ với con gái về ý nghĩa những bữa cơm và việc được nấu những món ngon cho người mà mình yêu thương. Nhiều câu chuyện về cuộc sống, những điều hay, lẽ phải cũng được mẹ - con chia sẻ, phân tích và cảm nhận. Các con tôi, đặc biệt là cô con gái út rất thích phụ giúp mẹ việc nấu cơm.

Vì hoàn cảnh đặc biệt của gia đình nên chị Hậu luôn định hướng và rèn cho con sống tự lập. Cô con gái út của chị mới hơn 8 tuổi nhưng đã biết giúp đỡ mẹ nhiều việc nhà như cắm cơm, rửa bát, quét nhà, trông nom, chăm sóc chị gái. Theo chị Hậu, khoảng thời gian được cùng các con thưởng thức những món ăn ngon trong bữa cơm gia đình là điều vô cùng tuyệt vời mà chị đang cố gắng duy trì mỗi ngày. Đó chính là nơi, là thời điểm chị được tiếp thêm nghị lực và nguồn năng lượng tích cực để bước tiếp trên chặng đường đầy khó khăn phía trước…

Mỗi gia đình một hoàn cảnh khác nhau, nhưng bữa cơm quây quần, đoàn tụ là điều gia đình nào cũng mong muốn. Bởi bữa cơm kết tinh thành quả lao động của các thành viên trong gia đình, là nơi truyền - nhận những kinh nghiệm giáo dục, đạo đức, lối sống (người lớn tuổi truyền kinh nghiệm sống, dạy những điều hay, lẽ phải cho con, cháu; các thành viên trong gia đình thể hiện sự hiếu nghĩa, tôn kính với ông bà, cha mẹ). Bữa cơm gia đình cũng chính là chìa khóa của hạnh phúc, nơi gắn kết tình cảm giữa các thành viên để cùng nhau xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ. Bởi chính bữa cơm ấy sẽ xua tan những mệt mỏi, bỏ qua những giận hờn để rồi mỗi người tự thấy mình được chở che, được quan tâm, được bày tỏ những nguyện vọng, được ân cần chỉ bảo. 

Bất cứ ai dù đi đâu đều muốn sẽ được trở về nhà ăn bữa gia đình bên những người mình yêu thương. Hạnh phúc nào bằng được sống trong tình yêu thương của những người thân yêu nhất, được hít hà, thưởng thức những món ăn ngon do chính tay mẹ, bà nấu; được lắng nghe những câu chuyện “dạy làm người” của bố, của ông. Hạnh phúc khó có thể đong đếm, nhưng có thể khẳng định bữa cơm gia đình là nơi giữ “lửa” hạnh phúc của mỗi gia đình nói riêng, của văn hóa truyền thống Việt Nam nói chung.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Ngọt ngào hương cau

Ngọt ngào hương cau

Hoa cau thường nở vào cuối Xuân đầu Hạ hằng năm. Hoa cau trắng ngà mang vẻ đẹp độc đáo, quyến rũ và hương thơm dịu ngọt, ngan ngát theo làn gió thổi, len lỏi vào từng con ngõ, đường quê, mảnh vườn... 

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội "Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng"

Ngày hội Gia đình Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Gia đình hạnh phúc, quốc gia thịnh vượng” sẽ diễn ra từ ngày 25 - 29/6 tại Trung tâm Thông tin, Triển lãm và Điện ảnh Hải Phòng (thành phố Hải Phòng) với sự tham gia của các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Trải nghiệm nghề chạm khắc bạc của người Dao

Người Dao ở xã Dền Sáng, huyện Bát Xát hiện vẫn lưu giữ được nhiều nghề truyền thống, trong đó có nghề chạm khắc bạc. Các sản phẩm bằng bạc được chế tác tinh xảo, tỉ mẩn đã góp phần tạo nên nét văn hóa độc đáo của đồng bào Dao.

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Những bản đúc nổi trên cửu đỉnh cố đô Huế được vinh danh di sản tư liệu thế giới

Cửu đỉnh là nguồn tư liệu độc đáo, quý hiếm được giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm bởi nó mang giá trị nội dung về lịch sử, văn hóa – giáo dục, địa lý, phong thủy, y dược, nghệ thuật thư pháp… Những bản đúc nổi trên Cửu đỉnh cũng đã lưu trữ các giá trị về mối quan hệ giao thoa và tiếp xúc văn hóa xã hội của Việt Nam với các quốc gia trong khu vực Đông Á.

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi"

"Điện Biên Phủ: Kể lại một sử thi" là nhan đề một bài viết được hãng thông tấn Prensa Latina đăng tải ngày 7/5 nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" của quân và dân ta.

fb yt zl tw