Trong danh sách Google Year In Search 2023 của Việt Nam, Du lịch là một trong 9 hạng mục nội dung tìm kiếm thịnh hành suốt 12 tháng qua, bao gồm các điểm đến được khách trong nước quan tâm nhất. Đó là Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, châu Âu, Hà Giang, Cần Thơ, Bali (Indonesia), Singapore và Malaysia, Phú Quốc, Cồn Phụng (Bến Tre) và Buôn Ma Thuột.
Việc ba vị trí đầu tiên trong Top 10 lần lượt thuộc về các điểm đến quốc tế phần nào phản ánh nhu cầu ra nước ngoài của người Việt sau ba năm bị hạn chế do đại dịch COVID-19. Trong đó, Đài Loan (Trung Quốc) là từ khóa được tìm kiếm nhiều nhất trong năm. Có nhiều lý do để giải thích cho điều này, từ chính sách visa, chi phí, đi lại đến cảnh đẹp và ẩm thực.
Lễ hội đèn trời Pingxi ở Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc).
Kể từ ngày 1/9/2016, du khách Việt Nam có thể được miễn visa Đài Loan (Trung Quốc) có điều kiện. Ngoài ra, khách đi tour có thể nhanh chóng sở hữu visa Quan Hồng - dành riêng cho du khách quốc tế nằm trong chính sách kích cầu du lịch của chính phủ Đài Loan (Trung Quốc). So với các nơi khác, tour Việt Nam – Đài Loan (Trung Quốc) có chi phí hợp lý, phù hợp với túi tiền phần đông khách du lịch. Giá vé máy bay cũng khá rẻ.
Cục Du lịch Đài Loan tại Việt Nam cho biết các doanh nghiệp trong nước ưu tiên chọn nơi đây là một trong những địa điểm du lịch nước ngoài cho nhân viên. Bên cạnh đó, tháng 9 vừa qua, Cơ quan du lịch Đài Loan (Trung Quốc) tại TP.HCM công bố chiến dịch quảng bá du lịch Đài Loan (Trung Quốc) cho thị trường khách du lịch tự do tại Việt Nam. Họ đánh giá du lịch tự túc là thị trường tiềm năng và muốn đẩy mạnh kích cầu.
Theo thống kê, 7 tháng đầu năm 2023, số lượng khách du lịch từ Việt Nam sang Đài Loan (Trung Quốc) là 231.000 lượt, đứng thứ 5 trong số khách các nước đến Đài Loan.
Trong khi đó, Thái Lan, Bali (Indonesia), Singapore và Malaysia được ưa chuộng nhờ khoảng cách gần, thủ tục nhập cảnh đơn giản, không cần phải xin visa.
Đối với những du khách có điều kiện hơn, châu Âu là lựa chọn hàng đầu, đặc biệt vào dịp cuối năm. Giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 12, các tuyến châu Âu tập trung khai thác sản phẩm ngắm lá vàng, lá đỏ mùa thu và các sản phẩm trượt tuyết, ngắm tuyết rơi, đón Noel và năm mới vào mùa đông. Phía công ty du lịch cũng ra mắt các gói ưu đãi, chương trình khuyến mãi nhằm thu hút dòng khách Việt Nam đến thị trường châu Âu, đặc biệt là Bắc Âu.
Ở trong nước, Hà Giang chiếm vị trí được tìm kiếm nhiều nhất trên Google. Sau đại dịch COVID-19, du lịch Hà Giang đạt được tốc độ phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ về lượng khách và doanh thu trong ngành kinh tế xanh.
Đối với những người muốn hòa mình vào thiên nhiên, chiêm ngưỡng sự hùng vĩ của núi đồi và tận hưởng bầu không khí trong lành, yên bình, Hà Giang chính là từ khóa lý tưởng. Vùng đất này từ lâu cũng được các phượt thủ yêu thích.
Ruộng bậc thang Hoàng Su Phì ở Hà Giang.
Không chỉ người Việt, Hà Giang cũng được quốc tế công nhận. Tạp chí New York Times (Mỹ) xếp quê hương của cao nguyên đá Đồng Văn ở vị trí thứ 25/52 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới. The Travel (Canada) bình chọn Hà Giang là 10 điểm đến đẹp nhất Việt Nam. Gần đây nhất, Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới trao giải thưởng Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023 cho mảnh đất địa đầu Tổ quốc.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh Hà Giang tiếp đón 2.158.400 lượt du khách. Trong đó, khách nội địa là 1.940.320 lượt người (tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 86% kế hoạch năm), khách quốc tế là 218.080 lượt người. Doanh thu du lịch đạt 5.072 tỷ đồng, tăng 58,6% so với cùng kỳ 2022.
Các điểm đến khác là Phú Quốc, Cồn Phụng (Bến Tre) và Buôn Ma Thuột đều có những đặc trưng riêng. Phú Quốc thiên về nghỉ dưỡng, tận hưởng không khí biển. Cồn Phụng thiên về du lịch sinh thái, trải nghiệm sông nước miền Tây. Buôn Mê Thuột mang đến không gian văn hóa miền đại ngàn Tây Nguyên.