Robot do học sinh trung học phổ thông thành phố Hồ Chí Minh chế tạo tham dự một hội thi khoa học công nghệ toàn thành phố.
Năm 2024, Bộ Khoa học và Công nghệ tập trung xây dựng luật, lập đề nghị xây dựng bốn Luật sửa đổi, trình Chính phủ năm Nghị định liên quan đến khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; trong đó, việc hoàn thiện lập đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ được coi là nhiệm vụ trọng tâm.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Hồng Thái cho biết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ sẽ tháo gỡ các rào cản về hệ thống chính sách, pháp luật, kinh tế, tài chính… liên quan đến khoa học và công nghệ theo hướng phù hợp với cơ chế thị trường và thông lệ quốc tế; các chính sách, pháp luật đảm bảo tôn trọng đặc thù của lao động sáng tạo; việc chấp nhận rủi ro, mạo hiểm và độ trễ trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Đồng thời, nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược.
Thứ trưởng Trần Hồng Thái cho rằng để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, một trong các giải pháp quan trọng là nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự là đột phá chiến lược.
Thực tế, quá trình phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vẫn còn một số tồn tại, khó khăn đối với các cơ sở nghiên cứu khi cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm chưa được triển khai một cách đồng bộ.
Bên cạnh đó, cơ chế, chính sách đãi ngộ cho các nhà nghiên cứu chưa “xứng tầm.” Mục tiêu để khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của đất nước cũng chưa đạt như mong muốn.
Việc xác định đề tài, nhiệm vụ, quản lý các chương trình khoa học và công nghệ cũng đang gặp vướng mắc từ việc tuyển chọn nhiệm vụ, quản lý, thời hạn nghiệm thu cũng như thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo động lực thương mại hóa công nghệ.
“Đặc biệt, rủi ro trong nghiên cứu khoa học không nên hiểu đơn thuần là thất bại, bởi lẽ nghiên cứu không thành công cũng là một đóng góp để làm rõ hướng đi cho cộng đồng khoa học trong các nghiên cứu khác.
Vì vậy, cần có cơ chế đặc thù, chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ,” Thứ trưởng Trần Hồng Thái nói.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Hồng Thái, Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ cùng các Bộ, ngành từng bước đẩy nhanh chuyển đổi số cũng như thúc đẩy quá trình ứng dụng các công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào cuộc sống, ứng dụng nhiều xu hướng công nghệ mới như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Dữ liệu Lớn (Big Data)...
Bên cạnh những mặt tích cực của các công nghệ mới, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã nhận dạng, lường trước được những hệ lụy, tiêu cực có thể xảy ra để có những nghiên cứu và xây dựng chính sách xử lý những thách thức do trí tuệ nhân tạo mang lại, đặc biệt từ góc nhìn đạo đức, nhân văn.
Năm 2024, ngành Khoa học và Công nghệ tiếp tục triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng góp ngày càng hiệu quả vào nâng cao năng suất, chất lượng; giúp tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện đời sống người dân.
Đặc biệt, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong quá trình tăng năng suất vật nuôi, cây trồng…