LCĐT - Vừa rồi, cùng với một số cán bộ của Bảo tàng tỉnh đến một số điểm di tích lịch sử và danh lam, thắng cảnh trên địa bàn tỉnh để ghi lại một số hình ảnh phục vụ công tác tuyên truyền dịp 115 năm thành lập tỉnh Lào Cai. Được đi, cảm nhận và được tiếp cận với những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trong tỉnh và những tài liệu nghiên cứu của các chuyên gia, khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác; song qua đây, cũng đặt ra nhiều băn khoăn về công tác gìn giữ, bảo tồn.
Là tỉnh miền núi biên giới, nhưng Lào Cai lại là nơi phát hiện được khá nhiều các di tích văn hóa Đông Sơn, thời các vua Hùng dựng nước. Các di tích được phát hiện ở huyện Bát Xát, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn và tập trung nhất là thành phố Lào Cai còn lưu giữ rất nhiều hiện vật có giá trị lịch sử. Đặc biệt nổi bật là 2 chiếc trống đồng được tìm thấy ở Pha Long (Mường Khương) và Gia Phú (Bảo Thắng) đã được công nhận là bảo vật quốc gia. Các di tích lịch sử và di chỉ khảo cổ chính là bằng chứng cho thấy, từ rất sớm Lào Cai đã là một trung tâm kinh tế - chính trị lớn thời cổ đại và được tiếp nối trong suốt thời kỳ phong kiến sau này. Qua đó, đã ghi dấu quá trình đấu tranh giữ nước của quân dân Lào Cai qua các thời kỳ lịch sử khác nhau.
![]() |
Trống đồng được tìm thấy ở Gia Phú (Bảo Thắng). |
Thực tế cho thấy, thời gian qua, hầu hết các địa phương đã quan tâm bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 5 (Khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tuy nhiên, nhiều địa phương mới chỉ tập trung vào bảo tồn, chỉnh trang các di sản trọng điểm, có giá trị cao và gắn với việc khai thác phục vụ du lịch; bên cạnh đó, có nhiều điểm thắng cảnh, di tích lịch sử vừa và nhỏ ở các địa phương vẫn bị lãng quên, thậm chí do công tác quản lý yếu kém nên đã bị xâm hại nghiêm trọng.
Theo một cán bộ Bảo tàng tỉnh, người đã từng chứng kiến một số di chỉ khảo cổ học và di tích lịch sử có giá trị ở một địa phương trong tỉnh bị xâm hại, thì nguyên nhân là do nhận thức của các cấp chính quyền và bản thân người dân địa phương chưa thấy hết được giá trị văn hóa, lịch sử cần được quan tâm gìn giữ, bảo tồn. Nguy cấp hơn, có điểm di tích lịch sử hoặc danh lam thắng cảnh đã bị chính quyền địa phương để cho một số cá nhân tự ý cải tạo với mục đích thương mại mà làm sai lệch hẳn ý nghĩa lịch sử và tâm linh vốn tồn tại mấy trăm năm qua. Đáng tiếc là các vụ việc xâm hại di tích lịch sử, thắng cảnh xảy ra và đã được xác định là vi phạm Luật Di sản nhưng không ai chịu trách nhiệm hay bị xử phạt để răn đe.
Được biết, UBND tỉnh đã có Quyết định số 12 ra ngày 25/5/2018, ban hành Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương, cơ quan chức năng căn cứ triển khai thực hiện.
Thiết nghĩ trong thời gian tới, ngành văn hóa - thể thao cần có giải pháp tăng cường quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, không để di tích bị xâm hại rồi mới đổ lỗi trách nhiệm. Ngoài ra, tạo sự đồng thuận của xã hội, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần tổ chức tuyên truyền về giá trị của di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh theo phương châm “Biến di sản thành tài sản” và gắn bảo tồn di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh với phát triển kinh tế du lịch để xóa đói, giảm nghèo…