Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, người lao động vẫn băn khoăn tuổi nghỉ hưu

Xung quanh đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm tối thiểu để nhận lương hưu xuống còn 15 năm, có ý kiến cho rằng, vấn đề không nằm ở số năm đóng. Nếu tuổi nghỉ hưu giữ ở mức cao thì người lao động vẫn sẽ rút bảo hiểm xã hội một lần vì không chờ được đến tuổi nhận lương hưu.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Người lao động băn khoăn

Tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến góp ý, cơ quan này tiếp tục đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội từ 20 năm như quy định hiện hành xuống còn 15 năm, để nhiều người có thể tiếp cận chế độ hưu trí. Cụ thể, dự thảo Luật quy định, khi người lao động đủ tuổi nghỉ hưu theo Bộ luật Lao động năm 2019, có từ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên được hưởng lương hưu hàng tháng, thay vì tối thiểu 20 năm như hiện hành. Trường hợp người lao động làm trong một số ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hầm lò, vùng khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn từ 5 - 10 năm so với tuổi chung. Đối với người đã hưởng bảo hiểm xã hội một lần, thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu để có lương hưu phải 20 năm thay vì 15 năm như những người khác.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để nhiều người có thể tiếp cận chế độ hưu trí.

Giảm năm đóng bảo hiểm xã hội để nhiều người có thể tiếp cận chế độ hưu trí.

Đề xuất này thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Trên các diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng, ai cũng mong muốn có lương hưu khi về già. Tuy nhiên, với những quy định khắt khe như hiện nay, người lao động giản đơn tại các khu công nghiệp duy trì đóng bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu là rất khó khăn. Khi bước sang tuổi 40, người lao động rất lo doanh nghiệp sa thải. Nếu mất việc, không tìm được việc làm mới, người lao động cũng sẽ nghĩ đến việc rút bảo hiểm xã hội một lần.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, đến hết năm 2022, cả nước có hơn 17 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội, độ bao phủ mới đạt 38% lực lượng lao động trong độ tuổi và còn khoảng 28,4 triệu người chưa vào hệ thống. Độ bao phủ bảo hiểm xã hội tăng chậm trong khi số người “về một cục” lại tăng, bình quân cứ 2 người vào hệ thống thì 1 người rời đi. Bộ LĐ-TB&XH thống kê, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Khoảng 10% lao động rút bảo hiểm một lần có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 10 năm trở lên.

Khẳng định việc giảm tuổi nghỉ hưu có ý nghĩa hơn giảm năm đóng, chị Nguyễn Thị Ngân (Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, người lao động mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu hơn là giảm năm đóng bảo hiểm xuống 15 năm. Nhiều người lao động ở độ tuổi 45 - 50, khi bị doanh nghiệp sa thải đã có hơn 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, nhưng theo quy định hiện hành thì phải ngoài 60 tuổi mới được nhận lương hưu, tức là phải chờ hơn 10 năm. Nếu đóng tiếp bảo hiểm xã hội để chờ đủ tuổi nghỉ hưu thì rất khó vì doanh nghiệp nào tuyển lao động ở tuổi 45-50?

Cùng mong muốn giảm tuổi nghỉ hưu, anh Trần Văn Công (Mê Linh, Hà Nội) cho rằng, ngoài giảm thời gian đóng thì cũng nên giảm cả tuổi hưu. Nguyên tắc của bảo hiểm xã hội là đóng ít hưởng ít, đóng nhiều hưởng nhiều, luật nên bỏ quy định tuổi nghỉ hưu. Người lao động đã đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì được lĩnh lương hưu, ai đủ sức khỏe thì tiếp tục làm việc và đóng thêm nhiều năm để hưởng mức lương hưu tối đa.

Người lao động khó tìm được việc khi đã ngoài 40 tuổi

Người lao động khó tìm được việc khi đã ngoài 40 tuổi

Lương hưu thấp còn hơn không có gì

Lý giải đề xuất nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho hay, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45 - 47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người tham gia không liên tục dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng được hưởng lương hưu. Trao đổi về đề xuất này, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) đánh giá, đây là chính sách linh hoạt, phù hợp với thị trường lao động, nhất là đối với những người lao động tham gia thị trường lao động khi tuổi đời cao. Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội là cần thiết, bởi đây là một trong những giải pháp bảo đảm để họ được hưởng chế độ hưu trí, là chính sách an sinh xã hội lâu dài, tốt nhất cho người lao động.

Xung quanh đề xuất này có nhiều ý kiến cho rằng, đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu thì mức hưởng sẽ rất thấp. Do vậy, chính sách nghiên cứu khi ban hành phải đảm bảo mức lương tối thiểu cho người lao động.

Về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cho rằng, hiện chính sách bảo hiểm xã hội vẫn theo nguyên tắc đóng - hưởng, mức đóng thấp thì mức lương hưu sẽ thấp. Tuy nhiên, khi điều chỉnh chính sách, nếu mức hưởng thấp quá không đủ sống thì cơ quan quản lý cần nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để người về hưu đảm bảo cuộc sống tối thiểu. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn 15 năm được hưởng lương hưu thay vì 20 năm như hiện nay còn tạo ra sự hấp dẫn để giảm thiểu tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần. Khi đóng bảo hiểm xã hội 15 năm thì dù mức lương hưu thấp vẫn còn hơn là để người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, đến khi tuổi già không được hưởng chế độ hưu trí.

Có thể tách bạch chế độ hưởng với tuổi hưu?

Dù ủng hộ đề xuất giảm năm đóng bảo hiểm xã hội, ông Lê Đình Quảng cũng cho rằng, với số năm đóng bảo hiểm xã hội là 15 năm thì tiền lương hưu người lao động nhận được không cao. Với những người lao động có tiền lương thấp, mức lương hưu sau này khó đảm bảo mức sống tối thiểu. Do đó, cùng với giảm năm đóng cần tính toán lại theo nguyên tắc tăng cường tính chia sẻ khi hưởng chế độ hưu trí, để người lao động có điều kiện tham gia đủ 20 năm hoặc giảm còn 15 năm, khi hưởng chế độ này vẫn có một khoản tiền nhất định để đảm bảo cuộc sống tối thiểu.

Còn theo bà Phạm Thu Lan - Phó Viện trưởng Viện Công nhân Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), ngoài sửa luật còn phải thay đổi đồng bộ quy định về lương tối thiểu, là mức đủ sống. Bà Phạm Thu Lan đồng ý giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội xuống 15, nhưng đợi đến tuổi hưu mới được hưởng là quá lâu. Đi kèm với giảm năm đóng thì cần giảm tuổi hưởng, rút ngắn thời gian chờ để lao động vừa có khoản trang trải cuộc sống trong khi đợi lương hưu, tức là cần tách tuổi hưởng chế độ với tuổi hưu.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, việc sửa đổi chính sách hưu trí cần đặt trong một tổng thể. Không chỉ đơn thuần là giảm năm đóng bảo hiểm xã hội hay giảm tuổi hưu. Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, chính sách bảo hiểm xã hội thực hiện theo nguyên tắc đóng - hưởng. Trong khi đó, nền tiền lương đóng bảo hiểm xã hội ở nước ta còn thấp. Còn tồn tại tình trạng doanh nghiệp “chẻ” nhỏ thu nhập của người lao động để giảm một phần chi phí đóng bảo hiểm xã hội. Đây cũng là bất cập trong chính sách cần phải quan tâm để điều chỉnh cho phù hợp hơn.

Báo An ninh Thủ đô

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Thành phố Lào Cai quan tâm giải quyết việc làm

Thành phố Lào Cai quan tâm giải quyết việc làm

Thành phố Lào Cai có 65% dân số ở độ tuổi lao động. Ước tính mỗi năm, thành phố có hơn 1.800 người bước vào độ tuổi lao động. Do đó, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm được coi là nhiệm vụ chính trị quan trọng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đi làm thuê, về làm chủ

Đi làm thuê, về làm chủ

Vượt qua những rào cản về ngôn ngữ, trình độ học vấn, tập quán sinh hoạt… nhiều người lao động ở Lào Cai khi đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đã học được tính kỷ luật, kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý, điều hành của nước bạn. Trong hành trình tìm kiếm ước mơ “đi làm thuê, về làm chủ”, bên cạnh số tiền tiết kiệm, nhiều người trong số đó đã chọn cho mình con đường khởi nghiệp khi trở về.

Thị trường lao động đầu năm

Thị trường lao động đầu năm

Sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, các đơn vị, doanh nghiệp tăng cường sản xuất, kinh doanh, người lao động cũng khẩn trương trở lại làm việc. Những ngày đầu năm, thị trường lao động, việc làm trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động với nhiều tín hiệu tích cực.

Công đoàn ngành Công Thương: Đổi mới hoạt động hướng về đoàn viên, lao động

Công đoàn ngành Công Thương: Đổi mới hoạt động hướng về đoàn viên, lao động

Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần EB Hải Phòng tại Lào Cai có 124 đoàn viên, làm việc ở 2 ngành, nghề chính là bán lẻ hàng hóa và thợ nghề các dịch vụ, trong đó, đối với thợ nghề, môi trường làm việc thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố tiềm ẩn nhiều nguy hiểm dễ xảy ra sự cố như ga, lửa, điện, máy cắt… 

Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, chúc tết một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh thăm, chúc tết một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

Chiều 1/2, Đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh do đồng chí Đặng Đình Chung, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh đã tới thăm, chúc tết một số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và đoàn viên, người lao động làm việc trong những ngày nghỉ Tết Giáp Thìn năm 2024.

"Chuyến bay ước mơ" đưa hàng nghìn người lao động khó khăn về quê ăn tết

"Chuyến bay ước mơ" đưa hàng nghìn người lao động khó khăn về quê ăn tết

Chưa đến 8 giờ sáng 30/1, anh Lê Văn Hùng (tại TX. Bến Cát, Bình Dương) đã có mặt ở bến xe khách Mỹ Đình (Hà Nội) để đón chuyến xe đầu giờ về quê ở Thanh Hóa. Hà Nội những ngày giáp tết năm nay trời rét căm căm, sương mù phủ ướt cả 2 vai áo nhưng trong lòng chộn rộn khiến anh Hùng gần như quên mất cái lạnh của tiết trời 10 độ C.

fb yt zl tw