Gia tăng bệnh nhân mắc liệt mặt, tai biến mạch máu não

Khoảng một tháng trở lại đây, Bệnh viện Phục hồi chức năng và Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Lào Cai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân mắc liệt mặt và tai biến mạch máu não đến điều trị. 

Trong tuần vừa qua, tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh có 3 bệnh nhân mắc bệnh liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên hay còn gọi là bệnh liệt mặt điều trị. Trong đó, em Nguyễn Tiến Đ., học sinh lớp 4A6, Trường Tiểu học Nguyễn Du, phường Kim Tân, thành phố Lào Cai là bệnh nhân nhỏ tuổi nhất. Sau thời gian điều trị 10 ngày, bệnh nhi đã hồi phục tốt.

Bác sỹ Nguyễn Hương Sen, Trưởng Khoa Nội - Nhi, Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh chia sẻ: Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, dân gian vẫn thường gọi "liệt mặt", "méo miệng" là tình trạng mất hoặc giảm vận động cơ vùng mặt, thường gặp ở một bên, gây biến dạng khuôn mặt. Bệnh thường gặp nhiều hơn vào thời điểm giao mùa. 80% trường hợp trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 là do nhiễm lạnh đột ngột làm ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh số 7. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: di truyền; trẻ bị nhiễm virus rubella, herpes; trẻ bị các bệnh như đái tháo đường, viêm tai giữa, chấn thương mặt, khối u… Trẻ bị liệt dây thần kinh số 7 có thể ảnh hưởng đến học tập, vui chơi, giao tiếp hằng ngày, trẻ khó biểu hiện cảm xúc ở mặt, khó khăn trong ăn uống và bệnh có khả năng để lại hậu quả ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi trưởng thành.

z6361978866097-dae155f11622a9b93e43095f8ebeb990.jpg
Bác sỹ khám cho bệnh nhân mắc liệt mặt.

Một tháng qua, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cũng đã tiếp nhận hơn 10 bệnh nhân mắc liệt mặt. Bà Vũ Thị Hưng, 60 tuổi ở thôn Tòng Chú 3, xã Cốc San, thành phố Lào Cai nhập viện ngày 16/2, sau thời gian điều trị, tình trạng liệt mặt của bà đã được cải thiện rất nhiều. Bà Hưng chia sẻ: Hôm đó trời lạnh, tối tôi đi bộ muộn, sáng ngủ dậy thấy miệng bị méo, không uống nước hay ăn cơm được, mắt không thể nhắm chặt nên tôi đã đến Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh điều trị. Bác sỹ dặn tôi phải giữ ấm và hạn chế ra ngoài trời lạnh, súc miệng bằng nước ấm.

Cùng điều trị chứng liệt mặt với bà Hưng còn có bệnh nhân Ma Thị Mỷ, 21 tuổi ở xã Tả Van Chư, huyện Bắc Hà. Những hoạt động trị liệu như châm cứu, xoa bóp, bấm huyệt tại bệnh viện đã giúp những bệnh nhân liệt mặt thuyên giảm triệu chứng.

z6361978860944-1153fa5f33e99b8e7eed4698faf2bcbd.jpg
Châm cứu là một trong những phương pháp điều trị triệu chứng liệt mặt.

Bác sỹ Nguyễn Huy Thục, Trưởng Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cho biết: Lạnh là nguyên nhân chính gây nên chứng liệt mặt. Các triệu chứng thường xuất hiện đột ngột, chỉ xảy ra ở một bên của khuôn mặt khiến mặt bị xệ, hơi cứng khác thường, miệng méo, đặc biệt là góc của miệng; mắt nhắm không kín hay mở lớn cả khi ngủ; nhân trung lệch sang bên liệt; khó nói và đôi khi khó ăn uống… Ngoài ra, bệnh cũng có thể gây các tổn thương thứ cấp ở mắt, răng hàm mặt, tai mũi họng, di chứng co thắt cơ nửa mặt…

Theo bác sỹ Thục, để phòng ngừa nguy cơ liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên, người dân cần tránh gió, tránh lạnh, đeo khẩu trang khi đi ra ngoài trong thời tiết lạnh. Người bệnh cần chăm sóc và bảo vệ mắt bằng cách đeo kính tránh bụi bẩn khi ra ngoài, tra nước mắt nhân tạo, nước muối sinh lý để tránh khô mắt và hạn chế nhiễm khuẩn; vệ sinh tốt răng miệng và có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng.

Không chỉ điều trị cho những bệnh nhân liệt mặt, thời gian vừa qua, những bệnh nhân mắc tai biến điều trị tại Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh cũng gia tăng. Tại phòng trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, các kỹ thuật viên tỉ mỉ, kiên trì trợ giúp người bệnh tập vận động tay, chân và tập với các dụng cụ hỗ trợ.

z6361978880004-5c1a9c4252c4d98ea01b85278a0eb7f6.jpg
Kỹ thuật viên tập phục hồi chức năng cho người bệnh mắc tai biến.

Theo kỹ thuật viên Trần Anh Lanh, Phó Trưởng khoa Trị liệu, Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh, hiện nay, thời tiết lạnh kéo dài kèm theo những đợt nóng xen kẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân. Thời gian gần đây, chúng tôi tiếp nhận nhiều người bệnh mắc tai biến mạch máu não, đặc biệt là người cao tuổi và có thể trạng yếu. Chúng tôi điều trị cho người bệnh bằng nhiều biện pháp như sóng ngắn, vi sóng, điện xung. Gần đây, bệnh viện đã được đầu tư máy oxy cao áp đa chỗ và máy điện từ trường xuyên sọ, mang lại hiệu quả cao hơn trong quá trình điều trị cho người bệnh.

Theo các bác sỹ, để phòng tránh bệnh tai biến mạch máu não, người dân cần có chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ chất dinh dưỡng; hạn chế các loại thức ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, chất béo, cholesterol…; giữ cân nặng vừa phải tránh béo phì; không hút thuốc lá; hạn chế uống rượu, bia bởi uống nhiều rượu, bia có thể làm tăng huyết áp, từ đó làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não. Đặc biệt, cần có thời gian tập thể dục hợp lý, tránh tập thể dục khi thời tiết lạnh. Người dân nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe, đặc biệt là những nguy cơ gây ra bệnh tai biến mạch máu não.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Tuyên chiến với thuốc giả: Yêu cầu hành động toàn diện

Trước thực trạng thuốc giả, thực phẩm chức năng giả ngày càng len lỏi vào hệ thống phân phối, đe dọa trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng và niềm tin vào ngành y tế, vấn đề đặt ra hiện nay là cuộc chiến chống thuốc giả, không chỉ là trách nhiệm hành chính. Đó là phép thử về năng lực quản lý, khả năng ứng dụng công nghệ và đặc biệt - là thước đo đạo lý của xã hội.

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Lần đầu tiên Việt Nam có vaccine não mô cầu thế hệ mới không giới hạn độ tuổi tiêm

Ngày 4/7, bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống Tiêm chủng VNVC cho biết, 230 trung tâm VNVC trên toàn quốc đã triển khai tiêm vaccine não mô cầu thế hệ mới MenACYW. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, vaccine phòng não mô cầu được chỉ định tiêm cho người lớn từ 56 tuổi trở lên.

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Người dân yên tâm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau sáp nhập

Sau ngày 1/7/2025 thời điểm chính thức thành lập tỉnh Lào Cai mới trên cơ sở sáp nhập Lào Cai và Yên Bái, bộ máy chính quyền hai cấp đã nhanh chóng đi vào hoạt động ổn định. Một trong những lĩnh vực được người dân đặc biệt quan tâm là quyền lợi khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Thực tế tại các cơ sở y tế cho thấy, công tác KCB diễn ra thông suốt, không bị gián đoạn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đến khám, chữa bệnh bằng BHYT.

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Hệ thống y tế tỉnh Lào Cai sau sáp nhập

Sau hợp nhất, tỉnh Lào Cai (mới) sẽ có 40 đơn vị y tế công lập và 5 đơn vị y tế tư nhân. Trong đó, có 4 bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh. Bệnh viện đa khoa huyện, thành phố đã được đổi tên thành bệnh viện đa khoa khu vực; Trung tâm Y tế cấp huyện trực thuộc UBND cấp huyện được đổi tên và chuyển nguyên trạng về trực thuộc Sở Y tế. 

Lào Cai bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Lào Cai bảo đảm khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế khi thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp

Thông tin từ Sở Y tế Lào Cai, thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, ngành y tế và bảo hiểm xã hội (BHXH) đã phối hợp triển khai những hoạt động cần thiết để bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), công tác khám bệnh, chữa bệnh BHYT liên tục, thông suốt, không bị gián đoạn.

fb yt zl tw