Giá rau Sa Pa giảm, tiêu thụ chậm

LCĐT - Người trồng rau tại thị xã Sa Pa đang gặp khó khăn bởi tình trạng “vắng người mua, thừa người bán”, rau được mùa nhưng giá giảm, sức tiêu thụ chậm.

Vụ rau đông - xuân 2022 - 2023, thời tiết thuận lợi nên diện tích rau của nông dân phường Sa Pả phát triển tốt, năng suất cao nhưng thu nhập không đạt kỳ vọng vì giá bán giảm sâu. Bên cạnh đó, sức tiêu thụ rau vụ này chậm khiến rau của người dân bị ùn ứ.

Cùng kỳ năm 2022, giá bán lẻ rau mầm đá tại thị trường Sa Pa cao kỷ lục, dao động khoảng 50.000 - 70.000 đồng/kg. Tuy nhiên hiện nay, giá bán lẻ loại rau “đặc sản” này chỉ còn 10.000 đồng/kg, giá bán buôn là 5.000 đồng/kg. Các loại rau khác làm nên “thương hiệu” rau Sa Pa như ngồng cải làn, ngồng su hào… cũng đang bán ở mức 10.000 đồng/kg, cải địa phương có giá 5.000 đồng/kg. Đây là giá bán thấp kỷ lục, ít khi xảy ra tại vùng rau có chất lượng cao như thị xã Sa Pa trong nhiều năm gần đây. Không chỉ giá bán thấp, sức tiêu thụ rau năm nay cũng giảm so với cùng kỳ năm 2022, dẫn đến việc nhiều nông dân trồng rau chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm.

Giá rau Sa Pa giảm, tiêu thụ chậm ảnh 1
Nông dân Sa Pa lo lắng vì vườn rau đến kỳ thu hoạch nhưng giá bán giảm, tiêu thụ chậm.

Những ngày này, anh Hầu A Páo ở tổ 4, phường Sa Pả lo lắng với mảnh vườn rộng hơn 5.000 m2 trồng đủ loại rau. Không có thương lái đến mua, gia đình anh phải thu hoạch rau mang ra bán tại ven Quốc lộ 4D để gỡ gạc chi phí phân bón và công chăm sóc.

Anh Páo tâm sự: Chưa năm nào rau Sa Pa khó tiêu thụ như năm nay. Người bán thì nhiều mà người mua thì ít. Bán lẻ không biết bao giờ mới hết số rau trong vườn. Rau được mùa thì giá rẻ là đương nhiên nhưng tôi không nghĩ giá rau giảm sâu và khó tiêu thụ như hiện tại. Nếu tình trạng này còn kéo dài, người nông dân không thể thu hồi chi phí đầu tư, chưa kể là công sức bỏ ra trong vài tháng qua.

Người dân Sa Pa mang rau ra ven quốc lộ 4D bán nhưng ít người mua.
Người dân Sa Pa mang rau ra ven quốc lộ 4D bán nhưng ít người mua.

Rau được mùa, sức mua chậm nên không ít nông dân thị xã Sa Pa phải chở rau đi bán tại các chợ ở thành phố Lào Cai. Chị Má Thị Xá (tổ 4, phường Sa Pa) cho biết: Chở rau ra thành phố Lào Cai bán thì vất vả nhưng bù lại giá bán cao hơn chút. Những lúc này, chúng tôi mới thấy giá trị của việc liên kết sản xuất, tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm rau. Tôi sẽ tìm kiếm một số đầu mối để ký kết hợp đồng tiêu thụ, sau đó mới bắt tay vào sản xuất.

Tương tự, vườn rau cải mầm đá, cải địa phương rộng hơn 3.500 m2 của gia đình anh Nguyễn Văn Trình ở tổ 1, phường Hàm Rồng cũng đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng khó tiêu thụ. Anh Trình cho rằng từ cuối năm 2022, người trồng rau liên tục gặp khó. Lý do là khi giá tăng thì thời tiết bất lợi, rau thối, hỏng nhiều, không có để bán. Đến khi thời tiết thuận lợi, nông dân ồ ạt trồng, năng suất cao, sản lượng lớn nên ùn ứ cục bộ và giá bán giảm khiến những hộ trồng rau không kịp trở tay. Mặc dù gia đình anh đã có hợp đồng với các đầu mối nhưng giá bán rau vẫn thấp vì phụ thuộc vào sự điều tiết của thị trường.

Năm 2022, diện tích rau, đậu trên địa bàn thị xã Sa Pa đạt 1.745 ha, sản lượng thu hoạch đạt 31.126 tấn. Từ đầu năm 2023 đến nay, nông dân thị xã trồng 20ha rau các loại, sản lượng thu hoạch đạt 650 tấn. Các loại rau đang bước vào thời kỳ thu hoạch chủ yếu là rau được trồng vào cuối năm 2022.

Nói về tình trạng rau Sa Pa có sức mua chậm, giá bán giảm, ông Trần Mạnh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Sa Pa cho biết: Sản lượng rau hiện tại rất lớn vì người dân ồ ạt trồng thời điểm cuối năm 2022, dẫn đến tình trạng ùn ứ cục bộ. Chúng tôi đã tuyên truyền, khuyến cáo người dân áp dụng các biện pháp gối vụ, rải vụ và liên kết tiêu thụ nhưng tình trạng trồng ồ ạt vẫn diễn ra.

“Để giảm thiểu tình trạng được mùa thì mất giá, đơn vị phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, chính quyền các địa phương tuyên truyền người dân áp dụng các biện pháp rải vụ, sử dụng cơ cấu giống phù hợp để gieo trồng, đồng thời tìm kiếm, liên hệ với các đầu mối và các thương nhân để liên kết, bao tiêu sản phẩm, tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm rau Sa Pa”, ông Hùng cho biết thêm.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Tân An khởi sắc

Tân An khởi sắc

Trong tiết trời giá buốt của ngày đông, xuôi dòng sông Hồng, chúng tôi về Tân An - xã “cửa ngõ” phía đông nam huyện Văn Bàn. Sau hoàn lưu bão số 3 (Yagi) tháng 9/2024, mầm xanh bật dậy bên những bãi bồi ven sông, trên đồi quế trải dài tít tắp tỏa hương ngào ngạt cho khách qua đường cảm nhận được miền quê trù phú, ấm êm trong không khí tết cận kề…

Bắc Hà: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ Nghị quyết 10

Bắc Hà: Thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp từ Nghị quyết 10

Nghị quyết số 10 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chiến lược phát triển nông nghiệp hàng hóa được triển khai hiệu quả đã tạo bước ngoặt trong tư duy sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Bắc Hà. Từ sản xuất nhỏ lẻ, huyện Bắc Hà đã dần hình thành những vùng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới phát triển bền vững.

Chắt mật ngọt từ núi đá Xuân Quang

Chắt mật ngọt từ núi đá Xuân Quang

Say mê kể chuyện về những đàn ong mật cần mẫn, nông dân Cao Văn Chiến, thôn Nậm Dù, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) nhớ như in hành trình băng rừng, dò từng khe đá tìm tổ ong tự nhiên lấy mật đầy vất vả, nguy hiểm đến quyết tâm thuần hóa đưa ong về nuôi trong vườn nhà và gây dựng thành công thương hiệu mật ong núi đá, mang nghề mới cho người dân trong xã thu tiền tỷ mỗi năm.

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số

Phấn đấu tăng trưởng kinh tế ở mức hai con số

Ngay trước thềm năm mới Ất Tỵ 2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan rà soát, xây dựng kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2025 phấn đấu ở mức hai con số và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đột phá, khả thi, hiệu quả để thực hiện thành công mục tiêu này.

fb yt zl tw