Ghi nhận tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong những tuần gần đây, giá lợn hơi liên tục giảm. Cụ thể, giá lợn hơi nuôi trang trại từ 54.000 - 55.000 đồng/kg giảm còn 47.000 - 48.000 đồng/kg; giá lợn hơi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm còn 42.000 - 44.000 đồng/kg. Với mức giá này, các hộ nuôi nhỏ lẻ phải gánh lỗ từ 900 nghìn đồng/con đến 1,4 triệu đồng/con, còn hộ nuôi trang trại lỗ khoảng 300 - 400 nghìn đồng/con.
Theo các hộ chăn nuôi, chỉ tính chi phí thức ăn đã chiếm khoảng 65 - 70% giá thành lợn hơi, trong khi đó giá thức ăn từ đầu năm 2022 đến nay tăng khoảng 40% so với đầu năm 2021.
Chăn nuôi lợn đã gần 20 năm nhưng gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở xã Xuân Giao (huyện Bảo Thắng) cũng không dự tính được tình huống giá lợn giảm sâu như hiện tại. Ông Tuấn than thở: Lứa lợn gần 100 con xuất chuồng cách đây 2 ngày của gia đình được bán với giá 47.500 đồng/kg, với giá này lỗ gần 400 nghìn đồng/con. Đó là gia đình còn tự chủ được con giống và thức ăn chăn nuôi nhập thẳng từ nhà máy.
Theo ông Tuấn, chi phí nuôi 1 con lợn để đạt trọng lượng 100 kg là gần 4 triệu đồng, chưa tính chi phí con giống (khoảng 1,1 - 1,8 triệu đồng). Nếu giá lợn hơi hơn 55.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi mới có lãi.
Theo nhiều hộ chăn nuôi, giá thức ăn tăng liên tục từ cuối năm 2020, đến tháng 10/2022 đà tăng mới chấm dứt. Từ đó đến nay, giá thức ăn vẫn giữ ở mức cao (350.000 - 390.000 đồng/bao). Trong khi đó, giá lợn hơi giảm dần, nay rơi xuống “đáy” mới khiến người nuôi thua lỗ. |
Giá lợn hơi không những giảm mạnh mà việc tiêu thụ cũng ngày càng khó. Ông Nguyễn Viết Hùng (xã Thống Nhất, thành phố Lào Cai) cho biết: Trước kia, lợn nuôi đến trọng lượng 140 - 150 kg/con đều được thương lái mua hết, nhưng nay họ chỉ chọn mua lợn thịt có trọng lượng 100 - 120 kg/con. Vừa qua, gia đình ông xuất bán 10 con lợn với tổng trọng lượng hơn 1 tấn, lỗ hơn 10 triệu đồng tiền thức ăn, thuốc thú y, chưa kể tiền công chăm sóc và chi phí điện, nước. Hiện ông Hùng như “ngồi trên đống lửa”, bởi trong chuồng còn 40 con lợn đã đến kỳ xuất chuồng, nếu giữ chờ tăng giá thì rủi ro, còn bán thì lỗ nhiều.
Giá lợn hơi giảm sâu, tuy nhiên giá thịt lợn tại các chợ dân sinh cũng như siêu thị vẫn ở mức cao. Tại chợ Phố Mới (phường Lào Cai, thành phố Lào Cai), giá thịt lợn dao động ở mức 90.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại. Về nguyên nhân giá thịt lợn ở chợ vẫn ở mức cao, chị Vũ Thị Minh là tiểu thương kinh doanh ngành hàng thịt lợn cho rằng chi phí vận chuyển và chi phí mặt bằng tăng, trong khi lượng tiêu thụ giảm, dẫn đến không thể giảm giá bán. Trước đây, trung bình mỗi ngày sạp hàng của chị Minh bán được 100 - 120 kg thịt lợn và vào ngày lễ, tết thì lượng tiêu thụ gấp đôi. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, chợ luôn trong tình cảnh người bán thì đông mà người mua thì vắng, lượng thịt tiêu thụ không vượt quá 50 kg/ngày.
Để ứng phó với giá lợn hơi giảm sâu trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng, ông Lê Mạnh Quý, Giám đốc Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền (xã Sơn Hà, huyện Bảo Thắng) cho rằng, người chăn nuôi cần chủ động sản xuất con giống, phối trộn thức ăn phù hợp với phương thức chăn nuôi hoặc nhập thức ăn chăn nuôi thẳng từ nhà sản xuất. Cùng với đó, ngành chức năng cần có chính sách hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi về vốn với lãi suất ưu đãi để duy trì tổng đàn, bảo đảm nguồn cung trong mọi tình huống. |
Hợp tác xã chăn nuôi Quý Hiền hiện có 300 con lợn nái, duy trì đàn lợn thịt 7.000 con, mỗi ngày xuất bán 42 - 45 con lợn thịt (tương đương hơn 5 tấn lợn hơi). Việc chăn nuôi của hợp tác xã duy trì ổn định bởi tự chủ được nguồn giống, có đầu ra ổn định nhờ việc ký kết hợp đồng tiêu thụ với các công ty, trường học trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, hợp tác xã chủ động mua nguyên liệu và sản xuất thức ăn nên giá thức ăn giảm khoảng 30.000 đồng/bao so với mua ngoài.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng đàn lợn toàn tỉnh hiện là hơn 430.000 con. Giá lợn hơi thời gian gần đây giảm xuống quá thấp đã ảnh hưởng đến việc phát triển đàn vật nuôi và thu nhập của người dân. Trước tình hình trên, ngành chức năng của tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi tiếp tục theo dõi thị trường, không nên tăng đàn trong thời điểm này.
Để chăn nuôi phát triển ổn định, các địa phương cần thành lập các tổ hợp tác, liên kết trong chăn nuôi để tránh bị ép giá, kết nối tiêu thụ để không bí đầu ra; tập trung phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi. Khuyến khích các hợp tác xã, chủ trang trại, gia trại có năng lực đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao...