Mải miết kiếm tìm qua nhiều địa phương, qua các kênh thông tin, may mắn cũng đến với chúng tôi khi gặp được người có mấy mươi năm làm đàn tính, đó là ông Vương Văn Kết, 74 tuổi, thôn Phẻo, xã Xuân Giao, huyện Bảo Thắng.
Nhà ông Kết nằm sâu trong lòng thôn Phẻo. Để đến đúng nhà, tôi bám chân Nghệ nhân dân gian Nông Văn Sin, 62 tuổi, thành viên Đội văn nghệ thôn Phẻo, người đàn hay và thuộc nhiều giai điệu nhất vùng. Ngôi nhà ông Kết 3 gian khá đơn sơ, đây cũng là nơi hằng ngày ông thực hiện các khâu chế tác đàn tính.
Khi chúng tôi có mặt, ngay gian giữa ngôi nhà đang bày rất nhiều đồ nghề làm đàn với những dao, cưa, đục, máy bào, mài, máy khoan mi ni và những nguyên liệu như vỏ bầu nậm khô, phôi cần đàn bằng gỗ, mặt đàn... Ông Kết bảo, giờ đây máy móc hỗ trợ nên làm một cây đàn cũng nhanh hơn, tuy nhiên tất cả các khâu phần thủ công vẫn là chính.
Việc khó nhất với ông Kết là tìm mua được quả bầu nậm như ý muốn, đảm bảo các yêu cầu như phải bầu già, to, tròn đều, vỏ có độ dày vừa phải và có độ đanh, chắc. Quan trọng hơn bầu không có nốt ong châm, không sứt, sẹo. Để mua được quả bầu ưng ý, ông Kết thường lặn lội tới tận các thôn vùng cao, nhất là nơi có khí hậu mát mẻ, bầu sẽ đẹp hơn, bà con vùng cao cũng trồng bầu nậm nhiều hơn, thậm chí người mua phải đặt cọc từ lúc bầu còn xanh lúc lỉu trên giàn.
Cuối năm, khi thân bầu trên giàn khô xác xơ, quả bầu ngả màu vàng ruộm, rồi nâu thẫm mới được hái bầu về nhà trước khi cưa bỏ phần núm bầu, bóc lõi rồi sấy gác bếp. Ở khâu này cũng phải hết sức khéo léo, tỉ mỉ để vỏ bầu không bị vỡ, đặc biệt là không để xước, bầu tróc vỏ thì sau này đàn mới đều, đẹp. Sau khoảng 1 tuần, vỏ bầu khô kiệt thì mang ra phun qua dầu bóng là hoàn thành phần chuẩn bị cho một nửa cây tính tẩu.
Cần đàn được ông Kết lựa chọn bằng nhiều loại gỗ như quế, xoan, sa mu, mỡ. Kinh nghiệm của lão nghệ nhân là chọn loại gỗ già, lấy phần lõi nhằm tránh mắt gỗ, phải phơi, sấy, xử lý hậu kỳ thật kỹ để sau khi hoàn thiện đàn không bị cong, vênh.
Ông Kết bảo, phần khó nhất là đục khe dây ở ngọn đàn, tra thanh lên dây, dán mặt đàn và ghép cần với thân đàn là bầu nậm. Đây cũng là khâu ngốn nhiều thời gian nhất, 2 đến 3 ngày mới xong cho một cây đàn loại phổ thông. Mặt đàn tính làm bằng gỗ, càng mỏng, căng, không vết nứt thì âm đàn càng trong, thanh, vang. Gỗ làm mặt đàn thường là loại nhẹ, bền như quế, xoan. Trước đây mất rất nhiều công để bào mặt đàn mỏng như tờ giấy bìa thì nay ông Kết đã có các xưởng ván bóc hỗ trợ, ông chỉ việc tới tìm những mảnh ván ưng ý mua về hoàn thiện.
Ở thôn Phẻo từ lâu đã hình thành một đội văn nghệ quần chúng với số lượng thành viên hơn 30 người, nòng cốt là người làm nhạc cụ như ông Kết, nghệ nhân chơi đàn tính như ông Nông Văn Sin và những điệu múa, hát then của chị em người Tày. Kỷ niệm mà ông Sin, ông Kết nhớ nhất là năm 2018, đội văn nghệ thôn Phẻo và cây đàn tính của ông Kết chế tác được tham gia biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng bộ huyện Bảo Thắng (ngày 15/10/1948 - 15/10/2018).
Ông Kết là người con đồng bào Tày, quê gốc ở xã Phú Nhuận, huyện Bảo Thắng, sau khi làm rể ở thôn Phẻo thì ở lại đây và mang theo cả nghề làm đàn tính được bố ông truyền dạy lúc nhỏ. Những năm ông Kết còn trẻ, ít người biết ông làm được tính tẩu nên ông chỉ làm một vài cây đàn để chơi, giao lưu với những người hay đàn trong vùng.
Sau này khi cộng đồng có nhu cầu sử dụng đàn tính trong biểu diễn, trưng bày, “tiếng lành đồn xa” khiến lượng khách hàng của ông Kết đông hơn, thường là ở những địa phương có đông người Tày sinh sống như huyện Bảo Yên, Văn Bàn, thành phố Lào Cai, Bảo Thắng, Bắc Hà. Khách hàng đặt mua thường là người học và chơi đàn tính, người sưu tầm nhạc cụ dân tộc, các đội văn nghệ dân gian, trường học, cơ sở văn hóa, nghệ thuật. Giá bán một cây đàn tính của ông Kết khoảng 900 nghìn đến 1,2 triệu đồng tùy loại, giá bán nhỉnh hơn giá đàn sản xuất hàng loạt của các xưởng sản xuất và được rao bán tại thị trường nền tảng số.
Được công nhận là người làm tính tẩu có tiếng nhưng năm nào ông Kết bán nhiều nhất cũng chỉ được hơn 20 chiếc. Khách hàng biết và đến với ông chỉ là qua truyền tai, rỉ miệng. Có vẻ điều đó không khiến lão nghệ nhân Vương Văn Kết bận tâm, niềm vui lớn nhất của ông là còn đủ sức khỏe, sự khéo léo để làm đàn và băn khoăn, lo lắng nhất của ông là thiếu người học nghề để ông truyền dạy. Ông bảo: “Ai muốn học, ham học là mình truyền ngay, truyền hết để nhiều đời sau con em đồng bào Tày vẫn có tính tẩu để chơi!”.