LCĐT - Sau hơn 1 năm thực hiện mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc tại hợp tác xã (HTX) nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, bước đầu các trí thức trẻ đã phát huy sự năng động, sáng tạo, giúp các HTX đổi mới cơ cấu tổ chức và quản lý sản xuất, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả bền vững.
![]() |
Hoàng Thị Nhàn với công việc kế toán tại HTX Tiên Phong Mường Vi (huyện Bát Xát). |
Từ tháng 1/2019, thực hiện mô hình thí điểm đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, Hoàng Thị Nhàn (cán bộ trẻ trú tại phường Xuân Tăng, thành phố Lào Cai) đã chính thức được ký hợp đồng vào làm nhiệm vụ kế toán tại HTX Tiên Phong Mường Vi (huyện Bát Xát). Ấn tượng khi chúng tôi gặp Nhàn là cán bộ nhanh nhẹn trong công việc. Tại HTX, ngoài những công việc của kế toán, Nhàn còn tham gia bán hàng trực tuyến, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ...
Hoàng Thị Nhàn chia sẻ: “Khi mới làm, em cũng thấy áp lực vì công việc khá bận rộn, nhưng sau một thời gian làm quen lại cảm thấy rất thuận lợi. Hơn 1 năm gắn bó với HTX, em luôn được lãnh đạo tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ được giao, đặc biệt là rất quan tâm tới những đề xuất của em về đổi mới cách quản lý và bán sản phẩm”.
HTX Tiên Phong Mường Vi có hoạt động chính là chế biến, kinh doanh hàng nông sản như: gạo, mật ong, dấm táo mèo… với doanh thu bình quân khoảng 5,5 tỷ đồng/năm. Ông Cao Xuân Diễn, Giám đốc HTX cho biết: HTX hoạt động từ năm 2016, ban đầu chưa có kế toán riêng và phải thuê kế toán ngoài theo thời vụ. Vì thế, việc báo cáo thuế, báo cáo với các cơ quan chức năng thường xuyên bị chậm, muộn. Ngoài ra, việc bán hàng cũng chậm vì không có người thường trực bán hàng… Từ đầu năm 2019, được sự hỗ trợ của tỉnh với dự án đưa trí thức trẻ về làm việc tại các HTX, đơn vị may mắn được nhận một kế toán nhanh nhẹn, nên công việc thuận lợi và bộ máy hoạt động trơn chu hơn. Tổng doanh thu của HTX tăng từ 5,8 tỷ đồng (năm 2018) lên 6,5 tỷ đồng (năm 2019) và dự kiến năm 2020 cao hơn.
![]() |
Trí thức trẻ tham gia kỹ thuật sản xuất tại HTX Trọng Tín (thành phố Lào Cai). |
Cũng giống như HTX Tiên Phong Mường Vi, năm 2019, HTX Trọng Tín (xã Đồng Tuyển, thành phố Lào Cai) đã ký hợp đồng với Phạm Quang Thịnh - kỹ sư nông nghiệp trẻ quê ở huyện Bảo Yên. Ngay từ khi đến làm việc, anh Thịnh đã bắt nhịp nhanh với công việc, tham mưu cho HTX nhiều giải pháp sản xuất và thay đổi mô hình quản lý sản xuất hiệu quả hơn. Ông Lã Quang Minh, Giám đốc HTX Trọng Tín cho biết: Năm 2018, HTX tổ chức trồng dưa trên đất trong nhà lưới nhưng hiệu quả không cao. Năm 2019, kỹ sư Phạm Quang Thịnh đã đề xuất trồng dưa lưới trên giá thể và được áp dụng, nhờ đó cây dưa phát triển tốt, quả to. Với diện tích trồng là 3.200 m2 trong nhà lưới, cây dưa cho thu hoạch khoảng 5 tấn quả, tăng gần gấp đôi so với năm 2018 trồng trên đất. Trong năm 2019, HTX Trọng Tín đón tin vui là sản phẩm dưa vân lưới đạt sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh. Chính những kiến thức về kỹ thuật, quản lý kinh tế, tiêu thụ sản phẩm mà anh Thịnh đề xuất đã góp phần rất lớn cho sự thành công của HTX Trọng Tín. Từ những ý tưởng thành công của kỹ sư Phạm Quang Thịnh, các thành viên trong HTX đã tin tưởng bầu anh làm Phó Giám đốc phụ trách kỹ thuật.
Theo Kế hoạch 244 ngày 15/8/2018 của UBND tỉnh về thí điểm mô hình đưa trí thức trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp, từ đầu năm 2019, 5 trí thức có trình độ đại học được đưa về làm việc tại các HTX: Nông nghiệp Mai Anh (Sa Pa), Tiên Phong Mường Vi (Bát Xát), Trọng Tín (thành phố Lào Cai), Công nghệ cao xã Gia Phú (Bảo Thắng) và Dịch vụ nông nghiệp Lập Thành (Văn Bàn). Trong số đó 2 người là kế toán và 3 người là kỹ sư nông nghiệp. Về phương thức triển khai, các HTX chủ động lựa chọn trí thức trẻ theo tiêu chuẩn quy định, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh ký hợp đồng với các HTX nông nghiệp và thực hiện chi trả kinh phí hỗ trợ cho các HTX chu kỳ 6 tháng một lần, sau khi nhận đủ hồ sơ (bảng chấm công, bảng lương, báo cáo kết quả hoạt động, nghiệm thu kết quả sử dụng trí thức trẻ). Mức hỗ trợ cho các trí thức trẻ được áp dụng theo Nghị định 141/2017/NĐ-CP ngày 7/12/2017 về quy định mức lương tối thiểu vùng năm 2018.
Sau hơn 1 năm triển khai, theo đánh giá của Chi cục Phát triển nông thôn (cơ quan tham mưu, triển khai thực hiện dự án của tỉnh), công tác của các trí thức trẻ đã đem lại nguồn lợi cho HTX. Ông Vi Văn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: Mô hình đã phát huy hiệu quả trong sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các trí thức trẻ, đồng thời các trí thức trẻ đã phát huy sự năng động, sáng tạo và trình độ chuyên môn để giúp HTX đổi mới tổ chức quản lý, cơ cấu sản xuất - kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy hoạt động hiệu quả bền vững.
Từ những kết quả khả quan, năm 2020, UBND tỉnh đã có Kế hoạch 66/KH-UBND về việc thực hiện nhân rộng mô hình đưa trí thức trẻ về làm việc có thời hạn tại các HTX nông nghiệp. Theo đó, sẽ có thêm 10 trí thức trẻ về các HTX ở 9 huyện, thị xã, thành phố, thời gian thực hiện là 3 năm (2020 - 2022).
Trên địa bàn tỉnh hiện có nhiều HTX nông nghiệp gặp khó khăn về nguồn nhân lực có trình độ kỹ thuật và kiến thức quản lý kinh tế, do đó hiệu quả hoạt động sản xuất chưa cao. Chính sách hỗ trợ của tỉnh đưa trí thức trẻ có trình độ về công tác tại HTX nông nghiệp sẽ từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất của HTX, đẩy mạnh phát triển mô hình kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh.