Việt Nam đã và đang xuất khẩu một số dược liệu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... nhưng vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, mạnh ai nấy làm.
Để tham gia, cạnh tranh với thị trường dược liệu toàn cầu, cần sự đầu tư đồng bộ từ việc mở rộng quy mô, phát triển các vùng trồng dược liệu đến việc ứng dụng khoa học-công nghệ bảo đảm các tiêu chuẩn chất lượng cũng như đa dạng hóa sản phẩm...
Với khoảng 5.117 loài cây dược liệu, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật. Dược liệu được sử dụng với nhiều mục đích khác nhau cho con người, như: sản xuất thuốc điều trị bệnh, thực phẩm thực dưỡng, đồ uống, hóa mỹ phẩm…
Ngoài ra, cây dược liệu còn được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thuốc cho thủy, hải sản. Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028.
Theo Phó Cục trưởng Quản lý Y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Trần Minh Ngọc, xu hướng dùng thuốc từ thảo dược thay thế cho thuốc hóa dược đang được cả thế giới đón nhận. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng chung đó. Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú.
Đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu như: Quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể. Mặc dù tổng giá trị xuất khẩu quế, hồi liên tục tăng, năm 2022 đạt 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.
Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Năm 2022, tổng số mẫu dược liệu được lấy kiểm tra chất lượng là 2.224 mẫu, trong đó có 85 mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng, chiếm tỷ lệ 3,82%; tỷ lệ mẫu dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng là 11,08% (năm 2017) và 5,7% (năm 2018).
Chia sẻ những khó khăn, cũng như mong muốn dược liệu Việt Nam vươn tầm, tạo thương hiệu quốc tế, ông Nguyễn Việt Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần dược liệu Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết: Đối với những doanh nghiệp trồng dược liệu, điều quan tâm đầu tiên là quy hoạch vùng trồng cho từng nhóm đối tượng cây phải phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu... Đối với giống cây dược liệu phải được lựa chọn thật kỹ lưỡng, nếu giống đạt yêu cầu thì cây dược liệu đó mới có chất lượng tốt được.
Thực tế hiện nay doanh nghiệp trồng dược liệu đang gặp nhiều khó khăn và chịu sự cạnh tranh gay gắt. Các doanh nghiệp trồng dược liệu sạch hiện nay phải cạnh tranh ngay trên sân nhà khi giá bán của dược liệu sạch do doanh nghiệp trong nước trồng ra thành phẩm không cạnh tranh nổi với dược liệu nhập khẩu (chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc). Phần lớn các doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam hiện nay nhập khẩu dược liệu từ Trung Quốc để sản xuất ra sản phẩm của doanh nghiệp mình.
Trong bối cảnh khó khăn, cạnh tranh nhiều như hiện nay, để tham gia vào thị trường thảo dược toàn cầu, theo ông Trần Minh Ngọc thì các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư mạnh về khoa học-công nghệ, giống, phát triển vùng trồng dược liệu trên quy mô lớn, tuân thủ các tiêu chuẩn, quy chuẩn của nước nhập khẩu.
Đáng chú ý, cần phải hình thành các vùng sản xuất dược liệu chuyên canh, tập trung, quy mô đủ lớn và phải được quản lý truy xuất nguồn gốc và chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới về thực hành tốt nuôi trồng và thu hái (GACP-WHO) và sản xuất dược liệu hữu cơ theo tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn Dược điển Việt Nam và của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, cần tuyên truyền nâng cao ý thức cho cộng đồng, người tham gia nuôi trồng dược liệu... Từng bước hình thành vùng sản xuất dược liệu tập trung có quy mô đủ lớn đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Nhằm chủ động tham gia vào sân chơi toàn cầu, Bộ Y tế đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.
Đồng thời đưa ra nhiều nhóm giải pháp đồng bộ về thể chế, pháp luật; đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh; khoa học-công nghệ, nhân lực và đào tạo; kiểm soát thị trường thuốc, dược liệu; hợp tác và hội nhập quốc tế; thông tin và truyền thông… Để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế kỹ thuật không chỉ phục vụ cho công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo, nhiều ý kiến cho rằng cần tập trung đầu tư hỗ trợ, ứng dụng khoa học-công nghệ trong chọn tạo giống mới, quy trình kỹ thuật canh tác nuôi trồng dược liệu cho năng suất, chất lượng cao, ổn định đối với cây dược liệu quý, đặc hữu và có lợi thế cạnh tranh.
Có giải pháp hỗ trợ, đầu tư hình thành vùng trồng dược liệu tập trung, quy mô lớn, tuân thủ theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn của quốc tế, gắn với truy xuất nguồn gốc, chất lượng và mã số vùng trồng; đầu tư nghiên cứu chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ dược liệu gia tăng chuỗi giá trị sản phẩm cho thảo dược. Đồng thời đầu tư nghiên cứu, phân tích thị trường, xúc tiến thương mại quốc tế và xây dựng thương hiệu dược liệu Việt trên trường quốc tế.
Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021 - 2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. |