Song để thật sự chuyển hóa được nguồn lực văn hóa thành giá trị kinh tế du lịch, đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa như Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định, thì ngành kinh tế xanh Việt Nam còn nhiều việc cần làm.
Trên thực tế, các sản phẩm công nghiệp văn hóa sớm được nhiều quốc gia trên thế giới khai thác, phát triển để tạo lợi thế cạnh tranh, định vị thương hiệu quốc gia, thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Chẳng hạn, với sự lan tỏa mạnh mẽ của K-pop ở quy mô quốc tế, Hàn Quốc đã xây dựng nhiều tour khám phá văn hóa Hallyu độc nhất vô nhị, được đông đảo du khách quan tâm. Singapore cũng rất thành công trong chiến lược định hướng thành điểm đến văn hóa-nghệ thuật hàng đầu khu vực.
Vừa qua, thông qua đấu thầu, quốc đảo sư tử đã trở thành điểm đến duy nhất ở Đông Nam Á của Taylor Swift trong khuôn khổ The Eras Tour. Và chỉ với sáu buổi hát live, nữ danh ca nhạc pop người Mỹ đã mang đến doanh thu hàng trăm triệu USD cho Singapore, toàn bộ 300.000 vé của sáu đêm diễn được bán hết, từ hàng không đến vận tải đường bộ, du lịch, dịch vụ bán lẻ… đều được hưởng lợi. Tương tự, ngành du lịch Nhật Bản cũng đã kiếm bộn tiền từ việc khai thác các sản phẩm trong hệ sinh thái truyện tranh, hay với Mỹ là sức hút từ điện ảnh Hollywood…
Tại nước ta, dù công nghiệp văn hóa chỉ mới được đề cập những năm gần đây, nhưng cũng đã xuất hiện một số sản phẩm khai thác hàm lượng văn hóa một cách sáng tạo, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch Việt Nam, tiêu biểu như các show diễn thực cảnh được đầu tư lớn cả về nội dung và nghệ thuật như "Tinh hoa Bắc Bộ", "Ký ức Hội An", "Vũ điệu trên mây"…
Đầu năm 2024, Sở Du lịch Hà Nội công bố 15 sản phẩm du lịch đêm, phần lớn đều dựa trên thế mạnh về văn hóa, di sản, trong đó các sản phẩm như tour tham quan Nhà tù Hỏa Lò về đêm, tour Giải mã Hoàng thành, chương trình "Huyền thoại tuổi thanh xuân-Sống một đời đáng sống" tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam… đã thật sự để lại dấu ấn khó quên trong lòng du khách.
Tuy nhiên, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng, những sản phẩm du lịch văn hóa mang bản sắc, có khả năng định vị thương hiệu điểm đến ở nước ta còn nghèo nàn, chưa kể có sự trùng lặp ở các địa phương. Theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển du lịch, sản phẩm du lịch văn hóa ở nước ta nhìn chung còn ít sáng tạo, thiếu các sản phẩm khác biệt giữa các địa phương, vùng miền.
Nhiều tài nguyên du lịch văn hóa có giá trị vẫn chưa được đầu tư khai thác tương xứng với tiềm năng, nhiều điểm tài nguyên văn hóa có giá trị chưa được đầu tư khai thác thành sản phẩm du lịch. Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, việc phát triển du lịch văn hóa ở nước ta còn thiếu tính đồng bộ và liên kết trong xây dựng sản phẩm, cũng như liên kết giữa các địa phương trong quá trình khai thác tài nguyên văn hóa, cho nên chưa tạo được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đưa du lịch văn hóa trở thành ngành công nghiệp văn hóa, vấn đề mấu chốt là phải tìm cách tạo ra được những sản phẩm văn hóa "chạm" tới cảm xúc của du khách. Muốn thế, phải tăng cường hàm lượng sáng tạo trong xây dựng sản phẩm du lịch, mang đến những trải nghiệm độc đáo, ấn tượng.
Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch Liên hiệp Khoa học phát triển du lịch bền vững (STDe) nêu ý kiến: Lâu nay, du lịch hầu như mới chỉ khai thác những giá trị thuộc về quá khứ của di sản văn hóa mà chưa khai thác những giá trị của hiện tại và tương lai, nên chưa tạo được những điểm mới. Hơn nữa, tính liên kết giữa các cá nhân sáng tạo, tập thể sáng tạo cũng đang bị hạn chế, dẫn đến không tạo được chuỗi giá trị bền vững cho sản phẩm.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Thu Hạnh, đầu tư cho văn hóa luôn tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro, song chúng ta còn thiếu những cơ chế, chính sách để thu hút cũng như bảo vệ những nhà đầu tư văn hóa, do đó chưa huy động được nhiều nguồn lực để phát triển du lịch văn hóa. Chủ tịch STDe cho rằng, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa du lịch với các lĩnh vực thể thao, âm nhạc, điện ảnh, mỹ thuật… để tạo sự mới mẻ trong xây dựng sản phẩm.
Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Giảng viên Khoa Du lịch, Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định: Mục tiêu của công nghiệp văn hóa là phải tìm được "đầu ra" cho sản phẩm, và du lịch chính là "đầu ra" tuyệt vời để tiêu thụ các sản phẩm công nghiệp văn hóa. Du lịch cần "bắt tay" với giải trí, phần mềm, công nghệ,… để tạo ra các sản phẩm thu hút du khách hiện đại, nhất là du khách trẻ, đặc biệt chú trọng khai thác yếu tố thời trang, ẩm thực để có những sản phẩm giàu màu sắc bản địa.
Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ (ngày 29/8/2024) về Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam, đã nhấn mạnh việc chú trọng, đẩy nhanh quá trình ứng dụng, khai thác những thành tựu khoa học-công nghệ, kỹ thuật cùng kỹ năng kinh doanh, năng lực sáng tạo, phát huy nguồn vốn văn hóa và quyền sở hữu trí tuệ để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa phải bảo đảm khai thác tối đa, hiệu quả tiềm năng, lợi thế; đa dạng, liên kết đa ngành, lĩnh vực…
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp liên quan cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; xây dựng sản phẩm, dịch vụ đặc trưng; sử dụng các nền tảng số tạo ra sản phẩm công nghiệp văn hóa...