Doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu: Cơ hội đi cùng thách thức

Các nền kinh tế lớn trên thế giới đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng, điều này mang lại cả cơ hội lẫn thách thức cho các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Doanh nghiệp Việt Nam cần nhiều trợ lực để có thể tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Năng lực còn hạn chế

PGS.TS Tạ Văn Lợi - Hiệu trưởng Trường Kinh doanh (Đại học Kinh tế quốc dân) chia sẻ, các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc và Ấn Độ đang tích cực tái cấu trúc chuỗi cung ứng theo hướng rút ngắn chuỗi, đa dạng chuỗi, khu vực hóa chuỗi, nhân rộng chuỗi. Sự cạnh tranh của các nước lớn đã tạo nên các chuỗi cung ứng toàn cầu mới. Trong đó, chuỗi cung ứng mới do Mỹ và EU làm chủ dịch chuyển sang các quốc gia có mức tăng trưởng cao và ít lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều này tạo ra các chuỗi cung ứng mới về bán dẫn, thiết bị và hàng công nghệ cao nhằm hạn chế sự sao chép công nghệ của Trung Quốc.

Trong khi đó theo nhiều chuyên gia kinh tế, sự dịch chuyển, tái cấu trúc chuỗi giá trị toàn cầu không chỉ phản ánh sự chuyển đổi trong chiến lược kinh doanh quốc tế, mà còn là thách thức đối với các quốc gia đang phát triển trong việc duy trì vai trò trong chuỗi giá trị. Với Việt Nam, nền kinh tế đang phát triển và ngày càng có vị thế quan trọng trong khu vực, thì sự chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu mang lại cả cơ hội, cũng như thách thức về cải thiện năng lực nội địa hóa, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về lao động, môi trường, chuyển đổi số trong sản xuất.

Trong những năm qua, khu vực FDI luôn là đầu tàu dẫn dắt xuất khẩu của Việt Nam, tạo đòn bẩy tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu. Vậy nhưng, theo đánh giá của TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), tác động lan tỏa của doanh nghiệp (DN) FDI trong chuyển giao công nghệ và hỗ trợ DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế. Các DN nội địa chưa tham gia sâu vào các chuỗi có giá trị gia tăng cao. Cùng với đó, liên kết giữa các DN nội địa và DN FDI mới tập trung ở nhóm ngành có công nghệ thấp, trung bình và nhóm ngành dịch vụ. Báo cáo về chỉ số hiệu quả FDI của các nước ASEAN cho thấy, về trình độ công nghệ và đổi mới sáng tạo, Việt Nam đứng ở vị trí 90/100, trong đó công nghệ nền tảng thứ 92/100, năng lực đổi mới sáng tạo xếp thứ 77/100, FDI và chuyển giao công nghệ xếp thứ 73/100, với đầu tư cho R&D chỉ chiếm 0,2% GDP xếp hạng 84/100.

Đẩy mạnh kết nối

TS Đinh Lê Hải Hà - Phó Viện trưởng Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế (Đại học Kinh tế quốc dân) nhận định, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất và lắp ráp lớn nhờ vào các lợi thế vượt trội về vị trí địa lý, chi phí lao động cạnh tranh và chính sách thu hút đầu tư hiệu quả. Để tận dụng tối đa cơ hội từ xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, Việt Nam cũng cần phải tận dụng cơ hội từ xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và giảm sự phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống; xác định rõ ngành công nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất và đề ra những giải pháp chiến lược để thích ứng…

Trong khi đó, TS Nguyễn Quốc Việt đề xuất xây dựng chính sách đồng bộ và tổng thể hỗ trợ DN nội địa kết nối với DN FDI. Trong đó, có cơ chế, chính sách hỗ trợ về lãi suất, tài chính, tiếp cận các nguồn lực đầu tư để nâng cấp các DN trong nước đủ khả năng tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. DN Việt Nam muốn tham gia chuỗi liên kết với DN FDI thì phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả quản trị, quản lý… Về vấn đề thu hút FDI, cần tập trung ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược, tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu, ưu tiên DN công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho DN Việt Nam.

PGS.TS Tạ Văn Lợi thì cho rằng cần phát triển những công nghệ mới tạo ra nhiều vật liệu, sản phẩm và năng lượng mới, đặc biệt là năng lượng tái tạo và vật liệu nhẹ cho các ngành công nghiệp chủ đạo như ô tô, máy tính, điện tử... Đồng thời, xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm, hoặc liên kết tài trợ cho việc đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nhân lực, tiếp cận công nghệ thế giới nhanh chóng hơn. Khi đủ năng lực về vốn, công nghệ và quản lý sẽ vươn dần lên trong chuỗi cung ứng, thậm chí trở thành các DN cốt lõi của chuỗi.

Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Giá vàng ngày 21/5: Vàng miếng SJC tăng lên mức 121 triệu đồng/lượng

Giá vàng ngày 21/5: Vàng miếng SJC tăng lên mức 121 triệu đồng/lượng

Giá vàng thế giới hôm nay (21/5) tăng dựng đứng, giao dịch trên mốc 3.301 USD/ounce trong bối cảnh đồng USD tiếp tục suy yếu và các nhà đầu tư vẫn đang lo ngại về chính sách thuế quan của Mỹ. Trong nước, giá vàng miếng SJC tăng 1,7 triệu đồng lên mức 121 triệu đồng/lượng; vàng nhẫn SJC tăng lên 115 triệu đồng/lượng.

Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Khơi thông nguồn lực kinh tế tư nhân

Trong những năm qua, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, khu vực này vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát huy vai trò và khả năng đóng góp của các doanh nghiệp.

Thủ tướng: Chuẩn bị để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12

Thủ tướng: Chuẩn bị để khởi công tuyến đường sắt Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng vào ngày 19/12

Chiều tối 20/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo các công trình trọng điểm, dự án quan trọng quốc gia lĩnh vực đường sắt chủ trì họp với các bộ, ngành, cơ quan để rà soát, đánh giá tình hình triển khai Đề án xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng và các tuyến đường sắt kết nối với Trung Quốc.

Thủ tướng: Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025

Thủ tướng: Quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2025

Chủ trì Hội nghị thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2025 (mục tiêu trước đây là 95%), đồng thời coi kết quả giải ngân đầu tư công là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, đánh giá cán bộ, nếu không hoàn thành thì phải kiểm điểm, xử lý.

fb yt zl tw