Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Điều 34 của Hiến pháp năm 2013 khẳng định: "Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội".
Tại Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ Bảy, Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới đều hướng tới mục tiêu từng bước mở rộng vững chắc diện bao phủ bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân, trong đó mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2025 "Phấn đấu đạt khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi bảo hiểm xã hội; có khoảng 55% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội...
Giai đoạn đến năm 2030, phấn đấu đạt khoảng 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 60% số người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hưu trí xã hội".
Theo khoản 2 Điều 5 Luật BHXH số 58/2014/QH13 quy định: Mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng bảo hiểm xã hội và có chia sẻ giữa những người tham gia bảo hiểm xã hội.
Tại Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội về Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV đã giao Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và Nghị quyết số 100/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, theo quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995, Nghị định số 01/2003/NĐ-CP ngày 09/01/2003 của Chính phủ, Luật Bảo hiểm xã hội các năm 2006 và 2014 đều không quy định chủ hộ kinh doanh thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; từ năm 2008 trở đi, nếu có nhu cầu thì chủ hộ kinh doanh có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Như vậy, theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, trong giai đoạn năm 2003 đến nay, cơ quan bảo hiểm xã hội các địa phương đã thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến hết ngày 31/5/2023 có 3.567 chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; số tiền đã đóng vào Quỹ Bảo hiểm xã hội khoảng 113 tỷ đồng; có 9.648 lượt chủ hộ kinh doanh đã được giải quyết và chi trả các chế độ ốm đau, thai sản, với số tiền là 13,28 tỷ đồng; có 01 người được giải quyết, chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, số tiền là 21,55 triệu đồng; có 275 người được giải quyết chế độ hưu trí, tử tuất, số tiền là 32,840 tỷ đồng; có 397 người được giải quyết hưởng bảo hiểm xã hội một lần, số tiền là 9,328 tỷ đồng.
Việc cơ quan bảo hiểm xã hội đã thực hiện thu bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh là không đúng quy định của pháp luật, về nguyên tắc thì nếu thu bảo hiểm xã hội bắt buộc không đúng quy định của pháp luật thì phải hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội đã thu không đúng.
Tuy nhiên, việc hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội trong trường hợp này có một số bất cập, hạn chế do: (i) Những chủ hộ kinh doanh này đã được cơ quan bảo hiểm xã hội thu bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian dài; (ii) Có nhiều người đã được giải quyết hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc; (iii) Hoàn trả tiền đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì đồng thời cũng sẽ phải thu hồi số tiền đã giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội là khá phức tạp, không đảm bảo quyền lợi của các chủ hộ, nhiều người đã đến tuổi nghỉ hưu; (iv) Không phù hợp với chủ trương của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018, quy định của Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với chủ hộ kinh doanh. Chính vì vậy, về cơ bản các cơ quan liên quan đều thống nhất với chủ trương giải quyết theo hướng ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc để tính hưởng bảo hiểm xã hội đối với chủ hộ kinh doanh.
Do vậy, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc ghi nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của chủ hộ kinh doanh đã tham gia trước ngày Luật Bảo hiểm xã hội số 41/2024/QH15 có hiệu lực thi hành.
Tại dự thảo, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất ghi nhận thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước ngày 01/7/2025 của chủ hộ kinh doanh để làm căn cứ giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.
Chủ hộ kinh doanh đã đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày Nghị quyết này ban hành thì được giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm xã hội kể từ ngày đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định.
Chủ hộ kinh doanh đã được cơ quan bảo hiểm xã hội hoàn trả số tiền đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trước đây, nếu có nguyện vọng bảo lưu thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội trước đó thì nộp lại số tiền đã được hoàn trả vào Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Trường hợp chủ hộ kinh doanh có yêu cầu hoàn trả tiền đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện hoàn trả, đồng thời thu hồi số tiền mà chủ hộ kinh doanh đã hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước đây (nếu có), không bao gồm tiền lãi.