Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 7 giải pháp đảm bảo an toàn giao thông đường sắt.
Tại dự thảo Đề án bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) đường sắt đến năm 2002, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 7 giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Bộ Giao thông vận tải cho biết, năm 2013, tai nạn giao thông đường sắt đã giảm sâu ở cả ba tiêu chí so với cùng kỳ: Tai nạn giao thông đường sắt xảy ra 420 vụ, giảm 43 vụ, giảm 9,3%; số người bị chết 176 người, giảm 42 người, giảm 19,3%; số người bị thương 271 người, giảm 36 người, giảm 11,7%. Tuy nhiên, kết quả kiềm chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao và còn tiềm ẩn nguy cơ gia tăng, tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng trên đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa vẫn còn xảy ra.
Những tồn tại trên là do sự lơi lỏng trong công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo, điều hành thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông chưa thường xuyên, liên tục và mạnh mẽ; ý thức tự giác chấp hành pháp luật trật tự an toàn giao thông của một bộ phận người tham gia giao thông còn rất yếu kém.
Theo Bộ Giao thông vận tải, để tiếp tục thực hiện nhiệm vụ kiềm chế, giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, đặc biệt là giao thông đường sắt có hiệu quả hơn nữa cần có một giải pháp đồng bộ và hiệu quả để giải quyết các nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông hoặc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt.
Dự thảo Đề án bảo đảm an toàn giao thông đường sắt đến năm 2002, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án) được Bộ Giao thông vận tải soạn thảo nhằm đề ra các giải pháp nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý, đầu tư, xây dựng các công trình đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; đấu tranh phòng ngừa tai nạn giao thông đường sắt của Đường sắt Việt Nam; sự phối hợp giữa Đường sắt Việt Nam với các ngành, các cấp quản lý Nhà nước hữu quan để tuyên truyền, bảo vệ, kiểm tra, kịp thời ngăn chặn và xử lý các hành vi vi phạm gây mất an toàn giao thông đường sắt.
Đồng thời, xây dựng các các dự án đầu tư cấp bách trước mắt và lâu dài nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu, giảm thiểu tai nạn giao thông đường sắt trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người bị chết và số người bị thương); phù hợp với Quy hoạch phát triển đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ đầu máy
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải đã đề xuất 7 giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt. Cụ thể là các giải pháp về: 1- Cơ sở hạ tầng; 2- Về phương tiện vận tải; 3- Về công tác vận tải; 4- Về cơ chế, chính sách trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; 5- Về công tác quản lý, điều hành, phối hợp trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt; 6- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông đường sắt; 7- Về cơ chế tài chính.
Đặc biệt, về phương tiện vận tải, dự thảo Đề án nêu rõ, sẽ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên toàn bộ đầu máy để kiểm tra, đôn đốc, ngăn ngừa các vi phạm về tốc độ của các ban lái tàu. Camera gắn trên đầu máy ghi lại được trạng thái hoạt động của các tín hiệu vào ga, ra ga, phòng vệ... tác nghiệp của các chức danh làm công tác trực tiếp phục vụ chạy tàu thường xuyên, liên tục.
Đồng thời, đánh giá lại chất lượng đầu máy, đặc biệt là đối với các đầu máy đã khai thác 30-40 năm đề xuất phương án thay thế dần để đảm bảo an toàn chạy tàu. Bên cạnh đó, đánh giá lại chất lượng toa xe, đặc biệt là đối với xe khách Rumani, khách Ấn độ, toa xe Việt Nam sản xuất trước năm 1985 và các toa xe đã khai thác 30-40 năm đề xuất phương án thay thế dần để đảm bảo an toàn chạy tàu; đồng bộ hóa van hãm lắp trên toa xe giúp giảm thiểu sự cố về hãm của đoàn xe vận dụng do sử dụng nhiều loại van hãm khác nhau…
Xử lý nghiêm ban lái máy chạy tàu vượt quá tốc độ
Tại dự thảo, Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, sẽ giám sát và xử lý nghiêm ban lái máy trong việc chạy tàu vượt quá tốc độ quy định; cấp gió hệ thống hãm đoàn tàu sai quy định (thường áp lực gió cấp cao hơn quy định) gây bó hãm cục bộ toa xe trong quá trình vận chuyển; giám sát và kiểm tra thường xuyên Trực ban chạy tàu, gác ghi, trường dồn về việc tuân thủ Quy chuẩn quốc gia về khai thác đường sắt, Quy chuẩn chạy tàu và dồn đường sắt; Quy tắc quản lý kỹ thuật ga; số giờ làm việc trong ban.
Bên cạnh đó, giám sát và kiểm tra thường xuyên về công tác xếp dỡ hàng hóa đảm bảo không vượt quá tải trọng, không lệch tải và khổ giới hạn tiếp giáp kiến trúc; giám sát và kiểm tra thường xuyên nhân viên gác đường ngang về việc tuân thủ Thông tư 33/ TT-BGTVT về quy định đường ngang; số giờ làm việc trong ban; giám sát và kiểm tra thường xuyên cán bộ kỹ thuật làm công tác khám kỹ thuật toa xe, đặc biệt là các đoạn đường đèo dốc; kiểm tra việc tuân thủ quy trình thử hãm.
Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.