Thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông được tăng cường bằng nhiều hình thức; công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông được triển khai quyết liệt góp phần mang lại hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh gần đây vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:
Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông với phương châm “5 rõ” (rõ người, rõ việc, rõ tiến độ, rõ trách nhiệm và rõ kết quả) và “3 không” (không chồng chéo; không bỏ sót nhiệm vụ; không né tránh, đùn đẩy công việc).
Phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, đi đầu của cán bộ trong chấp hành pháp luật về giao thông. Khi có thông báo của cơ quan chức năng về việc cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền quản lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông phải xử lý nghiêm theo quy định; việc xử lý phải bảo đảm khách quan, công bằng, công khai, nghiêm minh, chính xác, kịp thời, đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục; nghiêm cấm việc bao che, giấu giếm khuyết điểm cho cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hoặc xử lý không nghiêm minh, chưa kịp thời cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm thuộc thẩm quyền quản lý sẽ bị xem xét trách nhiệm của người đứng đầu.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân cấp, phân quyền gắn với năng lực tổ chức thực hiện, phân công rõ đơn vị chủ trì và chịu trách nhiệm chính với nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cơ quan có liên quan phối hợp thực hiện”. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý nhà nước, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông. Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật. Tăng cường công tác quản lý vận tải, đăng ký, đăng kiểm phương tiện, đào tạo sát hạch. Loại bỏ 100% xe cơ giới hết niên hạn sử dụng, xe tự chế 3, 4 bánh; có biện pháp kiểm soát khí thải đối với phương tiện tham gia giao thông.
Đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng giao thông phù hợp với quy hoạch, kế hoạch theo hướng ưu tiên đầu tư trước các công trình, dự án hạ tầng cấp bách, trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thuỷ nội địa, đường hàng không kết nối các địa phương, vùng và quốc tế. Quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đã có; rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn, bất cập; tăng cường hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông; tổ chức, phân luồng, hướng dẫn điều tiết giao thông phù hợp với hiện trạng, điều kiện khai thác vận tải trên địa bàn. Có giải pháp thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hợp pháp để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng khoa học - công nghệ trong hoạt động quản lý, giám sát, điều hành giao thông, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, điều tra tai nạn giao thông…
Tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Thường xuyên tổ chức tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đến người dân. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp tại chỉ thị này. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, gồm cả giám sát từ Nhân dân về việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương khi tham gia giao thông đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước. Các huyện ủy, thành ủy, thị ủy, đảng ủy trực thuộc; các Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn tổ chức quán triệt, thực hiện nghiêm chỉ thị.
Đảng ủy Công an tỉnh chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương trong khi tuần tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về giao thông phải tuân thủ tinh thần “thượng tôn pháp luật”, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”; kỷ luật nghiêm đối với cán bộ xử lý không triệt để hoặc bỏ qua lỗi vi phạm.
Các ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo, tổ chức thực hiện chỉ thị.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức tuyên truyền, quán triệt, định hướng các cơ quan báo chí, phương tiện thông tin đại chúng phát huy mạnh mẽ vai trò giám sát, tích cực tham gia phát hiện và góp ý, phê phán trước công luận về hành vi vi phạm pháp luật giao thông của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là việc điều khiển phương tiện giao thông sau khi sử dụng đồ uống có cồn.