Dấu hiệu rạn nứt trên mặt trận phương Tây hỗ trợ Ukraine

Bức xúc về lạm phát và bão giá của người dân dường như bắt đầu gây rạn nứt trong mặt trận đoàn kết của phương Tây hỗ trợ Ukraine đối phó Nga.

Cuộc khảo sát với 8.172 người trưởng thành tại 10 nước châu Âu từ cuối tháng 4 đến giữa tháng 5 và được Hội đồng châu Âu về Quan hệ Đối ngoại (ECFR) công bố mới đây cho thấy phần lớn người được hỏi mong muốn xung đột Nga - Ukraine kết thúc càng sớm càng tốt, ngay cả khi Kiev phải nhượng bộ lãnh thổ trước Moskva.

Khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine ngày 24/2, phương Tây đã thể hiện một tinh thần đoàn kết chưa từng thấy, áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt cứng rắn lên Moskva nhằm phản ứng với cuộc chiến, đồng thời không ngừng bơm vũ khí, viện trợ quân sự cho Kiev.

Song 4 tháng sau, các lãnh đạo phương Tây hiện phải chịu áp lực ngày càng tăng khi hệ lụy từ cuộc xung đột đang gây ảnh hưởng nặng nề đến người dân nước họ. Về cơ bản, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng và các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga đã khiến chi phí năng lượng và lương thực tăng đến mức gây căng thẳng cho cuộc sống thường nhật.

Theo Holly Ellyatt, bình luận viên về chính trị và kinh tế vĩ mô của CNBC, câu hỏi được người phương Tây quan tâm nhất lúc này là xung đột Nga - Ukraine sẽ kéo dài bao lâu nữa, khi người dân các nước ngày càng mất kiên nhẫn với tình trạng lạm phát tăng phi mã và vật giá leo thang.

Một số chiến lược gia nói rằng chiến sự ở Ukraine đang thể hiện tất cả đặc điểm của một cuộc chiến tranh tiêu hao, trong đó không bên nào "thắng cuộc" và tổn thất cả hai bên phải hứng chịu sẽ không thể đong đếm.

Mỹ, Anh và các nước Đông Âu tỏ ra kiên quyết với quan điểm của họ rằng chiến sự không thể chấm dứt bằng việc Ukraine phải nhượng bộ lãnh thổ cho Nga, nhấn mạnh điều đó có thể gây ra tác động địa chính trị cho toàn cầu.

Họ cũng nói rõ rằng Ukraine phải quyết định xem liệu có muốn đàm phán một thỏa thuận hòa bình với Nga hay không, nếu có là khi nào. Về phần mình, Kiev cho biết họ sẵn sàng đàm phán, nhưng khẳng định sẽ không bao giờ chấp nhận nhượng bộ lãnh thổ cho Moskva.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) ở Bucha, ngoại ô Kiev, ngày 4/4. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) ở Bucha, ngoại ô Kiev, ngày 4/4. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, dường như có một phe khác bên trong "mặt trận đoàn kết" của phương Tây, nổi bật là Pháp, Italy và Đức, đang hy vọng Ukraine sớm đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga để chấm dứt chiến sự, khi ảnh hưởng của nó tới tình hình kinh tế, xã hội ở châu Âu ngày càng khốc liệt.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 15/6 cho hay Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và các quan chức của ông sẽ phải đàm phán với Nga "vào một thời điểm nào đó".

Tổng thống Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italy Mario Draghi từng kêu gọi các bên tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn nhằm chấm dứt xung đột, thúc giục Tổng thống Nga Vladimir Putin duy trì các cuộc đàm phán hòa bình với chính quyền Zelensky, song không đạt kết quả.

Trong lúc đó, Ukraine vẫn tiếp tục yêu cầu thêm vũ khí viện trợ từ các đồng minh phương Tây. NATO tuần này sẽ tổ chức họp tại Brussels, Bỉ, để thảo luận về nhu cầu vũ khí ngày càng cấp bách của Kiev.

Dấu hiệu rạn nứt trong mặt trận phương Tây xuất hiện đúng lúc Nga đang giành lợi thế trong chiến dịch tiến công ở miền đông Ukraine. Với ưu thế hỏa lực pháo binh vượt trội, lực lượng Nga đang tiến quân "chậm mà chắc" trong nỗ lực mở rộng kiểm soát khu vực Lugansk và Donetsk, nơi có hai nước cộng hòa ly khai tự xưng thân Moskva.

Nhiều nước phương Tây vẫn tiếp tục giúp đỡ Ukraine. Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 15/6 cho biết chính quyền của ông sẽ gửi thêm số vũ khí trị giá một tỷ USD cho Kiev cùng 225 triệu USD viện trợ nhân đạo khác.

Nhưng câu hỏi đang được đặt ra là hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine có thể kéo dài bao lâu, đặc biệt nếu xung đột tiếp diễn trong nhiều năm tới.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây trên kênh CNN, phát ngôn viên Lầu Năm Góc nhận được câu hỏi liệu chính quyền Biden sẵn sàng chi bao nhiêu cho Ukraine, trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt khủng hoảng lạm phát và áp lực kinh tế rất lớn.

Dữ liệu được công bố cuối tuần trước cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 của Mỹ đã tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 12/1981. Các nước châu Âu cũng đang đương đầu với tình cảnh tương tự. CPI tháng 4 của Anh đã tăng 9%, mức cao nhất trong 40 năm qua.

Trả lời câu hỏi này, Kirby khẳng định Ukraine là "ưu tiên hàng đầu" đối với Tổng thống Biden, cho hay Washington sẽ "làm nhiều nhất có thể, miễn là trong khả năng" nhằm hỗ trợ Kiev, nhắc lại rằng cam kết viện trợ thêm một tỷ USD vũ khí vừa công bố chỉ là một phần nhỏ trong gói viện trợ 40 tỷ USD đã được quốc hội thông qua.

"Cuộc xung đột sẽ kéo dài bao lâu? Không ai có thể chắc chắn", ông nói. "Chúng tôi biết và đã dự đoán rằng giao tranh ở Donbass sẽ rất quyết liệt, rằng nó có thể kéo dài cuộc chiến thêm nhiều tháng".

"Cái giá mà bạn sẵn sàng trả là bao nhiêu?" dường như đã trở thành câu hỏi trọng tâm của các lãnh đạo phương Tây khi họ tìm cách cân bằng giữa nỗ lực hỗ trợ Ukraine với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát và ngăn chặn suy thoái ở trong nước, Helima Croft, chuyên gia về chiến lược hàng hóa toàn cầu tại công ty tư vấn RBC Capital Markets, nhận định.

Binh sĩ Ukraine bên cạnh xe tải chở một lô tên lửa Javelin do Mỹ chuyển giao. Ảnh: AFP.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) ở Bucha, ngoại ô Kiev, ngày 4/4. Ảnh: Reuters.

Mối rạn nứt trong mặt trận đoàn kết của phương Tây dường như còn mang yếu tố địa lý, Croft lưu ý. "Lãnh đạo Mỹ, Anh và Đông Âu có lẽ là những người bảo vệ trung thành nhất cho nguyên tắc rằng chỉ người Ukraine mới có thể xác định điều gì tạo nên một nền hòa bình đối với họ, đồng thời thể hiện cam kết mạnh mẽ với mục tiêu bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine", bà viết trong báo cáo ngày 15/6.

Tuy nhiên, "một số quan chức châu Âu khác và nhiều quốc gia đang phát triển lại có xu hướng kêu gọi xây dựng những thỏa hiệp sẽ giúp Tổng thống Nga Putin có được 'cây cầu vàng' để rút lui", Croft cho biết thêm.

Chuyên gia này cho hay gần đây, bà đã tham dự các cuộc họp và diễn đàn chính sách, nơi "nảy sinh những chia rẽ đáng kể" giữa những quan chức kêu gọi hỗ trợ quân sự mạnh mẽ hơn cho Ukraine và "những người cho rằng đã đến lúc Ukraine nên cân nhắc nhượng bộ trên bàn đàm phán".

Khảo sát của ECFR cho thấy ngày càng nhiều người châu Âu cho biết họ lo lắng chính phủ đang ưu tiên cho khủng hoảng Ukraine hơn các vấn đề khác, như lạm phát hay chi phí sinh hoạt tăng cao.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

Cục diện chiến trường Ukraine. Đồ họa: Washington Post.

"Nhiều người ở châu Âu muốn xung đột kết thúc càng sớm càng tốt, ngay cả khi điều đó có nghĩa là Ukraine phải chịu mất một phần lãnh thổ. Họ tin rằng EU, chứ không phải Mỹ hay Trung Quốc, sẽ trở nên tồi tệ hơn vì cuộc khủng hoảng", chuyên gia Mark Leonard và Ivan Krastev viết trong báo cáo của ECFR. "Trừ khi có một bước ngoặt lớn nào đó, nếu không, đa phần người châu Âu sẽ phản đối một cuộc chiến kéo dài".

VnExpress

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây "nóng lên" ở Bắc Cực

Căng thẳng giữa Nga và phương Tây ở Bắc Cực đã gia tăng đáng kể, khi Moskva chỉ trích những tuyên bố của Washington về Bắc Cực cũng như việc Mỹ gia tăng hoạt động quân sự. Bất đồng đó có thể lên đến đỉnh điểm khi Lầu Năm Góc dự kiến ​​công bố Chiến lược Bắc Cực mới.

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao

Lào: Cho phép học sinh nghỉ học nếu nền nhiệt quá cao

Theo phóng viên TTXVN tại Viêng Chăn, trước tình trạng nắng nóng kéo dài với nền nhiệt cao kỷ lục liên tục trên 40 độ C trong những ngày qua, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào vừa chỉ đạo các nhà quản lý trường học trên cả nước xem xét cho học sinh nghỉ học nếu cần thiết để trẻ em không phải chịu đựng nhiệt độ cao như hiện nay.

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Thủ tướng Haiti Ariel Henry từ chức

Truyền thông Haiti hôm qua (25/4) đưa tin, Thủ tướng nước này, ông Ariel Henry đã từ chức, mở đường cho một chính phủ mới của quốc gia Caribe này. Chức vụ Thủ tướng tạm thời do ông Michel Patrick Boisvert, Bộ trưởng kinh tế và tài chính nắm giữ.

fb yt zl tw