Ngập lụt tại Thanh Viễn, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc ngày 21/4/2024.
Sóng nhiệt mạnh cũng đang bao trùm các vùng rộng lớn của châu Á, gây rối loạn cuộc sống thường nhật và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng. Những hiện tượng thời tiết khắc nghiệt xảy ra trong nửa cuối tháng 4 này tiếp tục cho thấy xã hội dễ bị tổn thương trước các mối nguy hiểm về thời tiết, nước và khí hậu, đồng thời phản ánh tầm quan trọng của Hệ thống Cảnh báo sớm cho tất cả mọi người.
El Nino suy yếu cùng với hiện tượng Lưỡng cực ở Ấn Độ Dương đóng vai trò quan trọng, đặc biệt là trong các trận lũ lụt ở Đông Phi, hạn hán ở Nam Phi và nắng nóng ở Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), năng lượng dư thừa trong khí quyển và đại dương do khí thải nhà kính từ các hoạt động của con người cũng có ảnh hưởng đáng kể, đặc biệt là đối với nắng nóng khắc nghiệt.
Tại phiên họp lần thứ 80 của Ủy ban Kinh tế và Xã hội châu Á - Thái Bình Dương vào ngày 23/4 vừa qua, Phó Tổng Thư ký WMO, bà Ko Barrett cảnh báo biến đổi khí hậu đang làm trầm trọng thêm tần suất và cường độ của các hiện tượng này, tác động mạnh đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là tính mạng và môi trường sống của con người. Bà Ko Barrett nhấn mạnh các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt từ đầu năm đến nay tại châu Á đang tiếp nối xu hướng được nêu ra trong Báo cáo Thực trạng Khí hậu châu Á năm 2023 của WMO.
Báo cáo cho thấy châu Á vẫn là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nhất trên thế giới do các thảm họa thời tiết, khí hậu và nước trong năm 2023. Bão và lũ lụt là nguyên nhân dẫn đến thương vong và thiệt hại kinh tế cao nhất, trong khi tác động của nắng nóng trở nên nghiêm trọng hơn. Bà Ko Barrett nhận định nắng nóng đang ngày càng trở thành "sát thủ thầm lặng". Số người chết liên quan đến nắng nóng thường không được báo cáo đầy đủ, do đó quy mô thực sự của các ca tử vong sớm và những tổn thất kinh tế liên quan đến năng suất lao động giảm, mất mùa và căng thẳng lưới điện không được phản ánh chính xác trong các số liệu.
Trong khi đó, Báo cáo Đánh giá mới nhất của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC) kết luận rằng tại châu Á, các đợt nắng nóng khắc nghiệt đã tăng lên, trong khi các đợt rét đậm giảm dần và xu hướng này sẽ tiếp tục trong những thập kỷ tới.
Năm ngoái, một nghiên cứu của World Weather Attribution cho thấy "nóng ẩm khắc nghiệt ở Nam Á vào tháng 4/2023 phần lớn do biến đổi khí hậu gây ra, ảnh hưởng đến các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi".
Những tuần gần đây, Ấn Độ đã trải qua các đợt nắng nóng trong giai đoạn trước gió mùa, với nhiệt độ khoảng 40°C. Theo Cục Khí tượng Ấn Độ, tình trạng này có khả năng sẽ kéo dài. Cơ quan này cho biết trong giai đoạn tháng 3 - 5/2024, số ngày nắng nóng cao hơn bình thường có khả năng xảy ra trên hầu hết các vùng của đất nước, ngoại trừ Đông Bắc Ấn Độ, vùng Tây Himalaya, Bán đảo Tây Nam và vùng biển phía Tây. Tần suất, thời gian diễn ra và thời gian tối đa của các đợt nắng nóng đang gia tăng do toàn cầu ấm lên. Các mô hình dự báo của IPCC cho thấy đến năm 2060, xu hướng nắng nóng sẽ tăng thêm 2 đợt và thời gian nắng nóng sẽ kéo dài thêm 12 - 18 ngày.
Nắng nóng gay gắt tại Dhaka, Bangladesh ngày 25/4/2024.
Tương tự, Bangladesh, Myanmar và Thái Lan cũng nằm trong số các quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, khi nắng nóng làm gián đoạn các hoạt động kinh tế và nông nghiệp, buộc trường học phải đóng cửa. Từ đầu năm đến nay, Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận 30 trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, so với tổng số 37 trường hợp tử vong do sốc nhiệt trong cả năm 2023. Ở quốc gia láng giềng Myanmar, nhiệt độ đã tăng lên 45,9°C trong tuần qua và tình trạng nắng nóng dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong vài ngày tới.
Giám đốc khu vực châu Á và Tây Nam Thái Bình Dương của WMO Ben Churchill cho biết, tháng 4 thường là tháng nóng hơn ở các khu vực Nam Á và Đông Nam Á, nhưng El Niño và biến đổi khí hậu đang đẩy nhiệt độ lên các mức cao.
Trong khi Nam Á chìm trong nắng nóng, thì Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) với khí hậu sa mạc nóng khô cằn và lượng mưa hằng năm rất thấp, lại bất ngờ hứng chịu lũ lụt. Trung tâm Khí tượng Quốc gia ngày 16/4 thông báo UAE đã ghi nhận lượng mưa lớn nhất trong 75 năm qua. Chỉ trong chưa đầy 24 giờ, khu vực “Khatm al-Shakla” ở Al Ain, UAE đã ghi nhận lượng mưa lên tới 254,8 mm.
Hệ thống bão di chuyển chậm cũng ảnh hưởng nặng nề đến Oman trong các ngày 14-15/4, gây ra lũ quét và khiến 17 người thiệt mạng.
Theo IPCC, tại Bán đảo Arab, thời tiết càng ấm, thì tổng lượng mưa hằng năm, cường độ và tần suất của các trận mưa nặng hạt sẽ tăng theo.
Tương tự, mưa lớn cũng đang tàn phá khắp khu vực Đông Phi. Trong những tuần qua, Tanzania đã ghi nhận ít nhất 155 người thiệt mạng và hơn 230 người bị thương do lũ quét.
Trong khi đó, theo chuyên gia Alvaro Silva, hạn hán ở miền Nam châu Phi là do mùa mưa kém (từ tháng 11 đến tháng 3), ảnh hưởng điển hình của El Niño ở khu vực này và tình hình đang càng trở nên trầm trọng hơn do nhiệt độ đặc biệt cao.