Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.

Trong bối cảnh trao đổi thương mại và đầu tư trên thế giới ngày càng phát triển, dòng lưu chuyển lao động giữa các nước cũng ngày càng tăng. Xu hướng các quốc gia đều thúc đẩy các hoạt động đàm phán, ký kết Hiệp định song phương về BHXH nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho người lao động, đồng thời cũng khắc phục bất cập trong việc tránh đóng trùng BHXH ở cả hai quốc gia.
Luật BHXH 2014 còn thiếu các quy định để tạo thuận lợi hoạt động đàm phán và thực thi Hiệp định, cũng như có đủ quy định pháp lý cho người lao động Việt Nam tham gia thị trường lao động quốc tế được thực hiện quyền, nghĩa vụ và hưởng chế độ BHXH tích lũy từ quá trình lao động.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề xuất xây dựng dự thảo Luật BHXH nhằm giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập từ thực tiễn thi hành, tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn trong tham gia, thụ hưởng các quyền lợi về BHXH. Đồng thời, đảm bảo hài hòa lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động trong quá trình tham gia và thụ hưởng các quyền lợi về BHXH, phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đáp ứng các yêu cầu về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực BHXH.
Dự thảo Luật BHXH gồm 9 chương, 133 điều (Luật BHXH 2014 gồm 9 chương, 125 điều). Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất một số nội dung như: Quản lý nhà nước về bảo hiểm xã hội, tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội và quyền, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với bảo hiểm xã hội; trợ cấp hưu trí xã hội; đăng ký tham gia và quản lý thu, đóng bảo hiếm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện….