Thông tư 25 của Bộ Khoa học và Công nghệ quy định các công nghệ được nghiên cứu phát triển trong dự án khoa học và công nghệ phải thuộc danh mục công nghệ cao được Chính phủ ưu tiên đầu tư. Trong đó có: Công nghệ trí tuệ nhân tạo; Công nghệ Internet kết nối vạn vật (IoT); Công nghệ dữ liệu lớn và phân tích dữ liệu lớn; Công nghệ chuỗi khối (Blockchain); Công nghệ ảo hóa, điện toán đám mây, điện toán lưới, điện toán biên, điện toán sương mù; Công nghệ lượng tử...
Các dự án phải có tính mới, có khả năng đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ; có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đạt tiêu chuẩn khu vực hoặc quốc tế; được kiểm định tại đơn vị độc lập có chức năng và năng lực kiểm định; tuân thủ tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật về môi trường; dự án có khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường trong nước và ngoài nước.
Thông tư cũng quy định kết quả của dự án khoa học công nghệ phải đáp ứng một trong các điều kiện về bảo đảm cho việc phát triển công nghệ cao đạt trình độ tiên tiến trong khu vực trong từng giai đoạn, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm, cung ứng dịch vụ công nghệ cao. Hoặc dự án có ý nghĩa quyết định đến việc tạo ra sản phẩm chủ lực của các ngành kinh tế; tạo ra dịch vụ công nghệ cao công ích, hình thành doanh nghiệp công nghệ cao trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt (trái ảnh) nghe giới thiệu các sản phẩm ứng dụng AI cho nhà thông minh tại Ngày hội trí tuệ nhân tạo Việt Nam 2023.
Các đối tượng được ưu tiên là các tổ chức chủ trì đang triển khai dự án đầu tư thuộc lĩnh vực có liên quan đến dự án khoa học và công nghệ đã được cấp Giấy chứng nhận hoạt động ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc đã được triển khai trong khu công nghệ cao (đối với dự án đầu tư cơ sở nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm công nghệ cao, cung ứng dịch vụ công nghệ cao), khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (đối với dự án đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất sản phẩm nông nghiệp, cung ứng dịch vụ công nghệ cao).
Trước đó trên nhiều diễn đàn Thứ trưởng Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy từng đề cập tới nhiệm vụ phát triển công nghệ cao để Việt Nam có thể bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0. Trong đó ông cho rằng ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo cần có một số sản phẩm của riêng Việt Nam, dựa trên các lợi thế của Việt Nam để phục vụ thị trường trong nước đồng thời tìm ra thị trường ngách để đưa sản phẩm của Việt Nam ra thị trường bên ngoài.
"Đây là bước đi thực tế ", ông Duy nói và cho biết để làm được cần xây dựng năng lực nội tại cho lĩnh vực này gồm xây dựng hệ thống dữ liệu lớn, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hạ tầng, máy móc, công nghệ để đón đầu, bắt kịp với xu hướng thế giới.