Hưởng ứng ngày Toàn dân phòng, chống ma túy (26/6), Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) đã triển khai nhiều hoạt động. Vừa qua, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện đã phối hợp với UBND các phường Bình Minh, Pom Hán, Xuân Tăng và UBND các xã Thống Nhất, Cam Đường tổ chức rà soát, trực tiếp đến các hộ có người nghiện để truyền thông.
Cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện còn tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho bệnh nhân đang tham gia điều trị Methadone, trang bị cho họ một số kỹ năng dự phòng tái nghiện như kỹ năng từ chối, quản lý thời gian, kỹ năng đối phó với cơn thèm, nhớ và quản lý căng thẳng, kỹ năng đối phó với các tình huống nguy cơ cao và tăng sự tự tin.
Chị Vũ Thị Thùy, cán bộ Cơ sở cai nghiện ma túy tự nguyện cho biết: Methadone làm giảm sự thèm muốn các các chất dạng thuốc phiện, giúp người nghiện cải thiện sức khỏe, cuộc sống và giảm lây nhiễm HIV trong cộng đồng. Mỗi gia đình hãy quan tâm, vận động người mắc nghiện các chất dạng thuốc phiện tích cực tham gia điều trị thay thế bằng thuốc Methadone.
Trước tình trạng người nghiện ma túy có dấu hiệu trẻ hóa, nhằm góp phần phòng ngừa, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy trong thanh thiếu niên, các đơn vị, địa phương, cơ quan, ban, ngành trên địa bàn tỉnh đã và đang phối hợp thường xuyên, liên tục, chặt chẽ và hiệu quả.
Công an tỉnh luôn chủ động nắm, phân tích, đánh giá, nhận diện, dự báo chính xác tình hình để triển khai các kế hoạch, phương án đấu tranh, triệt xóa các băng nhóm, tổ chức, đường dây tội phạm ma túy; các điểm, tụ điểm mua bán, tổ chức sử dụng, chứa chấp sử dụng trái phép chất ma túy liên quan đến thanh thiếu niên.
Công tác tuyên truyền được ngành giáo dục coi là một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống ma túy trong học sinh, thanh thiếu niên, bởi vậy, các trường thường xuyên lồng ghép nội dung phòng, chống ma túy vào chương trình giáo dục, hoạt động trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa. Bên cạnh đó, mở rộng các hình thức tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy thông qua tổ chức các hoạt động thực tế cho học sinh, sinh viên như tham dự các phiên tòa điểm, phiên tòa giả định, tham quan các cơ sở cai nghiện ma túy... Cán bộ, giáo viên được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng phòng, chống ma túy để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy cho học sinh...
Những nỗ lực chung nhằm góp phần kiềm chế tỷ lệ gia tăng, giảm số lượng thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy. Phấn đấu đến năm 2025, hơn 80% thanh thiếu niên sử dụng trái phép chất ma túy, nghiện ma túy có hồ sơ quản lý được tư vấn, khám sàng lọc, đánh giá và được giáo dục thay đổi hành vi, điều trị, cai nghiện ma túy thích hợp.
Tệ nạn ma túy là hiểm họa lớn cho toàn xã hội, gây tác hại cho sức khỏe, làm suy thoái nòi giống, phẩm giá con người, phá hoại hạnh phúc gia đình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội. Đẩy lùi tệ nạn ma túy ra khỏi cộng đồng cần sự chung tay của toàn xã hội.
Mỗi người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, phòng ngừa, tránh xa ma túy và trở thành tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng dân cư. Vì một xã hội tốt đẹp hơn, hãy nói "không" với ma túy.