Cùng đi có lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải - Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giáo dục và Đào tạo.
*Tại huyện Bắc Hà, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường và Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra công trình Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Hoàng Thu Phố 1; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoàng Thu Phố; Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Lùng Phình 1; khu vực dự kiến xây dựng Trường THCS và THPT Lùng Phình.
Theo UBND huyện Bắc Hà, do yêu cầu công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp học, tháng 7/2023, Trường THCS và THPT Bắc Hà thành lập trên cơ sở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Lùng Phình. Hiện nay nhà trường không đủ phòng học và không đáp ứng về diện tích đối với chương trình giáo dục phổ thông 2018 (đặc biệt cấp THPT). Năm học 2024 - 2025, trường dự kiến tuyển sinh thêm 5 lớp 10 với 196 học sinh, nâng tổng số lớp lên là 17 lớp, với 622 học sinh. Nếu không được đầu tư cơ sở vật chất, nhà trường sẽ rất khó khăn để tổ chức các hoạt động dạy học và ăn ở cho học sinh.
Ngoài ra, do số lượng học sinh đông nên không có đủ phòng cho học sinh ăn, ở và sinh hoạt, nhà ăn cho học sinh bán trú hiện tại chỉ đáp ứng được 60%. Năm học 2024 - 2025 dự kiến số học sinh bán trú của nhà trường là 550 học sinh, với cơ sở vật chất như hiện nay rất khó khăn cho việc bố trí chỗ ở cho học sinh.
Huyện Bắc Hà đề nghị trước mắt tỉnh quan tâm giao danh mục đầu tư xây dựng 1 nhà bán trú kiên cố quy mô 4 tầng để phục vụ năm học 2024 - 2025.
Về lâu dài, để đáp ứng nhu cầu tăng lớp, tăng học sinh và thực hiện chuẩn hóa cơ sở vật chất, huyện Bắc Hà đề xuất phương án quy hoạch, mở rộng, đầu tư đồng bộ các phòng học, phòng chức năng, phòng hiệu bộ trên khu đất mới rộng 3 ha giáp ranh với khu trường hiện tại.
Đối với Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Hoàng Thu Phố, năm học 2023 - 2024, nhà trường có 290 học sinh ở bán trú, tuy nhiên mới chỉ có 10 phòng ở cấp 4 cho học sinh. Để khắc phục tình trạng thiếu phòng ở, nhà trường tạm thời sử dụng phòng học làm phòng ở cho 77 học sinh bán trú. Đối với 10 phòng học còn lại, nhà trường bố trí trung bình trên 21 học sinh/phòng ở dẫn đến rất chật chội, khó khăn.
Để đảm bảo các điều kiện ăn, ở cho học sinh bán trú, UBND huyện đề xuất với UBND tỉnh xây dựng 1 công trình nhà ăn kết hợp với phòng ở bán trú và phòng ở công vụ giáo viên quy mô 30 phòng ở bán trú và phòng ở công vụ, bếp nấu, nhà ăn cho học sinh bán trú, kinh phí khoảng 16 tỷ đồng.
Đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh cơ bản nhất trí chủ trương theo đề xuất của huyện; đồng thời đề nghị UBND huyện Bắc Hà phối hợp với đơn vị tư vấn tính toán phương án thiết kế phù hợp, hoàn thiện các thủ tục cần thiết trình UBND tỉnh đề phê duyệt danh mục đầu tư. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý phương án thiết kế cần tính toán dự trữ quỹ đất cho nhu cầu mở rộng trường sau này; đối với Trường THCS và THPT Bắc Hà phương án thiết kế cũng cần tính toán sau này nếu số lượng học sinh tăng lên, yêu cầu quản lý thay đổi có thể tách thành 2 trường.
* Tại huyện Si Ma Cai, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo huyện về phương án đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước sạch các xã trên địa bàn.
Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải - Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai; Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Si Ma Cai.
Theo phương án đề xuất của đơn vị tư vấn sẽ đầu tư 5 cụm công trình cấp nước sạch cho các xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Trong đó, lớn nhất là cụm cấp nước số 1, cải tạo nâng cấp hồ Cán Cấu, xã Cán Cấu để dự trữ nước, tuyến kênh dẫn và cấp nước tưới sản xuất nông nghiệp cho khu vực xã Cán Cấu và xã Lùng Thẩn; cấp nước thường xuyên cho 3 xã: Cán Cấu, Sán Chải, Nàn Sán; dự phòng cấp nước vào mùa khô cho thị trấn Si Ma Cai và 4 xã: Sín Chéng, Thào Chư Phìn, Bản Mế, Lùng Thẩn, phục cho khoảng 8.122 người dân trên địa bàn.
Ngoài ra, còn có cụm cấp nước số 2 cấp nước cho xã Quan Hồ Thẩn; cụm cấp nước số 3 cung cấp nước cho xã Lùng Thẩn; cụm cấp nước số 4 cấp nước cho xã Sín Chéng và cụm cấp nước số 5 cung cấp nước cho xã Bản Mế.
Dự kiến tổng mức đầu tư 5 cụm cấp nước sạch là 245 tỷ đồng. Huyện phấn đấu hoàn thiện dự án và đưa các công trình vào sử dụng trong năm 2024.
Dự án sau khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô cho cộng đồng dân cư, cung cấp nước tưới cho khoảng 350 ha đất trồng lúa và 160 ha đất chuyển đổi diện tích nước thành đất trồng lúa.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh cho rằng đây là dự án cấp nước sạch sinh hoạt lớn nhất từ trước đến nay vì vậy phải tính toán kỹ các phương án thi công, vận hành để khi công trình hoàn thành thực sự phát huy hiệu quả; khảo sát kỹ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân; rà soát tình hình sử dụng đất liên quan đến mặt bằng thực hiện dự án; rà soát kỹ nguồn cung cấp nước cho các cụm công trình, tính toán tận dụng các công trình cấp nước hiện đã có để tránh lãng phí.
Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai - Hà Đức Minh cho biết đây là dự án có ý nghĩa an sinh xã hội quan trọng, vì vậy, huyện đã khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan, các xã, thị trấn phối hợp với đơn vị tư vấn rà soát, tính toán kỹ lưỡng các phương án đầu tư, hướng tuyến các công trình. Tiếp thu ý kiến của các sở, ngành, đồng chí Bí thư Huyện ủy cho biết sẽ làm việc cụ thể với đơn vị tư vấn điều chỉnh một số nội dung phù hợp; đồng thời mong muốn các sở, ngành hỗ trợ, giúp đỡ huyện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án. Lãnh đạo huyện Si Ma Cai cũng cam kết đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án để sớm phát huy hiệu quả đầu tư.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động của huyện Si Ma Cai trong triển khai thực hiện dự án cấp nước sạch trên địa bàn.
Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh đây là dự án lớn, địa bàn dàn trải, thời gian gấp, vì vậy để đảm bảo tiến độ đòi hỏi sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành trên địa bàn. Đồng chí đề nghị huyện rà soát kỹ các quy hoạch, tính toán kỹ lưỡng phương án thiết kế, cách thức triển khai dự án sao cho hiệu quả, từ khâu giải phóng mặt bằng thực hiện dự án, phương án thi công cho đến vận hành dự án; thành lập Ban Chỉ đạo của huyện, phân công nhiệm vụ cụ thể từng thành viên để đôn đốc triển khai dự án.
UBND huyện Si Ma Cai chủ động phối hợp với sở, ngành liên quan tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện dự án, tính toán hợp lý giá nước sạch khi dự án đưa vào vận hành, sớm đào tạo nguồn nhân lực vận hành dự án. Huyện cũng cần có giải pháp quản lý chặt chẽ nguồn nước trên địa bàn, khai thác nguồn nước hiệu quả phục vụ đời sống, sản xuất.
Huyện cần tuyên truyền, vận động Nhân dân, tạo đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng, từng bước thay đổi nhận thức của Nhân dân về thói quen sử dụng nước sạch hợp vệ sinh.
Trước đó, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh và Đoàn công tác đã đi thực địa kiểm tra điểm cấp nước tại hồ Cán Cấu; điểm lấy nước tại Quan Hồ Thẩn; kiểm tra dự án đường xuống cầu Nàn Sín (đường Si Ma Cai kết nối với Mường khương qua Sông Chảy).