Tại buổi làm việc, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tạ Công Huy đã báo cáo tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra, nhất là đối với sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt, kể từ ngày 1/1 đến 8/6/2023 trong toàn tỉnh và đề xuất nhu cầu hỗ trợ khắc phục thiệt hại thiên tai.
Cụ thể, đối với sản xuất nông nghiệp, toàn tỉnh có 6.218,6 ha bị ảnh hưởng và thiệt hại. Trong đó, diện tích lúa, mạ bị thiệt hại hơn 688 ha (diện tích bị thiệt hại hoàn toàn, tức hơn 70% là 109,95 ha; thiệt hại nặng từ 30% đến 70% là 579 ha); diện tích hoa màu, rau màu bị thiệt hại là 4.466 ha (thiệt hại hoàn toàn là 1.510 ha; thiệt hại nặng từ 30% đến 70% là 2.920 ha; thiệt hại dưới 30% là 35,3 ha). Ngoài ra, 16,3 ha cây dược liệu bị thiệt hại; 160,9 ha cây hằng năm; 80,9 ha cây ăn quả; 803 ha rừng; 2,25 ha nuôi thủy sản bị thiệt hại. Ước giá trị thiệt hại về sản xuất nông nghiệp là 254 tỷ đồng.
Đối với thủy lợi, nước sạch, toàn tỉnh có 27 công trình hư hỏng, xuống cấp cần sửa chữa với kinh phí gần 81 tỷ đồng; 26 công trình nước sạch cần sửa chữa cấp bách với kinh phí hơn 66 tỷ đồng; 9.013 hộ bị ảnh hưởng, thiếu nước.
Trên cơ sở thiệt hại do thiên tai, ngành nông nghiệp đề xuất tỉnh hỗ trợ kinh phí khắc phục đối với sản xuất nông nghiệp và công trình cấp nước sinh hoạt với số tiền hơn 154 tỷ đồng. Cụ thể, hỗ trợ diện tích lúa, ngô bị thiệt hại do hạn hán là 5.111 ha, với số tiền hơn 6,7 tỷ đồng (hỗ trợ diện tích lúa bị hạn hán thiệt hại hơn 70% là 110 ha với số tiền 220 triệu đồng; hỗ trợ diện tích ngô bị hạn hán thiệt hại hơn 70% là 1.502 ha với số tiền 3 tỷ đồng; hỗ trợ diện tích lúa bị hạn hán thiệt hại từ 30% đến 70% là 579 ha với số tiền 579 triệu đồng; hỗ trợ diện tích ngô bị hạn hán thiệt hại từ 30% đến 70% là 2.920 ha, với số tiền gần 3 tỷ đồng.
Đối với việc đầu tư sửa công trình thuỷ lợiđể đảm bảo nước tưới cho 9.871 ha đất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho Nhân dân, tỉnh cần hỗ trợ hơn 147 tỷ đồng (gồm đầu tư công trình thuỷ lợi đập dâng, kênh dẫn chuyển nước 34 công trình, với số tiền gần 81 tỷ đồng; đầu tư công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung 26 công trình, với số tiền 66,5 tỷ đồng).
Đối với huyện Si Ma Cai, tổng diện tích cây trồng bị thiệt hại do nắng nóng, hạn hán là 3.316 ha. Trong đó, diện tích lúa bị ảnh hưởng do thiếu nước là 349,5 ha (68,5 ha ruộng bị nứt, nẻ; 258 ha ruộng bị khô mặt). Diện tích cây ngô bị ảnh hưởng là 2.744/4.405 ha (210 ha bị khô héo, chết; 2.534 ha bị giảm năng suất). Diện tích cây trồng khác bị ảnh hưởng là 223 ha (156 ha bị giảm năng suất; 67 ha bị khô héo, chết).
Do biến đổi khí hậu, thời tiết khô hạn kéo dài, lượng mưa trên địa bàn huyện Si Ma Cai rất ít, có nơi không có mưa, do đó nguồn nước tại các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, nguồn nước mạch nhỏ lẻ bị giảm, cạn kiệt. Tổng số hộ dân trên địa bàn bị thiếu nước sinh hoạt do hạn hán là 484 hộ.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo huyện Si Ma Cai và Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai đã báo cáo phương án cấp nước bổ sung cho trung tâm thị trấn Si Ma Cai và khu vực lân cận. Hiện khu vực trung tâm thị trấn Si Ma Cai có một nhà máy cấp nước sạch với công suất đạt 1.500 m3/ngày-đêm, cấp nước cho hơn 1.600 hộ dân và cơ quan, đơn vị sử dụng nước sạch.
Việc phát triển đô thị và các tổ dân phố như Gia Khâu, Na Cáng, Sín Chải và Hoàng Thu Phố vừa được sáp nhập vào thị trấn Si Ma Cai cũng như nhu cầu sử dụng nước sạch của các hộ dân lân cận thuộc các xã Sán Chải, Nàn Sán, Sín Chéng, Bản Mế dẫn đến dự kiến tăng thêm khoảng 852 hộ với khoảng 3.405 nhân khẩu sử dụng nước sạch. Như vậy, trong tương lai khả năng cung cấp nước sạch của nhà máy cho trung tâm thị trấn Si Ma Cai và khu vực lân cận sẽ không đáp ứng được nếu không có biện pháp bổ sung nguồn nước.
Ngày 29/5/2023, UBND huyện Si Ma Cai có buổi làm việc với Công ty Cổ phần Cấp nước Lào Cai và đã khảo sát, đánh giá nguồn nước tại xã Cán Cấu, nguồn nước sông Chảy tại xã Bản Mế và nguồn nước suối Hóa Chư Phùng, xã Nàn Sán. Qua khảo sát, kiểm tra, đánh giá thì nguồn nước tại suối Hóa Chư Phùng là khả thi, đảm bảo cấp nước bổ sung về cho thị trấn và khu vực lân cận. Nguồn nước tại suối Hóa Chư Phùng có trữ lượng khai thác khoảng 2.500 m3/ngày-đêm, đảm bảo tiêu chuẩn cung cấp cho nhà máy để xử lý, cung cấp nước cho sinh hoạt. Do vậy, có thể xây dựng đường ống cấp nước bổ sung có chiều dài 4,5 km về cho nhà máy xây dựng đập thu nước, bể chứa, trạm bơm, hệ thống xử lý nước; làm mới đường ống cấp nước tại một số tuyến phố và khu vực các xã lân cận. Tổng mức đầu tư dự kiến 20 tỷ đồng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường nhấn mạnh: Thời gian qua, thiên tai xảy ra rất phức tạp, nhất là hạn hán, nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân. Qua kiểm tra thực tế tại các địa phương, các ngành, địa phương cần phối hợp xây dựng hoàn thiện báo cáo để Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo Thường trực Tỉnh ủy, đánh giá rõ, đúng, chính xác những thiệt hại do thiên tai gây ra, cũng như đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất và dân sinh.
Việc hỗ trợ trong lúc này là rất cần thiết, giúp người dân vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, cần xác định rõ hai loại cây trồng hỗ trợ là lúa và ngô, đề nghị các địa phương sử dụng nguồn vốn dự phòng để chủ động xây dựng phương án và chịu trách nhiệm về việc giải ngân kinh phí hỗ trợ.
Đối với việc cấp nước, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra việc đầu tư hai hồ chứa nước tại huyện Mường Khương, đồng thời kiểm tra, đánh giá khả năng cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất tại các địa phương.
Chủ tịch UBND đề nghị các ngành xem xét cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư công trình cấp nước nông thôn để có phương án giải quyết bài toán cấp nước khu vực nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh cơ chế đầu tư hệ thống cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Si Ma Cai.