Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua đã bộc lộ sự chủ quan nhất định của cơ quan quản lý các cấp.
Ngày 1/8, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cùng Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh đã có các buổi tiếp xúc cử tri quận 1 và quận 3 nhằm thông báo nội dung kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIV; lắng nghe, ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri bày tỏ hoan nghênh Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khóa XIV với tinh thần trách nhiệm, dân chủ, thẳng thắn, Quốc hội đã hoàn thành nhiệm vụ trọng tâm là xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện và đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Cử tri mong muốn các đại biểu Quốc hội thực hiện tốt chương trình hành động đã được nêu tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử. Cử tri cũng đưa ra nhiều kiến nghị về các vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, nợ công, an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường nước, hành lang pháp lý bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng, cải cách hành chính và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước những diễn biến phức tạp gần đây.
Đồng thời cử tri cũng đề nghị Quốc hội xem xét tăng số lượng đại biểu chuyên trách để bảo đảm độc lập trong công tác lập pháp, thay đổi phương thức tiếp xúc cử tri để cử tri được tiếp xúc nhiều hơn với đại biểu Quốc hội trong các hội nghị tiếp xúc.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu. |
Thay mặt tổ đại biểu Quốc hội ghi nhận ý kiến của cử tri, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh những vấn đề cử tri quan tâm. Về vấn đề nợ công, Chủ tịch nước cho rằng đây là vấn đề được xã hội đặc biệt quan tâm, là vấn đề hệ trọng đối với sự phát triển bền vững của quốc gia. Chủ tịch nước cho biết, những năm qua, nợ công tăng nhanh, từ 51,7% GDP năm 2010 đến cuối năm 2015 chiếm 62,2% GDP.
Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới và Quỹ tiền tệ quốc tế, Việt Nam không nằm trong các nhóm nước có gánh nặng về nợ cao. Tuy nhiên, hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chủ tịch nước cho rằng, để giải quyết vấn đề hiệu quả quản lý và sử dụng nợ công, cần có chỉ tiêu về đánh giá an toàn nợ công trong giai đoạn 2016 - 2020 như: khả năng trả nợ bằng nguồn thu ngân sách; mức độ bội thu hoặc bội chi ngân sách hàng năm…
Hiện nay, rủi ro nợ công ở Việt Nam phụ thuộc vào những yếu tố chính như tốc độ tăng GDP, lạm phát, lãi suất, mức thâm hụt tài khoản vãng lai và dự trữ ngoại hối của quốc gia. Do đó, những nhân tố này cần được kiểm soát tốt để giảm thiếu rủi ro về nợ công.
Về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm Chủ tịch nước cho biết, công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua tuy có tiến bộ nhưng chưa thực sự chuyển biến căn bản. Tình trạng sản xuất, chế biến, tiêu thụ thực phẩm không bảo đảm an toàn có xu hướng gia tăng, vừa ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ của nhân dân, vừa tạo tâm lý bất an trong xã hội, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến giống nòi.
Chủ tịch nước cho rằng các cơ quan chức năng cũng có nhiều cố gắng, song công tác điều hành, phối hợp vẫn còn chồng chéo, kết quả công tác bảo đảm an toàn thực phẩm còn hạn chế, tình trạng vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp, gây lo lắng, gây bức xúc trong nhân dân.
Chủ tịch nước cho biết, tại kỳ họp vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, quyết định đưa nội dung giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2016” vào nội dung Chương trình giám sát của Quốc hội.
Chủ tịch nước cho rằng, để thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội thì các bộ, ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần có các giải pháp, chương trình hành động cụ thể, đồng bộ và khả thi để tạo ra sự thay đổi căn bản trong nhận thức và ý thức trách nhiệm xã hội của toàn xã hội, trước hết là của doanh nghiệp, hộ gia đình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, kể cả xử lý hình sự.
Cử tri quận 3 kiến nghị với Tổ đại biểu Quốc hội khóa XIV, đơn vị bầu cử số 1. |
Về vấn đề đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, Chủ tịch nước nêu rõ, đây là mối quan tâm của toàn xã hội, là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo và đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội. Tuy nhiên, tham nhũng, lãng phí vẫn diễn ra nghiêm trọng và đang là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta.
Chủ tịch Trần Đại Quang nhấn mạnh, để đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí có hiệu quả cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, liên tục, tạo sự phối hợp chặt chẽ, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, trong đó các cơ quan chức năng đóng vai trò tham mưu, nòng cốt.
Đồng thời cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, của cán bộ, đảng viên và nhân dân về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tạo sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Để đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãnh phí có hiệu quả, theo tôi việc phòng là hết sức quan trọng, mà ở đây toàn xã hội phải nói không với tham nhũng. Đi liền với đó, để góp phần răn đe, phòng ngừa tham nhũng, lãng phí thì việc phát hiện, khởi tố, điều tra xử lý kịp thời và xử lý nghiệm minh hành vi tham nhũng có ỹ nghĩa quyết định".
Quan điểm nhất quán của Đảng và nhà nước ta là xử lý nghiêm khắc những trường hợp tham nhũng và không có vùng cấm, không chịu bất cứ áp lực của tổ chức, cá nhân nào trong công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng.
"Với tư cách là người đã từng làm Bộ trưởng Bộ Công an, đã từng trực tiếp chỉ đạo điều tra, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, tôi cũng báo cáo thực với các vị là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đầy cam go đòi hỏi phải có bản lĩnh và quyết tâm rất cao chúng ta mới có thể chiến thắng được”, Chủ tịch nước chia sẻ.
Về vấn đề cá chết ở các tỉnh miền trung và những hậu quả về môi trường cho công ty Fomosa gây ra, Chủ tịch nước cho biết đây là sự cố rất nghiệm trọng, để lại hậu quả trước mắt và lâu dài. Chúng ta đã xác định được nguyên nhân ô nhiễm và phía nhà đầu tư đã thừa nhận cam kết khắc phục thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra và cam kết không để sự việc tương tự tái diễn. Đồng thời đã hỗ trợ, chuyển đổi nghề nghiệp cho ngư dân.
Chủ tịch nước cho biết, Chính phủ yêu cầu nhà đầu tư thực hiện nghiêm túc những điều đã cam kết. Nhưng không phải vì thế mà không xem xét trách nhiệm nếu như doanh nghiệp tiếp tục có những sai phạm khác. Chủ tịch nước cho biết, về phía Việt Nam, nếu tổ chức, cá nhân nào có liên quan đến việc gây ra sự cố này cũng phải được đưa ra kiểm điểm, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề biển đảo, Chủ tịch nước khẳng định, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ là trách nhiệm thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam. Trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường, chúng ta vẫn giữ vững độc lập, chủ quyền; chủ động, kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo vệ được chủ quyền, biển, đảo, vùng trời và giữ được hoà bình, ổn định để phát triển đất nước.
Vừa qua, sau phán quyết của Tòa trọng tài (PCA), Việt Nam đã có những phản ứng, giải pháp phù hợp, kịp thời; lập trường của chúng ta về vấn đề Biển Đông được cộng đồng quốc tế ủng hộ; nhiều nước và tổ chức quốc tế đã lên tiếng bày tỏ quan ngại, kêu gọi các bên liên quan coi trọng an ninh, an toàn hàng hải, hàng không; tuân thủ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), tiến tới Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Chủ tịch nước cho biết, phương hướng, nhiệm vụ là kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; giữ vững môi trường hoà bình, ổn định để phát triển đất nước; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế. Kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và đối ngoại; tăng cường hợp tác quốc tế về quốc phòng, an ninh.
Đối với các vấn đề an ninh nguồn nước, an ninh mạng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, những vụ việc xảy ra vừa qua đã bộc lộ sự chủ quan nhất định của cơ quan quản lý các cấp. Điều này đòi hỏi các cấp cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, chủ động phòng ngừa những thiếu sót hay những yếu tố ảnh hưởng đến an ninh, an toàn xã hội, và cuộc sống của người dân.
Chủ tịch nước khẳng định đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tiếp tục lắng nghe, ghi nhận ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời đề nghị các cơ quan có thẩm quyền giải quyết../.