Gia đình ông Nguyễn Tiến Lượng, thị trấn Nông trường Phong Hải (Bảo Thắng) có hơn 2 ha quế. Hiện tại, diện tích quế của gia đình đang bị nhiễm sâu bệnh hại, chủ yếu là sâu đo ăn lá quế non, bệnh thán thư và sâu tiện vỏ. Được cán bộ khuyến nông xã hướng dẫn các biện pháp phòng, trừ sâu bệnh, nhiều diện tích đang phục hồi.
Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm gối lứa của sâu đo nên gia đình ông Lượng đang tích cực kiểm tra, sử dụng các biện pháp thủ công để diệt trừ sâu hại. Biện pháp diệt trừ sâu được gia đình áp dụng có hiệu quả là tiến hành rung cây, lấy gậy đập để sâu và kén rơi xuống đất, sau đó thu gom và đốt diệt trừ mầm bệnh, ông Lượng chia sẻ.
Gần 1 tháng nay gia đình ông Ngô Xuân Bình, xã Nậm Tha (Văn Bàn) huy động tối đa nhân lực để trừ bệnh cho rừng quế hơn 1 năm tuổi. Hơn 3 ha quế của gia đình đang bị bệnh phấn trắng gây hại. Các biện pháp phòng, trừ đang được gia đình thực hiện. Ông Bình cho biết: "Tôi thường xuyên thăm rừng, phát hiện sớm, xử lý sâu bệnh hại khi mới chớm nên diện tích rừng của gia đình được bảo toàn".
Theo báo cáo của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Văn Bàn, trên địa bàn huyện có khoảng 6 ha quế tại các xã: Nậm Mả, Nậm Dạng, Nậm Tha… đang bị nhiễm bệnh phấn trắng, tỷ lệ hại trung bình 10% cây, cao 15%, chủ yếu trên các vùng quế trồng từ 1 - 3 năm tuổi.
Ngoài ra, trên địa bàn xuất hiện bọ xít nâu sẫm gây hại trên diện tích quế 4 - 5 năm tuổi, bệnh khô mép là do nấm, sâu đo, sâu tiện vỏ, lở cổ rễ, bọ cánh cứng hại quế… diện tích nhiễm 19 ha rải rác tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Trung tâm đã phổ biến thông tin về các loài sâu bệnh này đến cán bộ kiểm lâm huyện, cán bộ khuyến nông và nông dân các xã để phòng, trừ.
Tại huyện Bảo Thắng, sâu đo ăn lá quế đang gây hại và có chiều hướng lan rộng trên diện tích quế 5 - 7 năm tuổi, những rừng quế trồng thuần loài. Mật độ gây hại phổ biến khoảng 40 - 50 con/cây, có chỗ 100 con/cây, cục bộ hơn 300 con/cây.
Cây quế bị sâu ăn hết lá làm mất khả năng quang hợp, ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây. Cây sẽ bị chết khô nếu mật độ sâu dày.
Để trừ sâu bệnh, Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Thắng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND các xã đi kiểm tra thực địa và tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân các biện pháp phòng trừ, cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cho chủ rừng phun phòng trừ kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.
Toàn tỉnh hiện có hơn 56.000 ha quế, tập trung tại các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn, Bắc Hà. Diện tích quế được trồng thành rừng thuần loài, thuận lợi cho việc quản lý, chăm sóc và thu hoạch. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện cho các loài sâu, bệnh phát sinh, tích lũy và gây hại thành dịch trên diện rộng.
Theo thông tin từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, những năm gần đây, nhiều loại sâu, bệnh gây thiệt hại đáng kể về chất lượng và năng suất rừng trồng. Chi cục phối hợp với các địa phương kiểm tra và có văn bản hướng dẫn các địa phương phòng, trừ sâu, bệnh hại quế bằng các biện pháp hóa học, sinh học, lâm sinh.
Ông Ngô Quyền, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Nguyên nhân sâu bệnh diễn biến phức tạp trên rừng trồng là do thời gian gần đây thời tiết diễn biến bất thường, nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao, thuận lợi cho các đối tượng sâu bệnh phát sinh.
Việc diệt trừ sâu bệnh hại trên cây quế nói riêng và cây lâm nghiệp gặp khó khăn hơn so với các loại cây trồng khác do đặc tính của cây cao nên phải có những dụng cụ đặc dụng thì mới thực hiện được. Bên cạnh đó, cây lâm nghiệp được trồng ở diện tích đồi núi, địa hình phức tạp, xa khu dân cư… Do đó, khi cây rừng bị nhiễm sâu bệnh hại thường phải bỏ ra một khoản chi phí lớn cho việc phòng, trừ. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tuyên truyền, hướng dẫn người dân thường xuyên thăm rừng, nắm chắc tình hình diễn biến sâu bệnh hại trên phần rừng trồng để báo cáo với cơ quan chuyên môn xây dựng phương án, kế hoạch phòng, trừ sâu bệnh hiệu quả.