“Cánh cụt cánh què” - kỷ niệm khó quên năm 1972

Bài hát có giai điệu, tiết tấu vui nhộn, vận dụng ngôn ngữ dân gian chế giễu, châm biếm không lực Hoa Kỳ.

Những ngày cuối năm 1972 không thể nào quên, người dân Hà Nội vợi đi nhiều vì sơ tán về các vùng lân cận. Nếu đứng ở ngã tư Quán Sứ - Tràng Thi (cạnh cơ quan Đài TNVN) thì nhìn rõ được nhà hát Lớn vì rất vắng người. Nhưng nếu ngước mắt nhìn lên cao thì thấy trên các nóc nhà cơ quan, bệnh viện, trường học... những chiến sĩ tự vệ và cả dân quân đang tập trung cao độ hướng tầm nhìn 8 hướng, cảnh giác với lũ giặc trời và sẵn sàng nhả đạn.

Các Ban Biên tập của Đài TNVN sơ tán về Quốc Oai (Hà Tây cũ), Đoàn Ca nhạc của Đài sơ tán lên Lương Sơn (Hòa Bình) chỉ để lại một số người trực chiến đấu và trực làn sóng phát thanh, nên càng vắng vẻ.

Bất chấp tiếng rít của máy bay và tiếng bom của Mỹ ném xuống bệnh viện Bạch Mai, khu dân cư Khâm Thiêm... trên nóc khu nhà 58 Quán Sứ, đội tự vệ vẫn căng mắt trực chiến ngày đêm, với nỗi căm thù và niềm tin tưởng nhân đôi. Sự "im lặng" ấy như báo hiệu một trận chiến căng thẳng sắp diễn ra.

Khi tiếng kẻng hối hả vang lên là tiếng "gừ gừ" nghe đều đều như tiếng xay lúa, càng lúc càng to dần. Rồi mặt đất bắt đầu rung lên, liên hồi, kéo theo những tiếng nổ rền. Đó là sự xuất hiện của máy bay B52.

Đêm nào cũng vậy, con "ngáo ộp" cứ lừ lừ đến và gây tội ác. Xen giữa những đợt ném bom đó, cứ khoảng 15 - 20 phút chúng lại cho 1 hoặc 2 chiếc máy bay F111, loại "cánh cụp cánh xòe" bay rất thấp, tiếng gầm rú man rợ. Chỉ một chiếc như thế cũng đủ cho cả thành phố phải thức giấc và lực lượng phòng không phải đánh trả.

Chúng cứ làm thế mãi, nên mọi người ngủ luôn dưới hầm. Đến sáng hôm sau, tin tức mà ai cũng muốn biết là chúng thả bom nơi nào? Điều quan trọng hơn nữa là có mấy chiếc B52 bị ta bắn rơi, bao nhiêu phi công Mỹ bị bắt. Bà con ta vui sướng hả hê vì chúng ta đã đứng vững và bắt giặc Mỹ phải đền tội, nhưng cũng đau xót vì bao nhiêu người vô tội bị sát hại, nhà cửa bị san bằng.

Những ngày ấy các nhạc sĩ Phạm Tuyên, Nguyễn An và tôi được phân công ở lại Hà Nội để thay đổi các chương trình ca nhạc và văn học nghệ thuật khi cần, phục vụ đồng bào và chiến sĩ ở cả hai miền Nam Bắc. Chúng tôi ăn ngủ và làm việc dưới căn hầm nhà hai tầng phía sau cơ quan.

Lúc nào cũng như con thoi chạy qua chạy lại giữa 58 Quán Sứ và 39 Bà Triệu, nơi biên tập và nơi truyền âm phát sóng. Tôi đã phóng xe đạp đến số 51 Trần Hưng Đạo để mời nhà văn Nguyễn Tuân đến đọc bài văn; hay đến số 4 Lý Nam Đế mời nhà thơ Thanh Tịnh đến đọc bài tấu vui…

Phòng thu "dã chiến" lúc đó đặt ở tầng 1 gần cổng chính của Đài. Đúng là "bận thì bận mà vui càng vui" như lời một bài dân ca thời ấy. Chứng kiến một không gian hào hùng đầy khí phách của Hà Nội, chúng tôi không ai bảo ai mỗi người đều cố gắng viết bài hát để thể hiện tình cảm của mình và đó cũng là trách nhiệm của một công dân với thời cuộc. Một cuộc thi đua thầm lặng nhưng không kém phần sôi nổi đã diễn ra.

Anh Phạm Tuyên viết rất nhanh bài “Hà Nội những đêm không ngủ” thể hiện tình cảm của người ở lại với người đi sơ tán đang tạm xa Thủ đô. Còn anh Nguyễn An cũng vừa hoàn thành xong bài “Tiếng hát của Hà Nội hôm nay” để báo tin với quân và dân cả nước rằng, mặc cho bom đạn Mỹ tàn phá Thủ đô ta, nhưng người Hà Nội vẫn vững vàng và luôn ngân vang tiếng hát chiến đấu và chiến thắng.

Tối hôm 22/12, tôi đang ngồi nghe lại chương trình ca nhạc ngày thành lập quân đội thì Tổng biên tập Trần Lâm đến, ông hỏi đã xong được bài nào chưa? Anh Tuyên và anh An lần lượt khoe ngay và hát luôn. Ông Lâm rất vui và nhắc chúng tôi cần có thêm bài khái quát nói về trận “Điện Biên Phủ trên không” của Hà Nội ta và cũng đừng quên có thêm những bài “châm biếm” không lực Hoa Kỳ.

Các anh “phân công” luôn cho tôi viết. Tổng biên tập nói vui: “Đặt hàng đấy, cố lên nhé!”. Tôi đáp lễ bằng nụ cười “quyết tâm” nhưng không giấu được sự lo lắng về trình độ, bởi đây đâu phải là “đặt hàng” mà là “mệnh lệnh của trái tim”.

Viết châm biếm rất khó. Phải chọn được giai điệu, tiết tấu vừa vui nhộn vừa dễ hát. Phần lời cũng phải chế giễu chua cay, vận dụng được ngôn ngữ dân gian. Lúc đầu tôi định viết về B52, lấy chất liệu từ điệu “Bà Rí” (Bà rằng, Bà rí…), nhưng chất này tôi đã sử dụng trong bài “Voi nhiều, cỏ ít” rồi.

Lục lại trí nhớ hồi đi về Phú Thọ (đất Tổ Hùng Vương) thu thanh hát Xoan, hát Ghẹo, tôi bỗng nghĩ ngay đến điệu “Trống quân Đức Bác” (Trống quân, trống quýt, trống cò – Đứa nào lấy tớ, tớ cho quan tiền…). Tôi đang ngồi vào đàn để tìm những nốt nhạc dí dỏm nhất thì anh Tuyên bước vào nói như reo: “Ta bắn rơi F111 rồi!”.

Được dịp, tôi “bám” lấy nó rồi chạy vội lên phòng tin thời sự hỏi lại, mới biết tự vệ nhà máy xay Lương Yên trận địa dọc sông Hồng đã hợp đồng bắn hạ được máy bay “cánh cụp cánh xòe”. Thế là tôi “vớ” ngay bốn chữ ấy biến nó thành “cánh cụt, cánh què”. Như có động lực mới, cả lời và nhạc cùng lúc cứ thế mà “tuôn” ra:

“Cánh cụp, cánh cụp cụp với lại cánh xòe xòe

Bị đạn tầm thấp ta ghè hàng xâu

Mỹ khoe Mỹ mạnh Mỹ giàu (ái chà chà)

Cả cánh lẫn đầu xuống tận bùn đen

Giặc lái kinh hoàng mặt mũi nhọ nhem

Hễ đến đất này thì xác chúng bay nhiều thêm…”

Viết xong lời một, tôi vừa đàn vừa hát cho anh An nghe. Anh An nói nên thêm lời hai cho đủ ý và phong phú. Hễ “phang” thì phang cho “đã”. Viết mau lên để sáng mai xe giao liên đem cả 3 bài lên đoàn ca nhạc thu cho kịp. Thế là suốt đêm hôm ấy tôi hoàn thành xong lời hai:

“Cánh cụt, cánh cụt cụt với lại cánh què què

Kìa nhìn nó cháy bốn bề lửa vây

Đến đây vỡ mặt vỡ mày (ái chà chà)

Đã sẵn ruộng cày gốc rạ vùi thây

Còn đến nơi này còn chết lăn quay

Súng máy súng trường bủa lưới quyết tiêu diệt ngay!”

Tôi thở phào nhẹ nhõm, chép lại toàn bài và không quên ghi: Tốp nam hát. Sáng dậy nộp cho anh Tuyên để gửi lên Hòa Bình kịp dàn dựng.

Sáng 28/12 chúng tôi nhận được băng ghi âm 3 bài hát từ nơi sơ tán của đoàn ca nhạc gửi về. Trong chương trình ca nhạc 11h30 trưa hôm đó và các chương trình tiếp theo đã được truyền đi kịp thời trên làn sóng của Đài TNVN cùng những bài hát của các nhạc sĩ khác. Biết rằng bài hát “Cánh cụt cánh què” của tôi do nhạc sĩ Văn Cước phối khí, hai nghệ sĩ Đăng Khoa và Hữu Nội trình bày. Những mong muốn của tác giả đã được đáp ứng.

Sau chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” 20 ngày, tôi lại được lệnh cùng một bộ phận biên tập của Đài đi sơ tán cách Hà Nội hơn 300 km. Trong hành trang mang theo, tôi không quên những lá thư của thính giả đề nghị được nghe lại bài hát “Cánh cụt cánh què”. Họ động viên khích lệ, muốn tôi viết thêm những bài hát châm biếm bên cạnh những bài hát trữ tình ca ngợi.

Thấm thoắt đã 40 năm tròn sau trận “Điện Biên Phủ trên không” của quân và dân Hà Nội anh hùng, đã bắn rơi 32 máy bay của Mỹ có cả B52 và F111 trong 12 ngày đêm rực lửa.

Giữa những ngày kỷ niệm lịch sử này, xin được biết ơn những người đã ngã xuống vì Thủ đô, vì cả nước để chúng tôi được vinh dự có mặt trong ngày vui hôm nay./.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Hấp dẫn chương trình nghệ thuật 'Sức sống Trường Sa'

Tối 29/4, tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân phối hợp cùng Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tổ chức chương trình chính luận nghệ thuật mang chủ đề “Sức sống Trường Sa”. Đây là hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quần đảo Trường Sa (29/4/1975 - 29/4/2025) và 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 – 30/4/2025).

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật Lào Cai

Bảo tàng tỉnh Lào Cai phối hợp với Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức trưng bày chuyên đề lịch sử “Lào Cai thời Pháp thuộc” và Triển lãm tranh, ảnh nghệ thuật về Lào Cai. Đây là hoạt động chào mừng kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Tinh thần yêu nước đỏ thắm mạng xã hội

Những ngày tháng 4 lịch sử, cả nước hướng về kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trên khắp các nền tảng mạng xã hội cũng nhuộm màu đỏ tươi của quốc kỳ, áo cờ đỏ sao vàng hay những bản nhạc, điệu nhảy, lời ca mang tinh thần yêu nước. Mạng xã hội đang trở thành “mặt trận” lan tỏa niềm tự hào dân tộc theo những cách rất riêng.

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Vượt qua định kiến "ký ức lưu trữ"

Trong dòng chảy của điện ảnh, phim tài liệu luôn giữ vai trò như một chứng nhân lịch sử, ghi lại chân thực đời sống con người và xã hội. Tuy nhiên, ở thời đại công nghệ số, phim tài liệu Việt Nam đứng trước thách thức phải vượt qua định kiến “ký ức lưu trữ” để trở thành tác phẩm nghệ thuật sống động.

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Nghĩa Đô sẵn sàng cho Lễ hội quả Còn

Sáng 30/4 tới đây, tại xã Nghĩa Đô (huyện Bảo Yên), Lễ hội quả Còn sẽ chính thức diễn ra. Đến thời điểm này, các công đoạn chuẩn bị cho lễ hội đang được ban tổ chức và người dân gấp rút hoàn tất sẵn sàng cho sự kiện lần đầu tiên được tổ chức.

Cầu truyền hình cấp quốc gia 'Vang mãi khúc khải hoàn'

Cầu truyền hình cấp quốc gia 'Vang mãi khúc khải hoàn'

Cầu truyền hình cấp quốc gia “Vang mãi khúc khải hoàn” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/1975), sẽ diễn ra vào 20h tối nay (ngày 27/4) trên VTV1 tại 3 địa điểm Hà Nội, Quảng Trị và Thành phố Hồ Chí Minh.

Bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II

Bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II

Sau 2 ngày diễn ra sôi nổi với nhiều tiết mục đặc sắc, chiều 26/4, tại xã Pha Long, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Khương, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Lễ bế mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai năm 2025.

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025

Khai mạc Liên hoan Nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025

Với chủ đề "Biên giới là quê hương", tối 25/4, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND huyện Mường Khương tổ chức Khai mạc Liên hoan nghệ thuật quần chúng các xã, phường, thị trấn biên giới tỉnh Lào Cai lần thứ II năm 2025.

Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu lịch sử quý hiếm về ngày thống nhất đất nước

Thụy Điển trao tặng Việt Nam phim tài liệu lịch sử quý hiếm về ngày thống nhất đất nước

Nhân dịp Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 50 ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lễ trao tặng chính thức phim tài liệu Victory Vietnam (Chiến thắng của Việt Nam) cho Viện Phim Việt Nam.

fb yt zl tw