Tại cuộc họp đầu tiên trong năm 2024 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Vương quốc Anh và 9 quốc gia khác hôm qua đã cảnh báo nghiêm khắc về tình trạng bạo lực nhắm vào các tàu thương mại qua lại trên Biển Đỏ.
Trong một tuyên bố chung, các nước này cho biết: “Lực lượng Houthi sẽ chịu trách nhiệm về những hậu quả nếu họ tiếp tục đe dọa tính mạng, nền kinh tế toàn cầu và dòng chảy thương mại tự do trên các tuyến đường thủy quan trọng của khu vực”.
Trực thăng của lực lượng Houthu bay phía trên tàu chở hàng Galaxy Leader ở Biển Đỏ, ngày 20/12/2023. Ảnh: Reuters
Phát biểu phiên họp, Chris Lu, đại diện Mỹ tại Liên Hợp Quốc cho rằng tình hình đến mức báo động cần có sự phản ứng toàn cầu: “Những cuộc tấn công của Houthi đã gây ra những tác động nghiêm trọng đối với an ninh hàng hải, vận chuyển và thương mại quốc tế, đồng thời làm suy yếu tình hình nhân đạo vốn mong manh ở Yemen, cản trở nỗ lực của cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ cho hơn 21 triệu người đang gặp khó khăn. Chúng tôi cũng biết Iran đã tham gia sâu vào việc lập kế hoạch hoạt động chống lại các tàu thương mại ở Biển Đỏ, cũng như liên tục hỗ trợ và khuyến khích các hành động gây bất ổn của Houthis trong khu vực. Mối đe dọa đối với quyền và tự do hàng hải ở Biển Đỏ là một thách thức toàn cầu”.
Đại sứ Nhật Bản tại Liên Hợp Quốc Đại sứ Kazuyuki Yamazaki cho rằng, về bản chất Houthi đã cố tình leo thang các hoạt động bạo lực vì Hội đồng Bảo an đã kịp thời đưa ra cảnh báo cách đây 1 tháng, nhưng các cuộc tấn công của Houthi vẫn không giảm.
Phó đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Cảnh Sảng cũng lên tiếng kêu gọi các bên liên quan ngừng các hành động làm ảnh hưởng đến các tàu dân sự, tôn trọng và bảo vệ quyền tự do hàng hải của tất cả các quốc gia trong vùng Biển Đỏ.
Các thành viên Hội đồng Bảo an đã yêu cầu Houthi thả Galaxy Leader, một tàu chở hàng do Nhật Bản điều hành có liên kết với một công ty của Israel cùng thủy thủ đoàn bị bắt giữ vào hôm 19/11. Phiến quân Houthis hôm qua cho biết họ đang "nhắm mục tiêu" vào một tàu container đang trên đường hướng tới Israel.
Các cuộc tấn công vào tàu bè ở Biển Đỏ tiếp tục đẩy giá cước vận tải đường biển lên cao, gây ra cảnh báo về lạm phát và hàng hóa bị giao chậm. Các hãng vận tải đã chuyển hướng số hàng hóa thương mại trị giá hơn 200 tỷ USD trong vài tuần qua khỏi tuyến đường thương mại quan trọng ở Trung Đông. Điều này đã tác động nhiều mặt cho thương mại toàn cầu: Giá cước vận chuyển tăng hàng ngày, phụ phí bổ sung, thời gian vận chuyển dài hơn và nguy cơ các sản phẩm mùa xuân và mùa hè sẽ bị trễ do phải đi đường vòng quanh Mũi Hảo Vọng của Nam Phi. Thời gian di chuyển dài hơn có thể làm trì hoãn việc giao hàng hóa mùa xuân phục vụ Tết Nguyên đán ở nhiều nước châu Á diễn ra vào tháng 2 tới. Theo các chuyên gia, áp lực chuỗi cung ứng là 1 phần nguyên nhân gây lạm phát trong năm 2022 và thực trạng này có thể tái diễn nếu các vấn đề ở Biển Đỏ và Ấn Độ Dương tiếp diễn.