Căng thẳng ở Trung Đông: Lãnh đạo 9 nước EU ở Địa Trung Hải kêu gọi ngừng bắn

Các nhà lãnh đạo của 9 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) ở Địa Trung Hải, được gọi là MED9, ngày 11/10 đã kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Trung Đông và thúc giục nối lại những nỗ lực ngoại giao để giải quyết các cuộc xung đột đang diễn ra trong khu vực.

Các nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, CH Cyprus, ngày 11/10/2024.
Các nhà lãnh đạo tại cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh MED9 ở Paphos, CH Cyprus, ngày 11/10/2024.

Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi, trong tuyên bố kết thúc Hội nghị thượng đỉnh MED9 lần thứ 11 tại thành phố Paphos, CH Cyprus, các nhà lãnh đạo nhấn mạnh rằng “tình hình đang diễn ra ở Trung Đông vô cùng đáng báo động”, đòi hỏi “một lệnh ngừng bắn ngay lập tức” và nhanh chóng cung cấp viện trợ nhân đạo cho Liban.

MED9 kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và tham gia vào các nỗ lực hòa giải để xoa dịu căng thẳng. Nhóm này cũng tái khẳng định sự ủng hộ đối với tất cả các nghị quyết của Liên hợp quốc liên quan đến Trung Đông và cam kết hợp tác để tác động đến các chính sách rộng hơn của EU về các vấn đề của khu vực.

Tuyên bố cho biết thêm trong bối cảnh tình hình leo thang ở Trung Đông, xung đột Nga - Ukraine và áp lực chính trị, kinh tế và xã hội dai dẳng, định dạng hợp tác khu vực MED9 cho thấy tính hiệu quả để định hình các phản ứng của châu Âu đối với những thách thức chung.

Chủ tịch nhóm MED9 là CH Cyprus đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh có sự tham dự của các nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ của Pháp, Hy Lạp, Italy, Croatia, Malta, Slovenia và Tây Ban Nha, trong khi Bồ Đào Nha cử đại diện là ngoại trưởng tham gia. Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cũng tham dự sự kiện.

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh MED9 , Quốc vương Jordan Abdullah II đã tiến hành một loạt cuộc gặp cấp cao với các nhà lãnh đạo châu Âu, nhằm thảo luận về những nỗ lực giúp hạ nhiệt căng thẳng ở Trung Đông.

Ông Abdullah đã gặp Tổng thống CH Cypru Nikos Christodoulides, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis, Thủ tướng Slovenia Robert Golob và Thủ tướng Malta Robert Abela.

Theo hãng thông tấn Jordan (JNA), các cuộc thảo luận tập trung vào tình hình bạo lực leo thang ở Dải Gaza và Liban, trong đó Quốc vương Jordan thúc giục tăng cường nỗ lực để đạt được lệnh ngừng bắn toàn diện và chấm dứt xung đột. Ông cũng nhấn mạnh phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo nhanh chóng và không bị cản trở cho Dải Gaza.

Quốc vương Abdullah cũng bày tỏ lo ngại về tình trạng bạo lực gia tăng của những người định cư cực đoan ở Bờ Tây và các hành vi vi phạm những địa điểm tôn giáo ở Jerusalem, đồng thời cảnh báo rằng khu vực này sẽ vẫn chìm trong bạo lực trừ khi một giải pháp chính trị khả thi, dựa trên khuôn khổ hai nhà nước được áp dụng.

Ngoài tình hình khu vực, các cuộc gặp còn đề cập đến việc tăng cường và mở rộng hợp tác giữa Jordan và EU. Thái tử Hussein bin Abdullah, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng ngoại giao Jordan Ayman Safadi và các quan chức chủ chốt khác cũng tham dự các cuộc thảo luận của Quốc vương Abdullah với lãnh đạo cấp cao của các nước châu Âu.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Chính phủ Mỹ đứng trước nguy cơ vỡ nợ

Tổ chức tư vấn Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng (BPC) của Mỹ ngày 24/3 cảnh báo chính phủ nước này sẽ đứng trước nguy cơ vỡ nợ đối với một phần trong khoản nợ 36.600 tỷ USD vào giai đoạn từ giữa tháng 7 đến đầu tháng 10/2025 nếu Quốc hội không hành động để nâng trần vay nợ của Washington.

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Báo động đỏ với nền kinh tế châu Âu

Đối mặt với tăng trưởng yếu và áp lực địa chính trị, kinh tế châu Âu đang ở thời điểm quyết định. Giải pháp tăng cường cạnh tranh có thể giúp khu vực vượt qua khủng hoảng hay không?

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Ngày Khí tượng Thế giới 23/3: Cùng nhau thu hẹp khoảng cách cảnh báo sớm

Thế giới có thể thu hẹp khoảng cách tài chính cho hệ thống cảnh báo sớm và bảo đảm rằng mọi quốc gia đều có đủ nguồn lực cần thiết để tăng cường khả năng chống chịu, đồng thời bảo vệ cộng đồng trước những tác động ngày càng mạnh mẽ của thời tiết cực đoan và biến đổi khí hậu.

fb yt zl tw