Camping chốn mây ngàn

Camping chốn mây ngàn ảnh 1

LCĐT - Cắm trại (camping), đón bình minh trên đỉnh núi là kỷ niệm đáng nhớ với du khách nào đam mê chinh phục đỉnh cao và lỡ “nghiện mùi núi rừng”. Cùng ngồi cạnh nhau bên bếp lửa bập bùng giữa thiên nhiên hùng vỹ và kể cho nhau nghe về những cung đường núi uốn lượn, đón chờ những tia nắng sớm trong veo trên đỉnh mây ngàn là trải nghiệm quý giá không bao giờ có được nơi phố thị.

Một ngày cuối năm, chúng tôi nhận được lời mời của nhóm bạn trẻ đến từ Hà Nội: Chúng tôi chuẩn bị leo Lảo Thẩn, các cậu muốn nhập hội chứ? Không mất nhiều thời gian để suy nghĩ, chúng tôi đồng ý. Cả đoàn có 6 thành viên, đặt tour qua một công ty du lịch tại thành phố Lào Cai.

Camping chốn mây ngàn ảnh 2
Cung đường chinh phục đỉnh Lảo Thẩn sẽ có cảnh sắc vô cùng tuyệt vời. 

Buổi tối trước ngày khởi hành, trời âm u và có mưa lất phất. Thời tiết khá bất lợi nhưng không ngăn cản được quyết tâm của những “kẻ đam mê chinh phục và nghiện mùi núi rừng” theo cách gọi của Nga - thành viên có nhiều lần chinh phục các đỉnh núi cao. Chúng tôi vẫn quyết định lên đường để “săn” mây bồng bềnh dưới nắng sớm và ngắm sao trời, chụp ảnh Milky Way (dải ngân hà ban đêm).

Đỉnh Lảo Thẩn thuộc thôn Phìn Hồ, xã Y Tý, huyện Bát Xát, ở độ cao 2.860 m so với mực nước biển, được xếp hạng 14 trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam. Lảo Thẩn còn được mệnh danh là “nóc nhà Y Tý”. Ngọn núi này được nhiều bạn trẻ yêu thích nhờ vẻ đẹp gai góc, hùng vỹ với đỉnh nhọn và sở hữu nhiều phiến đá dốc đứng, phù hợp với những người mới tham gia bộ môn leo núi.

Camping chốn mây ngàn ảnh 3

Để bắt trọn những khoảnh khắc tuyệt đẹp của thiên nhiên, đoàn chúng tôi quyết định sẽ cắm trại qua đêm trên núi. Đoàn gần như không phải mang theo thứ gì ngoài ý chí chinh phục đỉnh cao bởi các vật dụng đã được công ty du lịch chuẩn bị sẵn. Hỗ trợ đoàn có một nhân viên của công ty du lịch và một porter (người mang đồ, dẫn đường - PV) người bản địa. Đúng 1 giờ chiều, đoàn xuất phát. Từ chân núi lên vị trí nghỉ chân đầu tiên, đường đi khá nhẹ nhàng, bằng phẳng. Càng đi, chúng tôi càng có cảm giác “lạc lối” giữa những khu rừng tái sinh bạt ngàn. Thỉnh thoảng lại thấy lác đác thân cây rừng cháy sém do người dân làm nương. Đi sâu vào rừng, khung cảnh trở nên hùng vỹ với các con dốc thẳng đứng. Cương Hà - người của công ty du lịch liên tục động viên chúng tôi trên hành trình: “Hôm nay đoàn đi may mắn vì trời nắng ráo. Nếu trời mưa và đường trơn thì độ khó còn cao hơn”. Thời tiết ủng hộ, cả hành trình chúng tôi không cần dùng đến những chiếc áo mưa mỏng mang theo bên mình.

Camping chốn mây ngàn ảnh 4
Những vật dụng đồng hành để hành trình thêm trọn vẹn. 

Sau khoảng 2 tiếng đồng hồ leo núi, chúng tôi dừng chân, cùng ngồi trên bãi cỏ xanh, áo quần dính đầy đất, cát và củi mục. Nắng vàng xuyên qua mấy tầng cây, rọi xuống lớp cỏ dại khiến “hương rừng” tỏa ra thơm đến ngây người, thứ mùi thơm cho người ta cảm giác say trong trạng thái tỉnh táo nhất.

Càng leo lên cao, những tán rừng già càng lùi lại phía sau để nhường chỗ cho bầu trời xanh trong. Những cây phong với lá đổ màu vàng đỏ xen lẫn màu xanh của rừng tống quá sủ tạo nên cảnh đẹp lạ mắt nhưng có phần hoang sơ, âm u, đầy huyền bí…

Dù đã dành một tháng trước đó để rèn thể lực và chuẩn bị tinh thần vững vàng, nhưng vì mới tham gia trekking (đi bộ đường dài khám phá, leo núi nhiều ngày - PV) nên Uyên - cô bạn nhắn tin rủ tôi, vẫn là người chốt đoàn. Những đoạn đầu Uyên còn trò chuyện khá nhiều, sau đó thì im bặt. Đến tầm hơn 3 giờ chiều, nhiều người trong đoàn bắt đầu thở gấp và chân tay bủn rủn. Các thành viên thường xuyên động viên nhau: “Gần đến nơi rồi. Qua đoạn dốc này là tới. Cố lênnnnn…!”. Lời động viên được hô to và kéo dài đã khích lệ tinh thần những người yếu nhất vượt qua mọi con dốc đứng.

Nhọc là thế nhưng bù lại khung cảnh thiên nhiên đã “chiêu đãi” chúng tôi với vẻ đẹp hiếm có giữa miền rừng cao núi thẳm. Lảo Thẩn không chỉ đẹp ngỡ ngàng bởi những cung đường hoang sơ phủ đầy dương xỉ dại, cây khô trơ trụi trên khoảng đồi rợp hoa mua tím, mà còn có những rừng cây xanh mát mắt, con suối chảy róc rách vui tai, đây đó điểm xuyết vài khóm “hoa chi pâu” lộng lẫy. Tất cả đều khiến mọi người ngỡ ngàng, say đắm.

Camping chốn mây ngàn ảnh 5
Chiêm ngưỡng biển mây trên đỉnh Lảo Thẩn là ước ao của nhiều người. 

17 giờ, đặt chân đến đỉnh Lảo Thẩn đúng lúc mây từ lưng chừng núi bị gió thổi ngược lên, chúng tôi ngồi ngắm mây nhàn tản, hô to tên từng người bạn chinh phục thành công ngọn núi. Hoàng hôn ở trên đỉnh Lảo Thẩn hôm ấy đẹp và bình yên.

Mọi người chia nhau ra dựng lều, kiếm củi nhóm lửa… trước khi màn đêm buông xuống. Đêm trên núi, nhiệt độ xuống khá thấp nên lều đều được trải tấm cách nhiệt, mỗi thành viên cũng tự trang bị thêm áo khoác ấm. Lều trại xong xuôi là cả đoàn tập trung vào nấu ăn. Đêm đó, chúng tôi cùng ngồi ăn đồ nướng, uống chút rượu ngô và chia sẻ rất nhiều về hành trình đã đi qua.

Camping chốn mây ngàn ảnh 6
“Săn” Milky Way, ngắm sao trời là một trong những động lực để đoàn chinh phục đỉnh núi. 

Càng đêm, gió núi càng lạnh. Trong những căn lều mỏng, hầu như chẳng ai muốn chợp mắt mà đều háo hức chờ sương tan để ngắm sao đêm. Vài “nhiếp ảnh gia” nghiệp dư còn chuẩn bị sẵn máy móc để “săn” Milky Way. Bỗng một người hào hứng hô to: “Ra ngắm sao đi, trời đẹp lắm!”. Mấy chị em cùng vùng dậy, mở cửa lều, khoác chăn và ngồi ngắm bầu trời đêm. Thật bất ngờ, trăng sáng vằng vặc, soi rọi cả đỉnh núi. Gần đó có vài chiếc lều của đoàn khác cũng bừng sáng. Giữa mênh mông mây ngàn, mọi người vừa ngắm sao, chụp ảnh và hít hà thật đã “mùi hương của núi rừng” rồi tranh thủ ngủ một giấc cho lại sức.

Camping chốn mây ngàn ảnh 7
Thức dậy và tận hưởng những tia nắng của ngày mới, thưởng thức bữa sáng chốn mây ngàn là điều tuyệt vời. 

Sau khoảng thời gian chìm vào giấc ngủ sâu, vài người thức dậy từ 5 giờ sáng để gom thêm củi, đun nước pha cà phê và nấu bữa sáng. Nhờ dậy sớm mà chúng tôi lại có thêm cho mình một khoảng lặng trước bình minh. Khoảng 6 giờ sáng, từng tầng mây khép kín, xếp chồng dày đặc lên nhau phủ trắng cả ngọn núi. Khi bình minh lên, những tia nắng dần xuyên qua các lớp mây dày đặc, nhuộm hồng cả một biển mây. Tất cả hòa quyện với nhau tạo nên một bức tranh bình minh trên đỉnh núi vùng Tây Bắc vừa đẹp, hoang sơ, hùng vỹ mà cũng vừa thơ mộng, ảo diệu.

Nắng lên, chúng tôi nhanh chóng thu dọn lều trại, rồi tụm lại để chụp chung một bức ảnh lưu giữ kỷ niệm. Kết thúc hành trình, đoàn xuống núi với lỉnh kỉnh đồ và tiếp tục mơ mộng về những chuyến đi kế tiếp.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Sức hút từ du lịch sáng tạo

Thay vì chỉ tham gia các hoạt động trải nghiệm “cho vui”, khách du lịch trải nghiệm có chiều sâu, học hỏi những kỹ năng, kiến thức cùng cư dân bản địa, cùng sáng tạo các sản phẩm với cư dân, nghệ sĩ, nghệ nhân địa phương. Du lịch sáng tạo tạo ra sức hút, động lực phát triển mới cho ngành du lịch và khẳng định bản sắc văn hóa của các địa phương. Đây vừa là xu hướng mới, vừa là giải pháp mà các địa phương cần triển khai, nhân rộng.

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

[Ảnh] Hòa mình cùng thiên nhiên tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên

Vườn Quốc gia Hoàng Liên nằm trên dãy Hoàng Liên Sơn kỳ vĩ, ở độ cao 1.000 - 3.000m so với mực nước biển, thuộc địa phận thị xã Sa Pa (Lào Cai) và một phần của huyện Tân Uyên (Lai Châu). Đây là điểm đến nhất định phải có trong cẩm nang du lịch của du khách khi đến với Sa Pa.

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Kiểm tra việc chấp hành quy định pháp luật về du lịch

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong đã ký ban hành kế hoạch số 2045/KH-BVHTTDL về kiểm tra công tác chấp hành các quy định pháp luật và đảm bảo chất lượng của các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú du lịch, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở giáo dục đào tạo nghiệp vụ lĩnh vực du lịch và hướng dẫn viên du lịch...

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

Xu hướng du lịch gia đình của khách Việt Nam

53% du khách Việt Nam có kế hoạch du lịch cùng gia đình, đó là thông tin theo dữ liệu từ Dự đoán xu hướng du lịch 2025 của Booking.com. Điều này cho thấy du khách Việt Nam có xu hướng dành thời gian ý nghĩa bên người thân.

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

[Ảnh] Bình yên bản làng Mường Hoa

Xã Mường Hoa (thị xã Sa Pa) có 9 thôn với hơn 1.400 hộ dân sinh sống. Nơi đây tập trung chủ yếu các thành phần dân tộc Mông, Dao, Tày, Giáy, Kinh, trong đó 95% là người Mông. Với cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng bản sắc văn hóa được gìn giữ, Mường Hoa thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm.

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Bảo Hà hướng tới đô thị du lịch tâm linh hiện đại

Tỉnh Lào Cai quan tâm đầu tư xây dựng đô thị Bảo Hà (Bảo Yên) với hạ tầng cơ sở đáp ứng phát triển du lịch. Đặc biệt, mới đây tỉnh đã điều chỉnh chương trình phát triển đô thị này đến năm 2030 để mở rộng và kết nối du lịch tâm linh liên vùng.

Sa Pa lãng mạn trong sắc hoa tầm xuân.

[Ảnh] Sa Pa dịu dàng sắc hoa tầm xuân

Sa Pa được thiên nhiên ưu đãi khí hậu mát mẻ, trong lành, là thiên đường của các loài hoa đua nhau khoe sắc. Tuy nhiên, có lẽ loài hoa dễ trồng, dễ chăm sóc nhất ở nơi đây chính là tầm xuân (hồng leo). Mùa này, bất cứ nơi đâu hay bất cứ con đường nào ở Sa Pa cũng rực rỡ sắc hoa tầm xuân. Hoa tầm xuân góp phần làm đẹp cảnh quan Khu du lịch quốc gia Sa Pa, đồng thời tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát

Sáng 5/5, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác về phát triển Dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai với Công ty TNHH Bảo tồn rừng và Du lịch sinh thái Evergreen và Công ty TNHH MTV Du lịch sinh thái bảo tồn rừng.

fb yt zl tw