Cuốn sách tập hợp 10 truyện ký. Mặc dù ngoài bìa có đề là "tập truyện ngắn", thực tế thì tác giả đã cân đối khá đều giữa chất văn và chất ký, tạo nên sự giao thoa rất có duyên và hợp lý trong tập sách này. Mỗi câu chuyện đều khai thác chất liệu từ đời sống thực, ít hư cấu. Có lẽ, tác giả cố ý để cho tỷ lệ hư cấu hình thành mạch văn. Nhiều đoạn bay bổng, diễn tả tâm trạng, cách nghĩ, cách nói, cách làm của những người dân chất phác, bình dị nhưng tâm hồn thật giàu có, nên thơ.

Những tâm huyết và trải nghiệm từ sự nghiệp giáo dục, gắn với cuộc sống đã được nhà giáo thể hiện qua những trang viết mang phong cách riêng không thể lẫn. Đọc văn của ông, về mặt ngôn ngữ, có thể thấy ông thường sử dụng một số câu ngắn gọn, kết hợp với những câu dài để tỏ bày tâm trạng nhân vật. Óc quan sát hết sức tinh tế cùng với sự am hiểu kỹ tâm lý, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng cao Lào Cai đã được đưa vào từng đoạn văn và vừa tạo nên sự thú vị, vừa như mở mang thêm cho bạn đọc về những giá trị văn hóa dân gian diệu kỳ. Vốn văn hóa đó cộng hưởng với công việc "cõng chữ lên non", tạo nên một thông điệp lớn: Tri thức dân gian bản địa được kết hợp với kiến thức khoa học sẽ tạo thành sức mạnh để xây dựng quê hương ngày thêm no ấm, văn minh. Vậy là nhà giáo chăm chỉ như con ong làm mật, chắt lọc những câu chuyện dạy và học rất cụ thể nhưng tiêu biểu, để làm chất liệu cho những truyện ký trong tập sách này. Đọc "Hoa phong lan đỏ", bạn đọc sẽ thấy câu chuyện rất cảm động về mối tình của một thầy giáo trẻ với một "bông hoa" của bản và những trắc trở của mối tình này. Điều đáng quý là tác giả đã thể hiện câu chuyện sinh động và đậm đặc văn hóa dân gian, chứng tỏ tác giả đã từng dày công quan sát và nghiên cứu: "Đám cưới người Dao, bên nhà trai phải mang đến bộ trang sức cô dâu: Bốn chiếc vòng cổ, đôi vòng tay, đôi hoa tai, đôi hàng chầu phùng" (dải trang sức bạc trước ngực). Đọc truyện, cũng có thể cảm nhận được những nghĩ suy, toan tính của người dân, đáng phải suy ngẫm, vẫn tồn tại trong cuộc sống ngày ấy: "Cán bộ chính phủ thì cưới theo đời sống mới, làm sao lo được như thế (mở cỗ đãi cả làng và làm các thủ tục). Thầy giáo chỉ có chiếc ba lô treo trên cột, mấy cuốn sách trên bàn. Thầy giáo chính phủ thì nay có giấy gọi đi chỗ này, mai lại chuyển chỗ khác…".
Ở truyện "Nả ơi", tác giả đã xây dựng được một hình tượng thân thương, đáng cảm phục về "cô giáo là người mẹ". Nhân vật Hiền, cô giáo lên bản Ngải Phóng Chồ dạy học, đã che chở những đứa trẻ mồ côi mẹ, đã biết yêu thương sâu sắc mảnh đất và con người vùng cao. Trong truyện này, nhà giáo cho thấy sự hiểu biết rất rộng của mình về người Mông ở vùng cao Lào Cai, từ nếp sinh hoạt, cách tư duy cho đến một số phong tục truyền thống. Nhưng trên hết, vẫn là cái tình nhân văn, sự đồng cảm mang tầm nhân loại giữa hai người mẹ trẻ, một người mẹ đích thực, sinh con, chăm con và một người mẹ truyền dạy kiến thức, thay thế mẹ đẻ của bọn trẻ để chăm nom chúng.
Ở một góc độ khác, tác giả đã kể lại những câu chuyện rất vui, rất sinh động và cụ thể của sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao. Những đoạn văn hóm hỉnh dưới góc nhìn của nhà giáo Cao Văn Tư không thể lẫn vào đâu được: "Chủ nhật, một đoàn vác gậy, vác rọ đi, (đi săn loài thú có hại mùa màng), dĩ nhiên là mời thầy đi cùng. Để thầy làm sĩ quan chỉ huy, nhưng thực tế thì chúng tự chỉ huy nhau và có khi chỉ huy luôn cả thầy, ra lệnh cho thầy khi vào cuộc". Đọc những đoạn này, ngoài việc hình dung ra một không khí thân tình, vui vẻ, hồn nhiên của tình thầy - trò trên những dải núi cao, còn có thể bật cười thành tiếng.
Những ký ức chưa xa của một thời khó khăn gian khổ nhưng vẫn tràn đầy tâm huyết và nghị lực để thi đua "Dạy tốt - học tốt" theo lời Bác dạy, được tác giả bỏ ra nhiều công phu để viết thành truyện ký. Nói là ký, bởi truyện có những nhân vật có tên họ đầy đủ, những tấm gương nhà giáo nhiệt huyết, những học sinh từ rừng núi đến trường nay đã có tên, có tuổi trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa địa phương. Tác giả viết với sự trân trọng và cũng là những tư liệu quý giá, có tính chất và yếu tố gần như một cuốn sử về sự nghiệp giáo dục Lào Cai vậy. Chuyện công tác giáo dục vùng cao Sa Pa, Si Ma Cai, cả chuyện vui, chuyện buồn, chuyện còn trăn trở… đều được viết như những trang phim tài liệu, là kỷ niệm mà cũng là những bài học quý trong "Những ngày ấy ươm trồng", "Chuyện một nữ trưởng ty", "Người thắp lửa"…
Trong tập sách, có truyện "Bổng trầm cùng tiếng sáo Mông", Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư viết về Nghệ sĩ Nhân dân Lương Kim Vĩnh". Viết mà như kể, kể mà lại chính là thể loại truyện. Trong tác phẩm này, tác giả đã kết hợp rất tinh tế sự giao thoa giữa văn và báo, giữa hiện thực và liên tưởng, để thành công một tác phẩm ký chân dung sâu sắc về "ông Vua sáo Mông". Mạch chuyện đi từ thời nhân vật còn trai trẻ, theo đoàn văn công của tỉnh đi biểu diễn phục vụ đồng bào các dân tộc trên rẻo cao, nhân vật cảm thụ được cái hồn và sự mê hoặc của tiếng sáo người Mông, điều đó đã thắp lên niềm say mê khám phá và quyết tâm cải tiến sáo Mông đưa vào biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, cho giá trị văn hóa Mông được nâng cao, cho cộng đồng thưởng thức nghệ thuật được thấy sự kỳ diệu của thứ âm thanh từ núi rừng thay lời muốn nói, lay động tâm hồn. Qua bao khổ công, dày sức lao động sáng tạo, nghệ sĩ đã thành công và đưa tiếng sáo Mông của Lào Cai vang xa toàn quốc, vang xa đến cả bạn bè quốc tế. Cách viết của tác giả uyển chuyển, khi thì chắc nịch từng câu để thể hiện phép ứng xử của nghệ nhân dân gian trong bản, khi thì phức hợp cả một câu dài nhiều đoạn để nói lên những trăn trở và công sức trong tư duy nghiên cứu của nhân vật. Có lẽ đây là tác phẩm tiêu biểu trong cả tập sách về mạch văn đầy nhạc tính, rất dễ cảm thụ và cuốn hút của Nhà giáo Ưu tú Cao Văn Tư.
Cuốn sách mới "Ước mơ từ thuở xa xăm" là những cống hiến thật đáng trân trọng và cảm phục của một Nhà giáo Ưu tú đã dành cả sự nghiệp và tâm sức cho công tác "trăm năm trồng người" theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu trên dải đất biên cương Lào Cai, nay lại chắt chiu khối lượng kiến thức sâu rộng về đời sống giáo dục, văn hóa của Lào Cai thành từng trang viết. Những câu chuyện trong văn của nhà giáo có buồn, có vui nhưng đầy trách nhiệm…
Tháng 9/2012