LCĐT - Với sự phát triển như vũ bão của công nghệ, những chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng... đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống. Nó không chỉ là “vật bất ly thân” của người lớn mà cả trẻ nhỏ cũng trở thành con “nghiện” của những loại thiết bị thông minh này.
“Nghiện” điện thoại
Chiếc điện thoại thông minh là cả thế giới bao la rộng lớn, đầy màu sắc, sống động thực tế ngoài kia và được thu nhỏ lại trong chiếc màn hình vuốt tay nên có sức hút làm cho trẻ con cứ chìm sâu vào mà không có cách nào thoát ra được. Nó nhỏ gọn cho nên có thể được sử dụng ở mọi lúc mọi nơi, trong gia đình, quán ăn sáng, quán nước. Chúng ta có thể bắt gặp những hình ảnh đứa trẻ từ 1 tuổi trở lên ngồi say mê dán mắt vào điện thoại xem những video clip, chơi game hay sử dụng ứng dụng thông minh...
![]() |
Điện thoại di động là “bảo mẫu” bất đắc dĩ với trẻ nhỏ. |
Chị Lý Thị Mười ở tổ 1, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) có con đang học lớp mẫu giáo 3 tuổi cho biết: Con mình cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, trừ lúc đi học, nếu về đến nhà ít khi cháu hỏi các thành viên trong gia đình, nhiều lúc tự ý lấy điện thoại ra sử dụng. Có những lúc hạn chế cho cháu dùng, không cho mượn thì cháu bứt rứt, khó chịu, không chịu ăn, quấy khóc đến khi nào cầm được điện thoại mới thôi. Những cuộc thương lượng của mình với cháu trước đây “ngoan đi mẹ cho xem điện thoại” thật sai lầm.
Chị Mười cũng như rất nhiều bậc cha mẹ thời nay vì bận rộn công việc, hoặc những lúc bận nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa đành chấp nhận đưa chiếc điện thoại cho con trẻ sử dụng đến khi làm xong công việc. Thậm chí, có những đứa trẻ dùng cả tiếng đồng hồ bảo cất điện thoại đi để ăn cơm mà vẫn còn mặc cả “Nếu không được xem điện thoại con không ăn”. Chiếc điện thoại gây “nghiện” đến mức cuốn hút sự tập trung của trẻ, có lúc gọi trẻ hai đến ba lần mà không phản ứng gì mà chỉ tập trung vào chiếc điện thoại, bỏ quên tất cả mọi thứ xung quanh.
Ảnh hưởng rất lớn từ điện thoại
Chị Trần Thu Hà ở phường Bắc Cường, thành phố Lào Cai có con mới hơn 4 tuổi nhưng đã biết dùng điện thoại rất thành thạo. Chị Hà tâm sự: Lúc tầm 1 tuổi, do cháu lười ăn nên tôi đã làm đủ mọi cách để dỗ cháu. Khi cho cháu xem clip thiếu nhi trên mạng, cháu ăn luôn... Kết quả là tạo thói quen không tốt cho cháu, đến bây giờ cháu không rời được chiếc điện thoại. Mỗi ngày tiếp xúc với điện thoại 2 đến 3 giờ liên tục. Những ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật, không rời mắt khỏi điện thoại.
Mấy tháng gần đây, chị Hà thấy con có biểu hiện không bình thường, cứ nghiêng đầu, hai mắt nheo nheo, dụi nháy mắt liên tục. Con thường kêu nhức đầu, chảy nước mắt. Khi xem điện thoại thấy con để sát mắt hơn lúc trước. Dù đã khuyên bảo con mình nhưng cháu vẫn không nghe. Nhiều lần mua thuốc về nhỏ cho con nhưng không khỏi, chị Hà quyết định cho con đi khám thì bác sỹ cho biết “cháu bị cận do xem quá nhiều điện thoại”. Cùng cảnh đi khám với con chị Hà có nhiều trường hợp tương tự, trong đó có nhiều trẻ do sử dụng điện thoại nhiều thường có những biểu hiện tâm trí không bình thường, phát triển chậm, tự kỷ, nói lắp...
Anh Nguyễn Mạnh Hưng, 43 tuổi, cũng ở thành phố Lào Cai cho biết: Những chiếc điện thoại thông minh đang dần làm mất đi tuổi thơ tươi đẹp của trẻ. Trẻ em bây giờ không như mình ngày trước, rất lười vận động. Tôi nhớ lúc mình còn nhỏ những ngày được nghỉ học thường tụ tập trẻ em ở cùng xóm thành một nhóm hòa đồng cùng nhau chơi các trò chơi dân gian, buổi chiều ra sân bóng đá, có lúc đông người đá phải đợi mãi mới đến lượt. Bây giờ đi qua sân bóng vắng tanh, chỉ nhìn thấy thế hệ trẻ bây giờ ngồi trong nhà sử dụng smartphone, thích chơi điện thoại hơn chơi với bạn bè nên rất dễ bị trầm cảm và sống ảo.
Cai “nghiện” điện thoại cho con như thế nào?
Một số phụ huynh khuyên rằng cha mẹ không nên cho trẻ dùng điện thoại và hạn chế sử dụng điện thoại trước mặt con cái. Nên chăng, các bậc cha mẹ dành thời gian chơi với trẻ, cùng con học bài? Nhất là phải nghiêm khắc cũng như cần giải thích cho con hiểu tác hại của việc sử dụng điện thoại quá mức. Nên khuyên bảo và định hướng cho con ý thức thói quen sử dụng điện thoại thông minh hợp lý, khoa học hơn. Bên cạnh đó, cần tạo sân chơi cho trẻ tham gia các trò chơi vận động như: Võ thuật, bơi, múa, hội họa, đưa trẻ đi dã ngoại, thăm họ hàng gia đình... sẽ giúp trẻ không còn nhiều thời gian dành cho các thiết bị thông minh và mang lại sức khỏe, thể trạng tốt cho trẻ.
Các bậc cha mẹ không nên coi điện thoại là “bảo bối” để dỗ trẻ hoặc biến điện thoại thành người “bảo mẫu” bất đắc dĩ như cách mà nhiều gia đình trẻ hiện đại đang làm như hiện nay.