Thách thức sự kiên nhẫn của Ukraine và phương Tây
3 tháng kể từ Ukraine tiến hành phản công, Nga vẫn có thể kiểm soát phần lớn các vị trí của mình. Họ tổ chức lại các đơn vị tiêu hao để tạo thành các đơn vị mới và chuyển từ các cuộc tấn công càn quét sang củng cố hệ thống phòng thủ vững chắc trên tiền tuyến. Điều đó cho thấy bất chấp một vài tổn thất, Nga sẵn sàng chiến đấu trong một thời gian dài và chờ đợi đến khi sự hỗ trợ của phương Tây cho Ukraine suy giảm.
Nhà quan sát Adam Taylor nhận định trên Washington Post rằng, hệ thống phòng thủ được tổ chức tốt của Moscow đánh dấu sự quay lại học thuyết quân sự có từ lâu và là một sự dịch chuyển so với những ngày đầu xung đột nổ ra, thời điểm Nga phân tán lực lượng quá rộng trong những cuộc tiến công vào các vùng lãnh thổ mà họ không thể chiếm giữ hoặc phải trả bằng một cái giá đắt.
"Đây là một minh chứng cho sự thích nghi. Họ đang sử dụng kinh nghiệm của mình trong cuộc xung đột này", Ian Matveev, một nhà phân tích về quân sự Nga cho hay.
Trong khi các lực lượng của Ukraine chỉ đạt được thành quả hạn chế trong cuộc tiến công nhằm chia cắt hành lang trên đất liền của Nga với Bán đảo Crimea thì các nhà phân tích nhận định, nguồn cung vũ khí phương Tây cũng như nhiều tháng huấn luyện của NATO đã không mang đến thành công lớn cho Ukraine như kỳ vọng và Kiev phải tiếp tục dựa vào chiến thuật cũ, đó là nã pháo vào các vị trí của Nga.
Bên cạnh đó, cuộc tấn công mới của Nga vào thành phố Kupiansk cho thấy Moscow vẫn có thể tiến công. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cuộc tấn công này có thể được hiểu là một phần của chiến lược phòng thủ nhằm ngăn cản Ukraine tập trung lực lượng ở phía Nam.
Chiến thuật tổ chức lại lực lượng của Nga
Bộ Quốc phòng Anh ước tính, vào mùa xuân, Nga có thể huy động số lượng quân đội tương đương với thời điểm bắt đầu tiến hành chiến dịch quân sự: khoảng 200.000 quân, chia thành 70 trung đoàn và lữ đoàn, được tổ chức theo 5 khu vực hành chính, bảo vệ tiền tuyến trải dài hơn 1.000 km.
Theo ước tính gần đây của Ukraine, khoảng một nửa binh lính Nga tập trung ở phía Đông Bắc, cách xa trung tâm của cuộc phản công hiện nay.
Trước xung đột, Ukraine có khoảng 250.000 binh lính và có kế hoạch mở rộng lực lượng. Các quan chức Mỹ và châu Âu ước tính, cả Nga và Ukraine đều đối mặt với thương vong lớn.
Lý thuyết quân sự truyền thống cho thấy lực lượng tiến công ít nhất cần gấp 3 lần lực lượng phòng thủ để đạt được thành quả.
"Tuy nhiên, trong tình hình này, với hệ thống phòng thủ được chuẩn bị kỹ lưỡng, chúng ta cần hơn gấp 3, có thể là tỷ lệ 6:1 hoặc 10:1", Mark Cancian, chuyên gia quốc phòng tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược có trụ sở tại Washington cho hay.
Quân khu miền Nam của Nga, chịu trách nhiệm chính bảo vệ các vùng lãnh thổ ở khu vực Zaporizhzhia có tầm quan trọng chiến lược, được giữ lại vào đầu cuộc phản công và có khả năng đối phó với cuộc phản công của Ukraine bằng lực lượng mới nhưng giàu kinh nghiệm. Các binh lính này đã dành nhiều tháng để "đào hào, chuẩn bị chính xác cho từng chiến dịch phòng thủ", Karolina Hird, nhà phân tích về Nga tại Viện Nghiên cứu Chiến tranh nhận định.
Quân khu miền Nam, phụ trách khu vực giáp với Ukraine và Gruzia, là lực lượng có nhiều sáng kiến và chiến đấu hiệu quả hơn các quân khu khác, Charles Bartles, nhà phân tích về Nga tại Văn phòng Nghiên cứu Quân sự nước ngoài - một trung tâm nghiên cứu tại Fort Leavenworth, Kansas đánh giá
Nga đã điều lữ đoàn súng trường cơ giới gồm khoảng 8.000 bộ binh cùng với vũ khí hạng nặng như xe tăng và pháo tới bảo vệ các tiền tuyến ở phía Nam. Theo các phân tích nguồn mở, lực lượng phòng thủ của Nga bao gồm các đơn vị chưa có kinh nghiệm kết hợp với các lực lượng tinh nhuệ.
Lữ đoàn Súng trường Cơ giới 64, một phần của Đội quân 35 thuộc Quân khu miền Đông được cho là đã xuất hiện ở lớp phòng tuyến đầu tiên gần Orikhiv.
Nga đã sử dụng các đơn vị thuộc lực lượng đặc biệt khi cần nhanh chóng bổ sung binh lực. Một số binh lính từ những nhóm này được chở bằng máy bay tới tiền tuyến khi cuộc phản công của Ukraine bắt đầu diễn ra.
Chìa khóa của hệ thống phòng thủ Nga
Thậm chí vào năm ngoái, các lực lượng của Nga "vẫn nghĩ rằng họ có lẽ sẽ tiếp tục tấn công và kiểm soát thêm lãnh thổ của Ukraine. Tuy nhiên, hiện nay, họ đang củng cố những gì mình giành được", chuyên gia Mark Cancian cho hay.
Tại Zaporizhzhia - tâm điểm của cuộc phản công, các lực lượng của Moscow không giành thêm lãnh thổ mà tập trung vào xây dựng hệ thống phòng thủ nhiều lớp.
Mục tiêu của các phòng tuyến mà Nga xây dựng là làm chậm và làm tiêu hao các lực lượng của Ukraine. Thậm chí cả khi Kiev vượt qua tiền tuyến, họ vẫn phải đối mặt với các lực lượng mới của Nga được bố trí ở lớp phòng tuyến thứ hai hoặc thứ ba.
Các bãi mìn dày đặc là một phần quan trọng trong phòng tuyến của Nga. Moscow đã sử dụng hệ thống đặt mìn ISDM Zemledeliye có thể rải mìn từ tên lửa, cho phép nhanh chóng đặt lại mìn trong các khu vực đã được dọn sạch và sử dụng các chiến hào được cài mìn cũng như các bãi mìn chồng lên nhau để bẫy lực lượng tiến công.
Các đơn vị pháo binh Nga cũng đóng vai trò then chốt trong phòng thủ, được đánh giá là giàu kinh nghiệm, khi có thể xác định các mục tiêu mới và tiến hành các cuộc tấn công chỉ trong một vài phút.
Giới quan sát cho rằng, Moscow có thể tiếp tục duy trì khả năng chiến đấu trong cuộc xung đột tiêu hao, chờ cho tới khi làm cạn kiệt nguồn lực của Ukraine hoặc các nước phương Tây mất hết kiên nhẫn. Trong khi đó, một số quan chức Ukraine nhận định, Nga vẫn chưa từ bỏ việc giành thêm lãnh thổ và Kupiansk chỉ là khởi đầu.