Mỹ và các đồng minh tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid đã thừa nhận rằng họ không thể đáp ứng yêu cầu cung cấp vũ khí khẩn cấp theo khung thời gian mà Kiev đưa ra.
Ukraine muốn thắng ngay, phương Tây vẫn tiếp tục chờ đợi
Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo châu Âu đã gặp nhau tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha để thể hiện sự ủng hộ cho Ukraine trong cuộc chiến với Nga. Tuy nhiên, đằng sau những tuyên bố đoàn kết là sự chia rẽ giữa các nước phương Tây về những bước đi tiếp theo trong cuộc xung đột này.
Tổng thống Joe Biden và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg.
Bất chấp sự mở rộng sắp tới của NATO và những cam kết sẽ tiếp tục cung cấp số lượng lớn vũ khí cho Ukraine, sự bất đồng giữa các nước phương Tây ngày càng lớn về việc cuộc chiến ở Ukraine sẽ kéo dài bao lâu và mức độ các chính phủ phương Tây sẵn sàng hỗ trợ Ukraine giành chiến thắng.
Các nhà lãnh đạo Ukraine đang hối thúc phương Tây cung cấp nhiều vũ khí hơn do lo ngại nếu không tiến hành một chiến dịch lớn, Nga sẽ tận dụng những tháng mùa đông để củng cố các khu vực mà lực lượng này kiểm soát ở Donbass.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo phương Tây dường như đã sẵn sàng chuẩn bị cho một cuộc chiến lâu dài khi cho rằng việc tăng cường cung cấp đạn dược và chương trình huấn luyện cho Ukraine sẽ kéo dài ít nhất là tới năm sau.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ Bild của Đức, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói, NATO phải chuẩn bị cho tình huống cuộc chiến Nga - Ukraine sẽ kéo dài nhiều năm.
Một nhà ngoại giao phương Tây nhận định với báo giới trước Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid rằng: "Chúng ta cần suy nghĩ dài hạn, vượt ngoài những gì diễn ra trước mắt chúng ta hiện nay. Chúng ta phải suy nghĩ nhiều cho giai đoạn năm tới và ngoài năm tới cũng như những gì Ukraine cần để giành lại thế chủ động" vào mùa xuân năm sau.
"Ukraine càng sớm đảo chiều cuộc chiến trước Nga càng tốt", nhà ngoại giao này nhận định nhưng không đưa ra các mốc thời gian rõ ràng.
"Liệu điều đó có diễn ra trước mùa đông hay không, chúng tôi không thể dự đoán nhưng hiện chúng tôi đang tìm cách cung cấp cho họ vũ khí họ để nối lại các chiến dịch tấn công khi thời tiết ấm lên".
Đó cũng chính xác là những gì Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đánh giá ngày 27/6. Phát biểu trước các nhà lãnh đạo G7, Tổng thống Zelensky cho biết ông cần thêm sự hỗ trợ quân sự để đẩy lùi quân đội Nga trước mùa đông này.
Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan dường như tán thành với thông điệp đó khi nhận định với báo giới trong Hội nghị Thượng đỉnh G7 ở Bavaria, Đức rằng Tổng thống Zelensky "đang tập trung chủ yếu vào việc cố gắng đảm bảo Ukraine sẽ có lợi thế trên chiến trường nhiều nhất có thể trong tháng tới chứ không phải trong năm tới bởi ông ấy tin rằng một cuộc chiến kéo dài không nằm trong lợi ích của người dân Ukraine".
Chiến lược của Tổng thống Zelensky tập trung vào việc hối thúc phương Tây tăng cường nhịp độ hỗ trợ cho Ukraine cả về mặt tài chính và quân sự chứ không phải để "mọi thứ kéo dài không xác định".
Tuy nhiên, Mỹ và các nhà lãnh đạo phương Tây tại Hội nghị Thượng đỉnh NATO ở Madrid đã thừa nhận rằng họ không thể đáp ứng những yêu cầu cấp bách theo khung thời gian của Kiev. Phương Tây cũng thừa nhận mặc dù Nga đối mặt với tổn thất lớn về lực lượng và trang thiết bị trong 4 tháng chiến tranh nhưng các lực lượng của Ukraine cũng chịu thương vong nặng nề. Điều đó khiến cả 2 bên đều gặp nhiều khó khăn trong việc tiến hành bất kỳ chiến dịch lớn nào cũng như đạt được thành quả trên thực địa.