Tham gia hội nghị tại điểm cầu tỉnh Lào Cai có đồng chí Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh.
Theo báo cáo tại hội nghị, tính đến ngày 20/10/2024, cả nước có 6.320/8.162 xã (77,4% tổng số xã) đã được Chủ tịch UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; 2.182 xã (34,6%) đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 480 xã (7,6%) đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Có 296 đơn vị cấp huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm 45,96% tổng số đơn vị cấp huyện của cả nước); có 11 huyện (5%) được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Cùng với đó, cả nước đã có 14.085 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó 72,1% sản phẩm 3 sao, 25,8% sản phẩm 4 sao, 2,1% sản phẩm 5 sao và tiềm năng 5 sao.
Dự kiến đến hết năm 2024, cả nước có khoảng 79 - 79,5% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (cơ bản hoàn thành mục tiêu được giao; đạt 99% mục tiêu phấn đấu đến năm 2025).
Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Lào Cai có 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 62 xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2024, tỉnh Lào Cai phấn đấu có 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 3 xã khó đạt chuẩn); 7 xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (có 1 xã khó đạt chuẩn); 2 đơn vị cấp huyện tiếp tục duy trì đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận, chỉ ra một số hạn chế trong công tác xây dựng nông thôn mới, như: nhiều địa phương còn chậm ban hành các văn bản hướng dẫn của trung ương, chậm giải ngân vốn ngân sách trung ương, triển khai các mô hình chỉ đạo điểm thuộc các chương trình chuyên đề rất chậm; kết quả đạt chuẩn xã nông thôn mới của một số vùng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn; phong trào xây dựng nông thôn mới ở một số địa phương có dấu hiệu chững lại; sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội ở một số địa phương chưa thực sự quyết liệt…
Đồng thời, đề xuất một số giải pháp để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới, gồm: đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức truyền thông về nông thôn mới và các chương trình chuyên đề thông qua giới thiệu các cách làm hay, sáng tạo ở các địa phương; nhân rộng các điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua, chung sức xây dựng nông thôn mới; nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới để có đủ năng lực tham mưu, nhất là về cơ chế, chính sách; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị để tổ chức, triển khai thực hiện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới hiệu quả hơn…
Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình ở tất cả các cấp, ngành để hoàn thành các mục tiêu về xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2024 theo đăng ký. Đồng thời, đẩy mạnh thực hiện, nâng cao chất lượng thẩm định địa phương đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các địa phương khẩn trương hoàn thành phê duyệt chi tiết dự án, đề án, kế hoạch thực hiện các mô hình thí điểm thuộc các chương trình chuyên đề để có cơ sở bố trí nguồn lực và tổ chức triển khai, thực hiện ngay trong năm 2024. Ưu tiên bố trí đủ nguồn vốn ngân sách Trung ương, vốn đối ứng của địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp khác để thực hiện các mô hình thuộc chương trình. Thực hiện hiệu quả, đồng bộ các giải pháp huy động nguồn lực, trong đó huy động tối đa nguồn lực của địa phương để triển khai xây dựng nông thôn mới…
Bộ trưởng Lê Minh Hoan yêu cầu Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp thu các ý kiến tại hội nghị, đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng nông thôn mới của các địa phương.