Có trường lấy điểm sàn chỉ 12 cho ba môn - tức 4 điểm mỗi môn. Vậy là chỉ cần... “dưới trung bình một chút” cũng đủ nộp hồ sơ đại học. Có vẻ dễ thở, nhưng liệu đó có thực sự là con đường vào đại học, hay là chiếc bẫy mồi ngọt?

Điểm sàn - về bản chất - chỉ là mức điểm tối thiểu để một trường nhận hồ sơ đăng ký nguyện vọng, không phải điểm trúng tuyển. Nhưng mỗi mùa thi đến, vẫn có hàng vạn thí sinh - và cả phụ huynh - ngộ nhận rằng cứ thấy điểm sàn thấp là có cửa vào trường. Không ít người mừng hụt khi điểm chuẩn sau cùng vọt lên cao hơn điểm sàn 5-6 điểm, có ngành thậm chí chênh tới 8 điểm. Đăng ký rồi, hy vọng rồi, rồi lại... trượt trong tiếc nuối.
Năm nay, phổ điểm thấp, đề thi phân hóa mạnh, khiến nhiều trường đại học lo lắng thiếu nguồn tuyển. Thêm vào đó, các trường top trên mở rộng chỉ tiêu, trường quân đội tuyển sinh trở lại hệ dân sự... tạo ra sức ép cạnh tranh lớn. Để không bỏ sót thí sinh, hàng loạt trường đã “quăng lưới” thật rộng – công bố mức sàn thấp chưa từng thấy
Và thế là, trước mắt thí sinh là một trận đồ... điểm sàn “ảo”. Trường nào cũng rao mời, ngành nào cũng tung chiêu, kể cả những ngành hot như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, thiết kế đồ họa, luật, truyền thông… Điểm sàn tụt từ 24 còn 18, từ 20 còn 15. Trường công, trường tư, trường tên tuổi hay non trẻ - tất cả đều chen nhau giành chỗ trong cuộc chiến giữ ghế sinh viên.
Nhưng có một câu hỏi cần phải đặt ra: Nếu 4 điểm/môn mà cũng là “sàn”, thì đại học còn giữ lại được gì là “chất”?
Những năm trước, các ngành đặc thù như sư phạm, y dược, thậm chí ngành chip bán dẫn đều yêu cầu điểm cao, khắt khe. Nhưng giờ đây, không ít trường cũng hạ điểm để “đủ chỉ tiêu”. Vậy lấy gì để đảm bảo chất lượng đào tạo, lấy gì để nuôi dưỡng nguồn nhân lực mũi nhọn?
Giấc mơ đại học là điều chính đáng. Nhưng nếu giấc mơ ấy được đánh đổi bằng sự dễ dãi đầu vào, thiếu trung thực trong kỳ vọng, thì chính các em sẽ là người trả giá – bằng bốn năm mòn mỏi với ngành không phù hợp, bằng tấm bằng ít giá trị, bằng khoảng thời gian thanh xuân lạc hướng.
Đại học không phải là nơi để “chạy trốn thất bại” của một kỳ thi. Cũng không phải là nơi để xã hội đổ dồn áp lực vào tuổi 18 chỉ vì một tấm vé gọi là “sinh viên”. Đại học, suy cho cùng, chỉ là một trong nhiều con đường đi đến trưởng thành - và con đường nào cũng đòi hỏi nỗ lực thật sự.
Điểm sàn không xấu - nó chỉ xấu khi bị hiểu sai, bị tận dụng sai. Và vì thế, mỗi thí sinh cần tỉnh táo. Đừng “mắc bẫy” những con số thấp một cách bất thường. Hãy xem xét, đối chiếu dữ liệu điểm chuẩn thật năm trước. Và quan trọng nhất - chọn ngành, chọn trường vì đam mê và năng lực, không phải vì “điểm đủ để vào”.
Bẫy điểm sàn ngọt ngào có thể khiến người ta lạc lối. Nhưng nếu tỉnh táo, người trẻ hoàn toàn có thể bước qua nó - không phải bằng bước nhảy điểm số, mà bằng tầm nhìn và sự hiểu biết.