Văn hóa của người Hà Nhì có nhiều nét đặc sắc, đặc biệt các làn điệu dân ca, các điệu múa của người Hà Nhì như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm nhưng vẫn lưu truyền được di sản văn hóa truyền thống của riêng mình.
Dân ca của người Hà Nhì gồm hát đồng dao A đù lu (những bài hát gắn với các trò chơi dân gian của thanh, thiếu niên), hát nghi lễ, hát chúc tết Ga tho tho, hát múa Ba sa ma (đón trăng), hát giao duyên, hát mười hai tháng, hát tết, hát tình bạn, hát mời rượu, hát về nguồn cội Hà Nhì... Có thể hát đơn hoặc hát tập thể, khi hát có nhiều bài dùng nhạc cụ đệm nhạc để bài hát thêm hay và sinh động hơn.
Về nhạc cụ, người Hà Nhì ở Lào Cai thường sử dụng những nhạc cụ đặc trưng như đàn tròn “hót tơ”, sáo dọc, sáo ngang, nhị và tù và. Thực ra, người Hà Nhì Đen rất khéo léo về chế tạo, sử dụng những gì thiên nhiên để làm nhạc cụ, ví dụ tiêu biểu nhất là kèn lá; sáo “phi sư” (một loại sáo có sáo ngắn sáo dài, trong đó, sáo ngắn có 4 lỗ hình vuông, mỗi một lỗ cách khoảng 2,5cm, dài khoảng 17cm, đường kính 0,8cm, hai đầu không bịt), đàn nhị “sư vư” (có hai dây nhị bằng tơ, nilon, dài khoảng 80cm, 89cm, hai trục dây, một cần nhị, một bát nhị, tất cả bộ phần nhị làm bằng gỗ) chỉ cần biết sự lựa chọn mảnh lá không quá già không quá tươi, người đàn ông Hà Nhì Đen dễ tạo nhạc cụ kèn lá thiên nhiên bằng lá cây. Tuy nhiên, chiếc đàn tròn - hay còn gọi là Hó tơ với người Hà Nhì chiếm vị trí khá đặc biệt và quan trọng trong đời sống người dân nơi đây. Tiếng đàn thường được ngân lên vào dịp lễ Tết đầu năm, Lễ hội cầu mùa… Những dịp ấy, đàn ông Hà Nhì lại mang đàn Hó tơ ra tấu lên những bản nhạc tươi vui mừng năm mới. Chính vì thế, nhạc cụ này được đồng bào Hà Nhì gìn giữ, bảo tồn nguyên vẹn đi cùng năm tháng với di sản dân ca dân vũ, làm nên nét độc đáo riêng có của đồng bào dân tộc Hà Nhì.
Tiếng đàn Hó tơ vang lên cùng với làn điệu dân ca, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giáo dục con cháu lễ phép, hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, dạy đạo lý làm người. Có thể nói, mỗi người Hà Nhì từ khi sinh ra và lớn lên, đều được nghe ông, bà hoặc người cao niên trong bản đệm đàn Hó tơ để hát dân ca trong những dịp lễ hội quan trọng, như Tết Ga tho tho, lễ hội Khô Già Già...
Những nhạc điệu và múa dân tộc Hà Nhì đen ngoài những bài hát bày tỏ tình cảm đôi lứa, hay là hát ru con, hầu hết là không thể tách ra với lễ hội mình. Người phụ nữ Hà Nhì tổ chức múa vui mang tính nghi lễ. Những người tham gia múa là các phụ nữ đã có gia đình, vừa đi vừa múa, hát bài hát cầu mùa khi đến Lễ hội Khô Già Già. Nhạc điệu của bài hát cũng chính là nhịp điệu cho vòng múa. Như lời bài “A Đủ Lư” bài này vừa hát vừa múa để ca ngợi vụ lúa bội thu, cầu mong cho lúa luôn sai bông chắc hạt. Xem lời bài, có thể thấy được bài hát này sử dụng cách liên vần ở cuối câu tạo nên nhịp điệu như bàn tay người đang gặt lúa, tạo lên tính hình tượng và tính nhạc điệu. Bài này chính là bài dân ca cổ truyện của người Hà Nhì đen.
Bên cạnh đó, các loại điệu múa như múa trùm chăn, múa “oóc ga gừ”, khuôn múa “Lu đi múa”, múa “đua tu nữ”, múa gọi lúa “A đù lu chế” mang ý nghĩa liên hoan. Bài dân ca truyền thống của người Hà Nhì đen được lưu truyền đến nay ngoài bài này thì chỉ có bài “À Phì Bath’la ma” diễn đạt cuộc sống bình thường của người Hà Nhì Đen, và người dân xưng hô mặt trăng là bà “à phì” để bày tỏ tình cảm thân thiết với mặt trăng và ca ngợi mặt trăng, với sự phát triển kinh tế hiện nay, so với ngày xưa mức sống đã nâng cao nhiều, nên múa trùm chăn cũng dần mất đi.
Trò chơi dân gian của người Hà Nhì Đen luôn có thể tìm được trong lễ Khô Già Già, là cầu bập bênh và cây đu. Cầu bập bênh (một loại đu quay trên cầu gỗ) và đu dây này lại không những giải thích một cách đơn giản là trò chơi mà còn tượng trưng cho tín ngưỡng phồn thực trong quan niệm người Hà Nhì Đen. Cầu bập bênh và cây đu được sửa lại hay làm lại vào ngày Ngọ “Mò no” tháng sáu âm lịch trong lễ tết Khô Già Già. Trò chơi cầu bập bênh và dây đu phải được cúng lại và hai thầy cúng “gạ ma gạ guy” chơi xong mới dành cho người dân chơi, mà ở đây hai thầy cúng cũng đại diện cho “vợ chồng” để diễn tả tình cảm, nên trò chơi này cũng thường dành cho thanh niên nam nữ để giao duyên tại đây, mang cầu mong của Hà Nhì Đen là sinh sôi nảy nở.
Ngày nay, trong điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, giao lưu văn hóa, giá trị văn hóa truyền thống của người Hà Nhì đang đứng trước những nguy cơ bị mai một. Những năm gần đây một số tín ngưỡng dân gian, nghi thức cúng tế, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi thức trong lễ cưới, tang ma… đang dần bị biến đổi, mai một. Nhu cầu vui chơi giải trí và hưởng thụ các giá trị văn hóa cũng có nhiều biến đổi. Trong các dịp lễ tết, trai gái ít hát đối, hát giao duyên bằng các làn điệu dân ca, dân vũ của dân tộc.
Những năm qua, việc phát hiện, bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng, phát hiện những giá trị mới về văn học - nghệ thuật của các dân tộc thiểu số vẫn luôn được coi trọng. Đảng, Nhà nước đã có những chính sách nhằm bảo tồn văn hóa dân tộc, từ Trung ương đến địa phương trong đó bảo tồn dân ca dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch là một trong những nội dung được quan tâm. Dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc là thành phần không thể thiếu, góp phần quan trọng hình thành bản sắc văn hóa Việt Nam, độc đáo và đa dạng trong sự thống nhất, góp phần vào xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Nhằm giữ gìn, phổ biến, trao truyền và phát huy những giá trị đặc sắc về dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số; nâng cao nhận thức và lòng tự hào, ý thức tự giác của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ngày 22/12/2021 Bộ VHTTDL đã ban hành quyết định 3404/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030”. Đồng thời, tổ chức xây dựng, khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số trở thành sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội tại các địa phương.
Bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì xã Y Tý.
Để Triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” của Bộ VHTTDL tỉnh Lào Cai đã ban hành Kế hoạch 246/KH-UBND “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2030” trên địa bàn tỉnh, năm 2023.
Theo đó, Mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ truyền thống dân tộc Hà Nhì tại xã Y Tý, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai được tổ chức trong Quý III năm 2022, với sự tham gia 7 nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng là chủ thể văn hóa trực tiếp truyền dạy và 73 học viên dân tộc Hà Nhì. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hỗ trợ trang thiết bị, nhạc cụ, đạo cụ phục vụ xây dựng mô hình bảo tồn, phát huy dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống dân tộc Hà Nhì, nhằm phục vụ công tác bảo tồn và tuyên truyền, quảng bá dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của dân tộc.
Thôn Choản Thèn, xã Y Tý Toàn thôn hiện có 57 hộ gia đình với 323 nhân khẩu, trong đó 100% là người Hà Nhì Đen là một trong những làng bản được lựa chọn điểm để triển khai hỗ trợ khôi phục bản sắc văn hóa của người Hà Nhì, phát triển du lịch cộng đồng. Ngày 7/6/2021, UBND tỉnh Lào Cai ban hành Quyết định số 1926/QĐ-UBND công nhận thôn Choản Thèn, xã Y Tý, huyện Bát Xát là điểm du lịch, một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của bảo tồn và phát triển thôn Choản Thèn trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch của Lào Cai..
Nơi đây văn hóa truyền thống được đồng bào Hà Nhì giữ gìn khá nguyên vẹn như: các lễ hội, các nghi lễ, dân ca, dân vũ, trang phục và nghề truyền thống. Với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, kiến trúc độc đáo, văn hóa truyền thống giàu bản sắc, người Hà Nhì nơi đây đã đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng (homestay). Phải kể đến Homestay "Hà Nhì House" của gia đình anh Sần Thó Mừ ở thôn. Với vốn đầu tư gần 1 tỷ đồng, anh Mừ xây dựng homestay theo đúng kiểu nhà truyền thống, bên trong trang trí tranh, ảnh về dân tộc. Từ khi làm du lịch, gia đình anh Mừ có thu nhập ổn định khoảng 15 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với làm nông nghiệp trước đây. Hay những buổi chợ phiên Y Tý họp vào thứ 7 hằng tuần tại trung tâm xã, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến mua sắm, khám phá nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc.
Qua việc tuyên truyền, hỗ trợ của các ngành chức năng, lớp trẻ cũng đã hiểu và tích cực giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của cha ông để phát triển du lịch. Hiện nay, trong thôn bản có một đội múa do Hội LHPN xã thành lập vẫn đang được duy trì.
Khôi phục và bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng bào dân tộc Hà Nhì ở vùng cao Bát Xát, Lào Cai tự hào đã có 3 di sản được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia đó là: Lễ hội cầu mùa Khô già già, Lễ hội Gạ Ma Do và Tri thức dân gian trong canh tác ruộng bậc thang. Văn hóa truyền thống phong phú và đa dạng đang được đồng bào Hà Nhì ngày nay trân trọng giữ gìn. Có sự quan tâm, hỗ trợ của các ngành chức năng và chính quyền địa phương, đồng bào Hà Nhì ở Lào Cai chắc chắn sẽ làm tốt việc "biến di sản thành tài sản", nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống từ chính văn hóa truyền thống của mình.