LCĐT - Không chỉ giữ vai trò chủ lực trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội, lực lượng dân quân trên địa bàn huyện Bảo Thắng còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
Lãnh đạo Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Thắng thăm mô hình phát triển kinh tế và tạo việc làm cho dân quân của gia đình anh Tạ Văn Mạnh. |
Vừa xuất bán một lứa gà, gia đình dân quân Mai Văn Hiệp ở thôn Phú Hải 3, xã Phú Nhuận thu về hơn 60 triệu đồng. Dẫn chúng tôi thăm mô hình vườn - ao - chuồng của gia đình, dân quân Mai Văn Hiệp bảo: Tôi tham gia lực lượng dân quân được hơn 3 năm, ngoài việc tham gia các khóa huấn luyện, góp sức xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế gia đình, tôi còn chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với một số dân quân trong thôn.
Mới 29 tuổi nhưng anh Mai Văn Hiệp đã xây dựng được mô hình trang trại tổng hợp bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Đặc biệt, năm 2020, anh đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố có trị giá hơn 320 triệu đồng. Trong 3 năm qua, gia đình anh liên tiếp được nhận danh hiệu hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp xã.
Mô hình sản xuất gỗ bóc của gia đình dân quân Tạ Văn Mạnh, Thôn đội trưởng thôn Làng Chưng, xã Sơn Hà mỗi ngày chế biến 15 m3 gỗ bán cho các doanh nghiệp làm ván ép công nghiệp. Anh Mạnh chia sẻ: Gia đình tôi có cơ sở chế biến ván bóc với vốn đầu tư hơn 2 tỷ đồng, tạo việc làm cho 19 nhân công, trong đó 8 nhân công là dân quân, mỗi người thu nhập bình quân 6 triệu đồng/tháng. Để có nguồn nguyên liệu, thời gian qua, gia đình tôi đã trồng 10 ha rừng kinh tế, trong đó 3 ha cây được trên 7 năm tuổi và bắt đầu cho khai thác.
Trừ chi phí sản xuất, trả lương nhân công, mỗi năm cơ sở của anh Tạ Văn Mạnh cho thu nhập hơn 500 triệu đồng; gia đình anh là hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện và cấp tỉnh.
Không chỉ có mô hình của dân quân Mai Văn Hiệp và Tạ Văn Mạnh, ở huyện Bảo Thắng còn có nhiều mô hình kinh tế do dân quân làm chủ với thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng đến 500 triệu đồng/năm. Theo thống kê của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Thắng, trên địa bàn huyện hiện có hơn 140 mô hình kinh tế hiệu quả do lực lượng dân quân làm chủ.
Mô hình kinh tế của gia đình dân quân Mai Văn Hiệp. |
Thượng tá Lâm Ngọc Anh, Chính trị viên Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Thắng cho biết: Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự - quốc phòng tại địa phương, thời gian qua, thông qua công tác dân vận, lực lượng quân sự huyện đã lồng gắn tuyên truyền về phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, trong đó phát huy tính gương mẫu, đi đầu và giúp người dân cùng làm. Đặc biệt, lực lượng đã xây dựngđược các mô hình như “Tình hậu phương - ấm lòng chiến sĩ” để hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh khó khăn; mô hình “Bản làng mong anh về” huy động lực lượng tham gia giúp người dân các xã khó khăn xây dựng cơ sở chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; hoặc mô hình “Dân quân vững mạnh, thôn, bản bình yên” nhằm củng cố lực lượng dân quân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới…
Trong năm 2021, lực lượng quân sự huyện tham gia cùng người dân các xã, thị trấn xây dựng mô hình “Đường rộng, sáng điện, nhiều hoa, Nhân dân đồng lòng, nông thôn phát triển”, đến nay đã giúp làm 257,3 km đường điện chiếu sáng và 196,6 km đường hoa nông thôn, góp phần thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Đặc biệt, năm 2021, lực lượng quân sự các địa phương đã đóng góp công sức, vật liệu giúp 22 hộ có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà, góp phần xóa nhà tạm trên địa bàn huyện...
Trong thời gian tới, cùng với việc thực hiện tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, huấn luyện và trực sẵn sàng chiến đấu, lực lượng quân sự huyện Bảo Thắng tiếp tục đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới nâng cao tại các xã, phát triển kinh tế gia đình; vận động cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang huyện tích cực tham gia các hoạt động từ thiện và giúp đỡ người dân phát triển kinh tế.