Con người đang tạo ra và thu thập nhiều dữ liệu hơn bất kỳ thời điểm nào trong quá khứ. Dữ liệu được ví như nguồn “dầu mỏ” nuôi “sống” và giúp phát triển quá trình chuyển đổi số. Tuy nhiên, song hành với việc sử dụng dữ liệu cho mục tiêu phát triển xã hội số, kinh tế số thì cần phải bảo đảm về an toàn thông tin. Trong đó, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề bức thiết, song vẫn chưa nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan, tổ chức và người dân.
Dữ liệu được ví như nguồn “dầu mỏ” nuôi “sống” và giúp phát triển quá trình chuyển đổi số.
Nhiều vụ sử dụng dữ liệu cá nhân để kinh doanh và trục lợi phi pháp
Chia sẻ tại hội thảo Dữ liệu cá nhân trong dòng chảy nền kinh tế số Việt Nam diễn ra ngày 3/11, các chuyên gia cho rằng dữ liệu số khi được khai thác đúng, hiệu quả sẽ mang đến nhiều lợi ích thiết thực cho nền kinh tế, xã hội và con người. Song, việc quản trị và quản lý dữ liệu đặt ra không ít thách thức. Thời gian qua, tại Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung đã xảy ra nhiều vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến dữ liệu số.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Khánh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Kinh tế, Luật và Quản lý Nhà nước, không ít đối tượng sử dụng dữ liệu số cá nhân để kinh doanh và trục lợi phi pháp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, quyền lợi chính đáng của người dân.
“Do đó, vấn đề đặt ra cho nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, chứ không riêng tại Việt Nam là làm thế nào xây dựng cơ chế chính sách đạt được sự cân bằng quyền lợi các bên, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế số và quản trị bảo mật dữ liệu cá nhân. Bảo mật dữ liệu cá nhân là vấn đề mang tính toàn cầu, trên không gian số xuyên biên giới nên không chỉ tập trung vào lĩnh vực luật hay kinh tế mà cần nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề này”, PGS-TS Phạm Khánh Nam chia sẻ.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông.
Làn sóng công nghệ 4.0 phát triển nhanh chóng, khiến dữ liệu cá nhân không còn bảo mật của riêng chính chủ, mà ngày càng được khai thác, quản lý theo cơ chế thị trường. Trong kỷ nguyên số, thông tin đều được số hóa để tính toán và dữ liệu được thu thập liên tục từ nhiều mặt trong đời sống hàng ngày.
Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) cho rằng, dữ liệu cá nhân là vấn đề cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, tại Việt Nam, nhiều cá nhân, tổ chức chưa quan tâm đúng mức.
“Nhận thức và ý thức về vai trò của dữ liệu cá nhân trong đời sống, xã hội, kinh tế vẫn còn nhiều hạn chế nên việc nâng cao hiểu biết, bảo vệ dữ liệu cá nhân là vấn đề cấp thiết trong bối cảnh Việt Nam đã và đang phát triển nền kinh tế số, đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số”, ông Đồng nêu rõ.
“Không gian số là không gian toàn cầu và luân chuyển xuyên biên giới nên xây dựng chính sách đảm bảo phát triển kinh tế, mô hình kinh doanh mới, quyền lợi của người dân. Cụ thể, trí tuệ nhân tạo (AI) đang ngày càng phổ biến, nhưng nếu không có dữ liệu số thì không có AI và ứng dụng AI”, ông Nguyễn Quang Đồng phân tích.
Ban hành luật điều chỉnh vấn đề dữ liệu cá nhân năm 2025
Thống kê chưa đầy đủ năm 2022 cho thấy, có 400 triệu dữ liệu cá nhân, tổ chức bị xâm hại. Trước thực trạng này, các chuyên gia khuyến cáo cá nhân, tổ chức nên sử dụng internet từ những doanh nghiệp có đầy đủ chính sách bảo mật, có khả năng xác thực... Người dùng cần trang bị kiến thức sử dụng internet, công nghệ bảo mật, không chia sẻ thông tin cá nhân...
Nghị định 13/2023/NĐ-CP Bảo vệ dữ liệu cá nhân được Chính phủ ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2023 ở Việt Nam, với phạm vi điều chỉnh rất rộng, áp dụng cho mọi ngành, nghề, lĩnh vực, văn bản này sẽ tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội Việt Nam trong những năm tới. Nghị quyết của Chính phủ cũng đã nêu rõ lộ trình: đến năm 2025, sẽ hoàn thiện khung pháp lý, tiến tới ban hành đạo luật hoàn chỉnh để điều chỉnh vấn đề dữ liệu cá nhân.