Làm việc với đoàn công tác về phía tỉnh Lào Cai có các đồng chí: Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Trọng Hài, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Thành Sinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh và địa phương.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai ‑ Hà Nội ‑ Hải Phòng được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025. Trong đó, tổng chiều dài tuyến chính là 390,9 km (đoạn Ga Lào Cai ‑ Ga cảng Lạch Huyện là 385,8 km; đoạn ga Lào Cai ‑ điểm nối ray 5,1km), 3 tuyến nhánh khoảng 27,9 km, phạm vi hướng tuyến đi qua địa phận tỉnh Lào Cai khoảng 65 km (qua thành phố Lào Cai và các huyện Bảo Thắng, Bảo Yên, Văn Bàn). Tổng mức đầu tư là 203.231 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư là 35.751 tỷ đồng.

Báo cáo tiến độ thực hiện bồi thường dự án trên địa bàn tỉnh Lào Cai, lãnh đạo Sở Xây dựng cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương khẩn trương triển khai các công việc liên quan, như: cắm ranh giới thực hiện dự án ra ngoài thực địa (khoảng hơn 1.500 điểm), tổ chức đo đạc, trích đo, chỉnh lý bản đồ địa chính. Ngoài ra, các cơ quan có liên quan phối hợp với địa phương dự kiến các khu tái định cư, dự kiến quỹ đất cho 91 cơ sở tại khu công nghiệp đông Phố Mới, cụm công nghiệp Đông Phố Mới và cụm công nghiệp Sơn Mãn - Vạn Hòa di chuyển trong thời gian sớm nhất.
Trên tuyến dự kiến bố trí 18 ga (3 ga lập tàu, 15 ga hỗn hợp) và 13 trạm tác nghiệp kỹ thuật. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Lào Cai có 2 nhà ga và 2 trạm tác nghiệp kỹ thuật, cụ thể:
+ Ga Lào Cai mới: Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 60 ha, là ga hỗn hợp, có tác nghiệp hàng hóa và hành khách; ga Lào Cai hiện hữu có diện tích 24 ha.
+ Ga Bảo Thắng: Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 26 ha, là ga hỗn hợp, tác nghiệp hành khách và hàng hóa.
+ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Sa Pa (thuộc xã Cam Cọn, huyện Bảo Yên): Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 38 ha.
+ Trạm tác nghiệp kỹ thuật Văn Bàn (thuộc xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn): Tổng diện tích chiếm dụng khoảng 24,2 ha.
Đối với công tác giải phóng mặt bằng, tổng diện tích đất dự kiến thu hồi khoảng 780 ha. Đến thời điểm hiện tại, các huyện Văn Bàn, Bảo Yên, Bảo Thắng đang xây dựng kế hoạch triển khai công tác thống kê, bồi thường; lãnh đạo UBND thành phố Lào Cai đã chỉ đạo các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục niêm yết công khai, thông báo cho các tổ chức để tổ chức thống kê kiểm đếm.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, làm rõ phương án vị trí hướng tuyến thay đổi; việc điều chỉnh phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện địa hình và quy hoạch phát triển hạ tầng, đô thị, sắp xếp khu dân cư của tỉnh, đồng thời góp phần tiết kiệm chi phí đầu tư.


Tỉnh Lào Cai đề nghị Bộ Xây dựng sớm tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền để triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt của dự án theo Nghị quyết 187/2025/QH15 ngày 19/2/2025 của Quốc hội về đầu tư Dự án tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Kiến nghị Ban Quản lý dự án đường sắt sớm hoàn chỉnh phương án tuyến đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, khẩn trương tiến hành cắm mốc giới và bàn giao ranh giới thực hiện dự án trên thực địa cho tỉnh Lào Cai để triển khai công tác bồi thường, hỗ trợ và hỗ trợ tái định cư đáp ứng tiến độ theo yêu cầu của Chính phủ...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trịnh Xuân Trường, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định đây là dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy địa phương xác định cả hệ thống chính trị vào cuộc để dự án triển khai đảm bảo đúng tiến độ đề ra. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, địa phương sẽ thành lập tổ công tác thực hiện tuyên truyền về dự án, tạo sự đồng thuận với người dân trong quá trình triển khai thực hiện.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường đề nghị Ban Quản lý dự án đường sắt sớm bàn giao dự án trên thực địa cho địa phương để sớm công khai tới người dân về tổng thể dự án. Đồng thời, đề nghị các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh có dự án đi qua cần thực hiện ngay công tác giải phóng mặt bằng sau điều chỉnh hướng tuyến; công khai phương án tái định cư và tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Khánh Tùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đường sắt tiếp thu các ý kiến, kiến nghị của địa phương, đồng thời tổng hợp báo cáo lãnh đạo Bộ Xây dựng trình Chính phủ, cam kết thời gian bàn giao dự án trên thực địa cho địa phương.