Trước nhiều lựa chọn
Phạm Thu Huyền - Trường THPT Bình Hưng Hòa (TPHCM) cho biết, trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, em đã nộp hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét học bạ vào một vài trường đại học khối ngành kinh tế. Đồng thời, Huyền tham gia kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức để tăng thêm cơ hội vào đại học.
Sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án tất cả môn thi tốt nghiệp THPT, Huyền cho hay: “Em dự định sẽ xét vào ngành Quản trị kinh doanh của Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM. Điểm chuẩn của trường năm ngoái là 23,5.
Vì muốn chắc chắn bản thân đỗ vào trường yêu thích, nên em đã cố gắng trong kỳ thi tốt nghiệp vừa qua”. Tự chấm điểm các bài thi theo đáp án của Bộ GD&ĐT, Huyền ước chừng đạt 24 - 25 điểm ở tổ hợp xét tuyển A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh). “Em cũng sẽ dùng điểm thi tốt nghiệp để xét thêm nhiều ngành khác nhằm tăng cơ hội đỗ đại học”, Huyền cho biết thêm.
Giống như Huyền, Võ Chí Thành - Trường THPT Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cho biết, tháng trước đã đủ điều kiện trúng tuyển bằng phương thức xét học bạ THPT cùng với chứng chỉ tiếng Anh vào ngành Quản trị kinh doanh của Đại học Kinh tế TPHCM. Với niềm yêu thích khối ngành kinh tế, Thành sẽ dùng điểm Kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào nhiều ngành, trường để bản thân có thêm sự lựa chọn, tìm ra ngành yêu thích.
“Em ước lượng số điểm của mình từ 25 - 26 điểm ở tổ hợp A00. Em sẽ xét thêm các ngành liên quan tới công nghệ và kinh tế như Công nghệ tài chính, Kinh doanh số tại Đại học Kinh tế TPHCM. Ngoài ra, em sẽ cân nhắc thêm ngành Marketing tại các Trường Đại học Kinh tế - Luật, Trường Đại học Tài chính - Marketing…”, Thành nói.
Chia sẻ về việc chọn ngành nghề phù hợp, Thành cho biết, em sẽ ưu tiên các trường có môi trường học tập tốt và chương trình đào tạo có môn học phù hợp với thế mạnh của mình. Ngoài ra, yếu tố cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy của giảng viên cũng đóng vai trò quan trọng. Sau khi xem xét các yếu tố này, Thành mới quyết định chọn ngành mà bản thân yêu thích.
Cũng giống như hai thí sinh trên, sau khi Bộ GD&ĐT công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT, nhiều em phần nào ước lượng được điểm số mình đạt được. Trước đó, nhiều em đã tham gia xét tuyển sớm và có kết quả đủ điều kiện trúng tuyển. Đây là khoảng thời gian các em băn khoăn nên chọn phương thức xét tuyển, ngành, trường để đăng ký nguyện vọng xét tuyển trên cổng thông tin tuyển sinh của Bộ GD&ĐT, từ ngày 18/7 - 30/7.
ThS Trần Nam - Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tuyển sinh và Hỗ trợ người học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trúng tuyển sớm chỉ chiếm chưa đầy 50% chỉ tiêu tuyển sinh của các trường đại học. Do đó, phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT hay các phương thức có thời hạn nộp hồ sơ ở giai đoạn này rất quan trọng, tạo ra nhiều cơ hội cho thí sinh. Do đó, thí sinh cần bình tĩnh, cân nhắc để nộp hồ sơ xét tuyển.
Ảnh minh họa.
Chiến thuật đăng ký nguyện vọng
PGS.TS Nguyễn Văn Thụy - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông, Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, năm nay, thí sinh không phải chọn phương thức đăng ký xét tuyển, chỉ cần tải các dữ liệu liên quan, hệ thống của Bộ GD&ĐT sẽ tự chọn ra tổ hợp và phương thức tốt nhất. Dù không bị giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh cũng không cần chọn quá nhiều để tránh tốn kém.
PGS Thụy lưu ý với thí sinh một số điểm quan trọng khi đăng ký nguyện vọng. Đầu tiên, thí sinh hãy xác định ngành học và trường đại học mình mong muốn và sắp xếp nguyện vọng theo “chiến thuật” không dồn vào một nhóm các nguyện vọng có điểm xét tuyển tương đồng. Thí sinh hãy phân bố một cách phù hợp để giảm thiểu rủi ro, có thể chia thành 3 nhóm nguyện vọng với các mức độ an toàn khác nhau.
Ở nhóm 1 (nhóm hy vọng) gồm các nguyện vọng có điểm chuẩn năm 2023 cao hơn điểm thi của thí sinh khoảng 0,5 - 1,5 điểm (thang điểm 30) hoặc 1 - 3,5 điểm (thang điểm 40). “Hãy để nguyện vọng 1 là nguyện vọng yêu thích nhất của em trong nhóm này”, PGS Thụy nói.
Ở nhóm 2 (nhóm an toàn), gồm các nguyện vọng có điểm trúng tuyển năm 2023 bằng hoặc thấp hơn điểm thi của các em khoảng 0,25 - 1,5 điểm (thang điểm 30) và 1 - 2,5 điểm (thang điểm 40). Nhóm 3 (nhóm rất an toàn) gồm các nguyện vọng gần như thí sinh chắc chắn đậu.
“Thí sinh hãy sắp xếp các ngành em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm hoặc có điểm chuẩn năm 2023 thấp hơn điểm thi của em tới 2 - 3,5 điểm vào nhóm này. Trường hợp em đã trúng tuyển sớm nhiều trường, hãy chọn một nguyện vọng yêu thích nhất vào danh sách vì em đã chắc chắn đậu rồi”, PGS Nguyễn Văn Thụy khuyên.
ThS Phạm Doãn Nguyên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) cho biết, theo quy định của Bộ GD&ĐT, thí sinh được đăng ký xét tuyển trên hệ thống xét tuyển chung không giới hạn số lượng nguyện vọng nhưng chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất. Vì vậy khi đăng ký xét tuyển thí sinh cần ưu tiên đặt ngành, trường yêu thích ở thứ tự nguyện vọng cao nhất (nguyện vọng 1 thể hiện nguyện vọng cao nhất).
ThS Phạm Doãn Nguyên khuyên thí sinh cần cẩn trọng lựa chọn và sắp xếp thứ tự nguyện vọng, mã trường, tên trường, mã xét tuyển, tên mã xét tuyển, nộp lệ phí đăng ký xét tuyển (từ ngày 31/7 - 6/8) và xác nhận nhập học trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ (từ 19/8 - 27/8) theo quy định.
Bên cạnh đó, thí sinh cũng cần lưu ý, trường hợp đã trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm và đã tốt nghiệp THPT, nếu không sử dụng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT mà chỉ sử dụng kết quả xét tuyển sớm này thì chỉ cần đăng ký nguyện vọng 1 là chắc chắn trúng tuyển chính thức.
Nếu thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT cao, hoàn toàn có thể đăng ký nguyện vọng xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT vào ngành và trường học yêu thích, phù hợp hơn. Khi đó, để có thể trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, thí sinh cần phải đặt thứ tự nguyện vọng cao hơn các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm.
Theo ThS Trần Nam, thí sinh cần lưu ý những yếu tố sau khi lựa chọn nguyện vọng: Điểm mạnh và sự phù hợp với ngành, sự yêu thích thực sự và dự kiến công việc mình sẽ theo đuổi, sau đó chọn trường đại học rồi mới chọn ngành.
“Các bạn cũng cần lưu ý kỹ về học phí, môi trường học tập, chất lượng đầu vào, học bổng, cơ hội việc làm, chất lượng đầu vào của ngành để lựa chọn; Cũng đừng ngại ngần việc đi học xa vì đi học xa mà được học ngành, trường yêu thích thì không thành vấn đề”, ThS Nam nói.