Chính sách hỗ trợ phát triển du lịch: Vẫn phải chờ

LCĐT - Chính sách hỗ trợ du lịch theo Nghị quyết 06 ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh được kỳ vọng tạo động lực cho phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh, tuy nhiên, sau gần 1 năm được ban hành, các đối tượng thụ hưởng vẫn chưa được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi theo chương trình này.

Thiếu thông tin về chính sách

Chính sách quy định đã rõ nhưng để đến được với người dân là cả chặng đường dài. Qua khảo sát tại nhiều địa phương, đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách này vẫn chưa thực sự hiểu rõ quy trình, thủ tục để được tiếp cận nguồn vốn.

Anh Sùng A Hờ kinh doanh dịch vụ homestay tại xã Y Tý (Bát Xát) cho biết đang có ý định đầu tư mới 1 nhà sàn khoảng 15 phòng để đón thêm khách du lịch. Khi biết tỉnh có chính sách cho vay khoảng 200 triệu đồng, anh mừng lắm, nhưng chưa biết trình tự, thủ tục tiếp cận nguồn vốn trên. Đầu tư một căn nhà mới phù hợp phải thiết kế tỉ mỉ và tốn kém, nếu được vay vốn ưu đãi sẽ giúp anh nhanh thu hồi vốn.

Ngay tại thành phố Lào Cai, việc tiếp cận thông tin về chính sách này cũng còn hạn chế. Cơ sở homestay Xuân Diện tại xã Hợp Thành (thành phố Lào Cai) hoạt động từ năm 2019. Với cảnh quan tươi đẹp, giàu bản sắc văn hóa, homestay Xuân Diện ngày càng được nhiều du khách biết đến, nếu không bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, homestay hầu như kín khách vào mỗi dịp cuối tuần, trong đó có nhiều đoàn khách nước ngoài.

Cơ sở homestay Xuân Diện nhiều lần phải từ chối các đoàn khách vì chưa đáp ứng đủ phòng nghỉ.
Cơ sở homestay Xuân Diện nhiều lần phải từ chối các đoàn khách vì chưa đáp ứng đủ phòng nghỉ.

Chị Lý Xuân Diện, chủ homestay cho biết: Hiện gia đình chỉ có 1 khu nhà sàn phục vụ tối đa 20 khách lưu trú, tôi muốn đầu tư mở rộng phòng nghỉ, bungalow (nhà 1 tầng, diện tích nhỏ) nhưng nguồn vốn khó khăn, nhất là 2 năm qua chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tôi mong sớm được tiếp cận nguồn vốn theo chính sách hỗ trợ phát triển du lịch để nâng cấp homestay, phục vụ du khách tốt hơn. Tuy nhiên, khi đến UBND xã hỏi về chính sách này thì chưa thấy có hướng dẫn.

Tại xã vùng cao Bản Liền (Bắc Hà), năm 2019, anh Lâm Văn Luận được Dự án GREAT (thúc đẩy bình đẳng giới thông qua nâng cao hiệu quả kinh tế sản xuất nông nghiệp và phát triển du lịch) hỗ trợ vay 50 triệu đồng đầu tư phát triển du lịch cộng đồng. Anh đã chỉnh trang nhà, xây nhà vệ sinh, các tiểu cảnh… Qua một thời gian kinh doanh, anh Luận cho biết: Để phục vụ nhiều đối tượng khách, đặc biệt là khách đi theo gia đình muốn có không gian nghỉ ngơi riêng tại homestay, gia đình anh muốn sửa sang lại phòng nghỉ cho tiện nghi hơn, cải tạo đồi chè hữu cơ thành điểm du lịch... Nhưng anh lại không hề biết thông tin về chính sách hỗ trợ phát triển du lịch.

Ông Vàng Văn Dương, Bí thư Đảng ủy xã Bản Liền cho biết: Trên địa bàn xã hiện có 6 hộ kinh doanh dịch vụ homestay. Trước đây, nguồn vốn từ Dự án GREAT đã tạo nền tảng ban đầu cho các hộ, nhưng để phát triển quy củ, chuyên nghiệp, các hộ này đều mong được tiếp cận thêm nguồn hỗ trợ từ chính sách khuyến khích phát triển du lịch của tỉnh.

Để chính sách sớm đến với người dân

Nghị quyết 06 ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, gồm hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch; hỗ trợ vay vốn phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng và hỗ trợ câu lạc bộ, đội văn nghệ dân gian tại các điểm du lịch.

Theo đó, đối với việc đầu tư điểm du lịch, hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối tối thiểu 6 tỷ đồng ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai để cho vay. Tùy theo tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện ủy thác qua ngân hàng để cho vay theo quy định. Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh, mức cho vay tối đa 2 tỷ đồng/dự án/điểm du lịch (không quá 100 triệu đồng cho 1 lao động được tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm). Thời hạn cho vay theo chu kỳ của từng dự án và tối đa không quá 60 tháng. Áp dụng lãi suất cho vay hộ cận nghèo, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Đối với phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng, hằng năm, ngân sách tỉnh cân đối tối thiểu 5 tỷ đồng/năm ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai để cho vay. Tùy tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của từng địa phương, hằng năm, UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định nguồn vốn từ ngân sách cấp huyện ủy thác qua ngân hàng để cho vay theo nội dung nghị quyết. Mức cho vay đối với người lao động tối đa không quá 100 triệu đồng/người (mỗi hộ được vay tối đa 200 triệu đồng/2 lao động).

Thời hạn cho vay theo chu kỳ của từng dự án và tối đa không quá 60 tháng. Áp dụng lãi suất cho vay hộ cận nghèo theo quy định từng thời kỳ; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay. Các cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng có thể vay vốn đầu tư, làm mới hoặc cải tạo, mở rộng nhà truyền thống các dân tộc thiểu số để kinh doanh dịch vụ lưu trú (homestay) tại các điểm du lịch cộng đồng…

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, sau khi chính sách được ban hành, sở đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn phổ biến, tuyên truyền các nội dung chính sách, tổng hợp, rà soát nhu cầu hỗ trợ vay vốn đầu tư điểm du lịch và hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng gửi Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai làm cơ sở đề xuất nguồn kinh phí cho vay năm 2022 và các năm tiếp theo. Phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng Dự thảo Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua ngân hàng. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét có cơ chế định giá tài sản thế chấp của đối tượng cần vay vốn theo giá thị trường mà các ngân hàng thương mại đang thực hiện nhằm giúp các doanh nghiệp, các cơ sở kinh doanh tiếp cận được nguồn vốn vay được thuận lợi. Đại diện Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Lào Cai cho biết: Ngay khi có quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn, ngân hàng sẽ giải ngân đến các đối tượng có nhu cầu.

Quy trình thực thi chính sách cần chặt chẽ, đúng quy định, tuy nhiên điều người dân, cơ sở kinh doanh du lịch mong muốn lúc này là các cơ quan liên quan chủ động phối hợp, đẩy nhanh tiến độ để chính sách sớm đi vào cuộc sống, thực sự trở thành động lực thúc đẩy du lịch phát triển, nhất là trong bối cảnh ngành “công nghiệp không khói” bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Sa Pa xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện

Sa Pa xây dựng hình ảnh du lịch văn minh, thân thiện

Để mang đến cho du khách sự hài lòng và những trải nghiệm khó quên, những năm gần đây, chính quyền thị xã Sa Pa đã xây dựng hình ảnh du lịch văn minh và thân thiện bằng cách tạo dựng thói quen tốt, cách làm hay như: tuyên truyền vận động không bán hàng, đeo bám khách du lịch; thực hiện các phong trào bảo vệ môi trường, giúp địa phương xây dựng hình ảnh du lịch xanh tới du khách.

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Đề xuất điều chỉnh Nghị quyết số 06 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch

Sáng 19/4, Ban đại diện Hội đồng Quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tổ chức cuộc họp xem xét, đề nghị việc điều chỉnh Nghị quyết số 06/2021/NQ - HĐND ngày 9/4/2021 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2021 - 2025.

Một lần đến Tây Ninh

Một lần đến Tây Ninh

Chúng tôi đặt chân đến Tây Ninh - vùng đất miền Đông Nam Bộ trong một ngày đầy nắng. Từ sân bay, xe đón chúng tôi đi thẳng tới Tây Ninh, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 100km. Cái nắng hơn 300C khác hẳn với khí hậu se lạnh chỉ hơn 200C của Tây Bắc những ngày cuối tháng 3 khiến chúng tôi chưa kịp thích ứng, có chút ngỡ ngàng.

Xôi miền sơn cước

Xôi miền sơn cước

Cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam có nhiều nét văn hóa độc đáo, trong đó, có nghệ thuật ẩm thực.

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm tại VITM Hà Nội 2024

Sau 4 ngày diễn ra sôi nổi (từ 11 đến 14/4), Hội chợ Du lịch Quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2024 đã thu hút gần 4.000 doanh nghiệp du lịch Việt Nam và quốc tế đến làm việc, gần 80.000 khách đến tham quan, mua sắm. Đó là thông tin vừa được bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội chợ cung cấp tại Lễ bế mạc VITM Hà Nội 2024 vừa diễn ra chiều ngày 14/4 tại Hà Nội.

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đáp ứng chuẩn quốc tế

Để nâng cao khả năng phục vụ du khách và sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam, việc đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực chuẩn quốc tế đáp ứng những đòi hỏi mới của sự phát triển du lịch trong giai đoạn hiện nay đóng vai trò quyết định. Tuy nhiên, vấn đề chuyên nghiệp hóa trình độ, kỹ năng đội ngũ nhân lực du lịch Việt Nam đang gặp nhiều thách thức, đòi hỏi những giải pháp tháo gỡ kịp thời.

fb yt zl tw