Mùa bắt lươn đồng

LCĐT - Đầu tháng 12, khi cái rét tái tê cũng là lúc bọn trẻ ở bản Nà Uốt, xã Nghĩa Đô (Bảo Yên) tranh thủ ngày nghỉ học để đi bắt lươn đồng. Đó là thú vui của lũ trẻ người Tày ở vùng nông thôn này mà chính tôi cũng muốn trải nghiệm.

Cánh đồng Nà Uốt sau mùa gặt chỉ còn gốc rạ và bùn nhão nhoét. Đây là nơi lý tưởng để lũ trẻ ở vùng này bắt lươn đồng - đặc sản nức tiếng của mảnh đất Nghĩa Đô. Bỏ giày, xắn quần cao tới đầu gối, tôi bì bõm lội ruộng theo lũ trẻ. Dù ruộng lầy nhưng đôi chân của chúng thoăn thoắt, trong khi tôi phải nhích từng bước, thành ra luôn ở phía sau chúng. Như muốn chia sẻ với người không quen đồng ruộng, lũ trẻ đi chậm lại, vừa đi chúng vừa cười khúc khích. Cậu bé tên D lớn tuổi nhất nhóm đợi tôi đến và nói: Chú cứ đi theo cháu, chỗ nào có lươn cháu chỉ để chú biết!

Lũ trẻ lấm lem bắt lươn đồng.
Lũ trẻ lấm lem bắt lươn đồng.

D vừa nói xong thì mấy đứa đi trước reo lên: Chỗ này có lươn đấy! D kéo tôi đi nhanh đến đó, rồi cậu bé dùng hai tay thoăn thoắt đào bùn. Trong nháy mắt, một chú lươn đồng to bằng ngón chân cái, vàng ươm đã bị D kẹp chặt trong tay. Những đứa trẻ mặt lấm tấm bùn, miệng cười rạng rỡ khi tìm được “chiến lợi phẩm”, hồn nhiên đến vô cùng. Đợi cho D thả chú lươn vào xô, tôi mới hỏi: Làm thế nào để biết được chỗ lươn “ở”? D trả lời rành rọt: Để biết có lươn hay không phải tìm được lỗ lươn!

Nói rồi, D nhanh tay gạt nhẹ lớp bùn để tìm lỗ lươn. Dưới lớp bùn là lỗ lươn to bằng ngón tay cái, xuất hiện lớp bọt màu trắng. Cũng như lần trước, hai tay D thoăn thoắt đào bùn nhưng lần này phải đào sâu hơn và rộng hơn, đào mãi D mới bắt được chú lươn. Thông thường, người ta dùng thuổng để bắt lươn. Cứ thấy lỗ lươn là họ dùng thuổng để đào bùn, vừa nhanh, vừa đào được sâu. Dường như những câu bé ở Nà Uốt đã quen bắt lươn bằng tay không, nên dù không có thuổng nhưng với chúng không có vấn đề gì.

“Chiến lợi phẩm” của một ngày đi bắt lươn đồng.
“Chiến lợi phẩm” của một ngày đi bắt lươn đồng.

Tranh thủ lúc ngồi nghỉ trên bờ ruộng, tôi hỏi chuyện bọn trẻ. Với sự vô tư, hồn nhiên của những cậu bé đang học trung học cơ sở, chúng nói chuyện với tôi rất gần gũi, cởi mở và mang đậm chất nông thôn. Do lớn tuổi nhất trong nhóm nên D rất chững chạc và luôn được nhóm ưu tiên cho “phát ngôn”. Qua câu chuyện của D, tôi được biết, vào mùa bắt lươn, từ tháng giêng đến tháng 4 và từ tháng 9 đến tháng 12 âm lịch, tranh thủ được nghỉ học là mấy đứa trẻ trong thôn rủ nhau đi bắt lươn đồng. Chúng đi bắt lươn đồng vì đam mê là chính, còn nếu kiếm được đồng nào thì mang về đưa cho bố mẹ. Có những ngày chúng bắt được 1 - 2 kg lươn đồng, kiếm được 100.000 - 200.000 đồng, chia nhau mỗi đứa được 30.000 - 50.000 đồng. Chuyến trải nghiệm bắt lươn đồng của tôi với nhóm của D không may mắn, bởi đi khắp tràn ruộng thôn Nà Uốt, chúng tôi lấm lem quần áo nhưng chỉ túm được 5 chú lươn đồng. Thấy vậy, D bảo: Sáng sớm nay, mấy người trong thôn đi bắt lươn rồi chú ạ, nên chắc không còn nhiều nữa. Nếu chú ở lại, mai chú cháu mình đi sang ruộng thôn bên tiếp tục bắt lươn. Do có việc nên tôi đành từ chối và không quên mua hết chỗ lươn mà lũ trẻ bắt được. Khi đưa tiền, lũ trẻ kiên quyết không lấy. Với giọng thật thà và ra dáng của người anh, D nói: Có 5 con lươn, đáng gì mà lấy tiền của chú. Chú cầm về ăn thử lươn đồng quê cháu nhé. Lần khác chú xuống đây, chúng cháu sẽ cố bắt thật nhiều để bán cho chú. Lúc đó lấy tiền của chú mới bõ.

Cảm ơn tấm chân tình của bọn trẻ, tôi nhận lấy 5 chú lươn đồng béo vàng, trong lòng thấy thật hạnh phúc. Khi “cơm áo, gạo tiền” còn là nỗi lo, thì chút thời gian đi bắt lươn đồng, được trò chuyện với lũ trẻ nông thôn hồn hậu, chất phác đã giúp tôi cảm nhận được sự trân quý cuộc sống.

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Múa bút vẽ thư pháp xuân và rồng nước Việt

Nghệ nhân thư pháp Võ Dương, người Việt đầu tiên xác lập kỷ lục thế giới về thư pháp, gửi tặng bạn đọc Thanh Niên những tác phẩm thư pháp lấy cảm hứng mùa xuân trong năm Giáp Thìn, năm "cầm tinh" con rồng.

Nhớ mùa tết xưa!

Nhớ mùa tết xưa!

... đã sống gần hết cuộc đời, đôi chân đã đi khắp đất nước, mà cứ mỗi độ giữa đông trở đi, lòng lại náo nức, rưng rưng nhớ về những mùa tết đẫm đặc tuổi thơ tôi...

Tranh của nghệ sĩ trẻ Tia-Thủy Nguyễn "lấp lánh" tại Paris

Tranh của nghệ sĩ trẻ Tia-Thủy Nguyễn "lấp lánh" tại Paris

"Lấp lánh giữa bao la" là chủ đề của bộ sưu tập gần 20 tác phẩm nghệ thuật của Tia-Thuỷ Nguyễn được triển lãm từ 11/1 đến 24/2 tại phòng tranh Almine Rech Gallery, một trong những phòng triển lãm nghệ thuật nổi tiếng trên thế giới. Đây là đợt triển lãm cá nhân đầu tiên của cô tại thủ đô Paris.

Tiếng hát Mường Hoa

Tiếng hát Mường Hoa

Tiếng hát Mường Hoa là tập thơ song ngữ Việt - Mông, tập hợp những bài thơ mới sáng tác của nhà thơ Pờ Sảo Mìn do tác giả Vàng A Giang biên dịch, hiệu đính tiếng Mông.

Hối hả cùng sự kiện

Hối hả cùng sự kiện

Cũng như các kỳ nghỉ lễ, tết khác, để những cánh sóng vươn xa, tin tức được cập nhật kịp thời, những chương trình nghệ thuật được nối dài, dịp tết Dương lịch 2024, đội ngũ phóng viên, nhà báo, biên tập viên, diễn viên, nghệ sĩ của tỉnh đã có một mùa làm việc không nghỉ, hối hả cùng các sự kiện. Ở mỗi công đoạn, việc làm là sự nghiêm túc, say mê để đưa đến độc giả, khán giả khí thế đầu năm rực rỡ, hân hoan.

Viết cho lòng bình yên nhất

Viết cho lòng bình yên nhất

Tác giả Bùi Quang Vinh đến với văn chương khi đã có đủ những cung bậc cảm xúc sau mấy chục năm trải nghiệm hai chữ "cuộc đời" và điều đó thể hiện khá rõ trong tập tản văn và truyện ngắn “Ban mai trong miền ký ức” (Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2023).

fb yt zl tw