Cầm trên tay chiếc điện thoại thông minh, chỉ với vài thao tác nhắn tin trong nhóm Zalo của Huyện đoàn, chị Cư Thị Ngọc Linh, Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Hà đã triển khai xong phần việc cần làm. Chị Linh chia sẻ: “Nếu như trước đây, việc triển khai chỉ có thể gặp trực tiếp hoặc gọi điện thoại cho từng người thì nay đã thuận tiện hơn nhiều thông qua hội nhóm Zalo. Đặc biệt, những lúc có công việc đột xuất, kể cả thứ Bảy, Chủ nhật thì việc triển khai đến các cơ sở đoàn cũng nhanh hơn nhiều”.
Hiện nay, Huyện đoàn Bắc Hà đã có tài khoản Zalo chính thức giúp thuận lợi cho quá trình thông tin, tuyên truyền các hoạt động đoàn từ Trung ương tới địa phương và các quy định, chính sách mới có hiệu lực để đoàn viên nắm được nhanh nhất và chính xác nhất, từ đó thực hiện tuyên truyền kịp thời tới đoàn viên, người dân trên địa bàn. Theo chị Cư Thị Ngọc Linh, việc áp dụng chuyển đổi số không chỉ thuận tiện cho công tác đoàn mà còn thuận tiện trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Hiện, 100% cơ quan, đơn vị, UBND xã, thị trấn trên địa bàn huyện Bắc Hà đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính, như sử dụng hệ thống quản lý văn bản qua phần mềm iOffice và chữ ký số, áp dụng tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ qua phần mềm VNPT-iGate, sử dụng các ứng dụng (như Zalo) để trao đổi công việc. Qua đó, đảm bảo giải quyết hồ sơ đúng tiến độ cũng như tiết kiệm thời gian, công sức, nguồn lực cho người dân và doanh nghiệp.
Chị Triệu Thị Hiền ở xã Bản Phố bày tỏ sự hài lòng với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công tại UBND xã. Chị Hiền cho biết, nhờ được cán bộ hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và cách thanh toán trực tuyến mà bản thân có thể thực hiện các giao dịch thủ tục hành chính điện tử trên cổng dịch vụ công nhanh chóng, thuận lợi.
Được biết, trên địa bàn huyện Bắc Hà hiện có 158 tổ công nghệ số cộng đồng tại 158 thôn, bản, tổ dân phố với gần 600 thành viên, hoạt động với mục đích chủ yếu là tuyên truyền, vận động, hỗ trợ người dân tiếp cận môi trường số, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số vào mọi mặt của đời sống xã hội, như các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp và các dịch vụ số về y tế, giáo dục, giao thông, nông nghiệp (thanh toán không dùng tiền mặt, dịch vụ khám và tư vấn khám sức khỏe từ xa, cài đặt VNeID, VssID…).
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện Bắc Hà đẩy mạnh tuyên truyền về chuyển đổi số đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trên toàn huyện. Do đó, nhận thức và trình độ của cán bộ, công chức, viên chức về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngày càng nâng cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. Hiện, 100% cán bộ, công chức các phòng chuyên môn và đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện sử dụng tương đối tốt các phần mềm quản lý văn bản và điều hành iOffice, chữ ký số chuyên dùng, thư điện tử công vụ. Bên cạnh đó, toàn huyện đã thu nhận gần 50.500 hồ sơ căn cước và đã truyền dữ liệu về Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) đạt 100%. Đối với việc triển khai khám, chữa bệnh sử dụng thẻ căn cước thay thế thẻ bảo hiểm y tế, đã triển khai được gần 3.300 lượt...
Với quyết tâm cao, trong năm 2024, huyện Bắc Hà đã ban hành trên 30 văn bản điều hành, chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ trọng tâm thúc đẩy chuyển đổi số trên địa bàn, như sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử...
Kết quả, trong 40 mục tiêu chuyển đổi số và cải thiện chỉ số DTI huyện Bắc Hà năm 2024 có 2 mục tiêu hoàn thành vượt kế hoạch giao (gồm dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến), 13 mục tiêu hoàn thành kế hoạch, 16 mục tiêu đạt từ 70% kế hoạch giao, 7 mục tiêu đạt từ 50 - 70% và 2 mục tiêu thực hiện dưới 50%.
Ông Trần Xuân Thảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Hà cho biết: Hiện nay, nội dung chuyển đổi số được cấp ủy đảng, chính quyền huyện rất quan tâm. Để công tác chuyển đổi số tiếp tục phát huy hiệu quả và đi vào thực chất, lãnh đạo các đơn vị, địa phương trên địa bàn sẽ quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành “rõ người, rõ việc, rõ thời gian”, kèm theo kiểm tra, giám sát.
Những nỗ lực trong chuyển đổi số tại Bắc Hà đã tạo chuyển biến tích cực, góp phần hiện đại hóa quản lý nhà nước và nâng cao chất lượng dịch vụ công. Việc ứng dụng công nghệ thông tin không chỉ giúp người dân thuận tiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ thiết yếu mà còn thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.