Một người đàn ông dùng thử địu vải ở hội chợ sản phẩm dành cho trẻ em được tổ chức tại Coex, Seoul, ngày 5/10/2023.
Theo Tổ chức Thống kê Hàn Quốc, số nam giới nước này không tham gia các hoạt động kinh tế vào năm 2023 vì lý do chăm sóc trẻ em là khoảng 16.000 người, đánh dấu mức cao nhất mọi thời đại kể từ lần đầu tiên dữ liệu liên quan được tổng hợp vào năm 1999.
Con số này tăng 37,4% so với 12.000 người của năm 2022 và tăng gần gấp ba lần so với mức 6.000 người năm 2013. Sự gia tăng bắt nguồn từ việc số lượng nam giới nghỉ sinh con ngày càng tăng trong vài năm qua ở đây, báo hiệu sự cải thiện trong nhận thức của nam giới về việc chăm sóc con cái.
Số lượng đàn ông ở nhà theo nhóm tuổi là khoảng 8.400 nam giới (tương đương 53,3% tổng số) ở độ tuổi 40; tiếp theo là 4.600 nam giới (tương đương 28,8%) ở độ tuổi 30.
Năm 2023, số phụ nữ không đi làm để ở nhà chăm con là 840.000 người, giảm 14,7% so với năm 2022 và con số này đang liên tục giảm khi ngày càng có nhiều phụ nữ tiếp tục làm việc sau khi sinh con.
Tính theo nhóm tuổi, có 497.000 phụ nữ (tương đương 59,1% tổng số) ở độ tuổi 30; tiếp theo là 219.000 (tương đương 26,1%) ở độ tuổi 40 chọn ở nhà chăm con. Do số phụ nữ sinh con ngày càng ít, nên tỷ lệ người không đi làm để ở nhà chăm con ở cả nam và nữ, đã giảm từ 1,48 triệu người năm 2013 xuống còn 840.000 người vào năm 2023.
Ngày 21/2/2024, Bộ Bình đẳng giới và Gia đình đã đưa ra một loạt biện pháp nhằm giải quyết tỷ lệ sinh thấp tại Hàn Quốc, cho biết họ sẽ tăng cường hỗ trợ cho những gia đình có cha mẹ đều đi làm. Chương trình kết nối các phụ huynh với nhân viên chăm sóc trẻ em, những người có thể giúp chăm sóc trẻ từ 36 tháng tuổi trở xuống tại nhà. Các gia đình có hai con trở lên cũng sẽ đủ điều kiện được nhận trợ cấp một phần chi phí chăm sóc trẻ.
Ngoài ra, Hàn Quốc còn thí điểm dịch vụ chăm sóc trẻ em khẩn cấp, cho phép phụ huynh đăng ký tìm người trông trẻ trước hai giờ trong trường hợp cha mẹ đi làm về muộn. Hay tạo điều kiện hỗ trợ cho trẻ em từ các gia đình đa văn hóa về học tập, giáo dục song ngữ và tư vấn nghề nghiệp.
Kim Hyun-sook, Bộ trưởng Bộ Bình đẳng giới và Gia đình cho biết: "Tỷ lệ sinh ở Đức và Thụy Điển đã tăng trở lại nhờ tìm được sự cân bằng giữa công việc và gia đình. Vì thế, để cải thiện tỷ lệ sinh thấp thì có thể thúc đẩy một môi trường thân thiện với gia đình, nơi nam giới và nữ giới cùng làm việc và chăm sóc con cái, giảm bớt gánh nặng gia đình".