Lời hát không biết kết thúc, lời hát như hoa đào trên núi cao đón nhận một mùa xuân mới tràn về khắp núi rừng, bản làng, trong mỗi gia đình đồng bào vùng cao Trạm Tấu, nơi hai dân tộc anh em Mông, Thái sống bên nhau.
Tiếng hát ngày xuân đối với đồng bào Mông,Thái là hình thức bày tỏ tình cảm, có thể hát ở mọi không gian và thời gian, hát để nói hộ tiếng lòng, trao gửi con tim hẹn hò tình yêu đôi lứa. Nhạc cụ đệm cho bài hát là chiếc khèn, sáo pí thiu, sáo pí ló, pí pặp… gần gũi và thân thiết như tình cảm gắn kết con người lại với nhau trong yêu thương nồng thắm rạo rực mùa xuân.
Phục sức đến hội hát là những vòng cổ, hoa tai, xà tích, những bộ quần áo rực rỡ nhất được chuẩn bị công phu từ nhiều tháng trời… Hoa văn trên váy áo, đồ trang sức in hình hoa lá, cỏ cây, hình động vật cách điệu... để khoác lên tấm lưng thon cô thiếu nữ miền sơn cước lấp lánh trong muôn hồng nghìn tía sắc hoa xuân.
Thế mà chẳng lẫn với ai. Tộc người Mông ở Trạm Tấu được chia thành bốn nhóm: Mông si, Mông đu, Mông lềnh và Mông đơ. Liền với đó, mỗi nhóm lại có trang phục khác nhau. Phụ nữ Mông không chỉ y phục cầu kỳ, sặc sỡ mà còn biết bổ sung những cách trang điểm của các dân tộc khác để làm đẹp cho chính mình. Trang phục của người con gái Mông có phần đặc biệt hơn. Mỗi người chuẩn bị 15 bộ quần áo mới và thật đẹp chơi xuân. Người Mông có tục ăn tết cổ truyền vào tháng 12 Âm lịch, sớm hơn Tết Nguyên đán gần 1 tháng. Trai gái từ các làng bản gần xa nô nức đổ về các sườn non cao.
Lễ hội Gầu tào của dân tộc Mông thường được tổ chức vào đêm 30 đến ngày mùng 1 tết với sự tham gia của đông đủ mọi người. Hội Gầu tào được một gia đình khá giả trong thôn tổ chức để cầu an, chúc phúc cho năm mới làm ăn phát đạt đến từng nhà, từng người. Trong lễ hội Gầu tào có rất nhiều trò chơi sôi động: ném pao, đánh quay, đua ngựa, thi ăn nhiều, kéo co, đẩy gậy… Một trong những thú vui khác nữa của đàn ông Mông trong ngày xuân là thú chơi chọi gà. Hình ảnh con gà được nâng lên thành biểu tượng sức mạnh tinh thần của người Mông.
Riêng trò đánh quay biểu hiện sức mạnh của các chàng trai Mông tình tứ, tài hoa, dũng cảm. Các làn điệu dân ca Mông thường hát: “Em gặp anh trong ngày hội Gầu tào/ Em tung pao anh bắt/ Đôi ta gặp nhau hẹn hò/Nguyện thề lời ước bên nhau trọn đời, em về làm dâu nhà anh/ Xuân về nghe tiếng gió gọi trăng, gọi suối”...
Điệu múa khèn của chàng trai Mông cuốn hút, tiếng khèn của chàng réo rắt gọi bạn tình; các đội múa, hát giao duyên kéo dài trong nhiều ngày gửi gắm nhiều tâm sự. Những bài dân ca Mông vang vọng đỉnh núi: “Bạn tên gì? Nhà ở đâu? Bạn có thích tôi không? Bạn có thích nấu cơm chung với tôi không? Tôi lên đây có anh em họ hàng, thích núi rừng, nếu bạn có lời, tôi về thưa bố mẹ chọn ngày lành tháng tốt đón bạn về…”.
Một đặc điểm trong giao lưu văn hóa giữa đồng bào các dân tộc anh em với nhau và dân tộc Mông nói riêng trong những ngày xuân là đi chơi chợ. Đó là nơi trẻ nhỏ học khôn, người già gặp gỡ thăm hỏi, trai gái đi tìm bạn tình …. Thế nên, chợ ngày xuân không trao đổi, bán mua, chỉ đơn giản là đi chơi, gặp gỡ, giao lưu tình cảm bên cạnh sự độc đáo của văn hóa chợ phiên của người Mông trên núi cao. Các phiên chợ ở vùng cao không họp trùng ngày nhau để anh em dân tộc khác cũng có thể đến giao lưu, gặp gỡ , thể hiện sự lạc quan, yêu đời của những người con nơi đại ngàn hùng vĩ.
Nói đến dân tộc Thái là nói đến sự đầy ắp vốn văn hóa dân gian giàu sáng tạo với kho tàng thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…, những điệu múa độc đáo như xoè Thái, múa sạp. Văn hoá của người Thái rất phong phú thể hiện ở nhiều nghi lễ khác nhau. Đồng bào người Thái đen ở Trạm Tấu khi xuân về, tết đến thường tập trung thành từng đoàn đi chúc tết khắp các gia đình. Mọi người chúc nhau năm mới mạnh khoẻ, hạnh phúc, ăn nên làm ra bằng năm bằng mười năm cũ.
Trang phục của đồng bào Thái không cầu kỳ, đa dạng như dân tộc Mông nhưng những hoa văn, họa tiết hội tụ đủ đầy những khát vọng, niềm tin trong lao động sản xuất. Sinh hoạt cộng đồng của người Thái mới thực sự phong phú với các trò chơi dân gian như ném còn, Tó mác lẹ, Hạn khuống, hát giao duyên, leo cột mỡ, lễ Xên mường.... Tổ chức liên tục trong những ngày tết là Tó mác lẹ, Hạn khuống (dành cho nam, nữ chưa chồng, chưa vợ hát giao duyên). Người Thái tìm một bãi đất rộng làm một cái sàn, sau đó con gái chưa chồng lên sàn thêu, dệt, se tơ; con trai chưa vợ mang khèn, sáo... đến hát xin lên sàn. Các chàng trai Thái vừa hát vừa leo lên sàn trò chuyện hát đối với các thiếu nữ. Cũng từ lễ hội mùa xuân này mà nhiều đôi nên nghĩa trăm năm.
Trò chơi ném còn của người Thái không chỉ là thú vui tìm bạn, tìm duyên mà còn mang mầu sắc lễ nghi được tổ chức hàng năm sau ba ngày Tết Nguyên đán. Bãi chơi là khu đất bằng phẳng, trai gái chia làm hai bên, kết thành từng đôi đứng xa nhau vừa một tầm tay và chỉ được dùng một tay ném, người ném, người bắt, quả của ai người đôi đó mới được bắt... càng làm cho không khí thêm tưng bừng náo nhiệt, rộn rã tiếng cười như muốn kéo dài ngày xuân .
Cứ thế, ngày xuân vui hội. Cuộc sống ngày càng ấm no, đồng bào vùng cao Trạm Tấu càng có được những mùa xuân bất tận, mùa xuân trong lòng mỗi người.
Minh Tuấn