Chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 là 7,2%

Ngày 11/7, tại Hà Nội, các thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia có mặt tại phiên họp thứ 2 đã bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng 2026 là 7,2%, thời gian áp dụng từ 1/1/2026.

Thông báo về việc thông qua phương án về tiền lương tối thiểu vùng năm 2026, Thứ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết 13/16 thành viên (3 thành viên bỏ phiếu trắng) hội đồng đã bỏ phiếu tán thành với phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2026.

"Sau khi 3 bên đã trao đổi, thảo luận và các bên đưa ra rất nhiều các giả thiết, tình huống, đặc biệt là các yếu tố về quá trình phát triển kinh tế của đất nước, thành viên hội đồng đã thống nhất rất cao với phương án tỷ lệ là tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 là 7,2%, thời điểm tăng là ngày 1/1/2026”- Thứ trưởng Nguyễn Mạnh Khương cho biết.

Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia đánh giá đây là tỷ lệ tốt, phù hợp với giai đoạn hiện nay trong việc phát triển kinh tế của đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc và tăng trưởng kinh tế là 8% theo chủ trương của Đảng trong năm nay và những năm tiếp theo thì sẽ đạt được hai con số.

Theo đó, phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 được Hội đồng Tiền lương quốc gia “chốt” trình Chính phủ là tăng bình quân 7,2%, mức tăng bình quân là 300.000 đồng/tháng so với năm 2025.

Cụ thể, lương tối thiểu Vùng I tăng từ 4,96 triệu đồng/tháng lên 5,31 triệu đồng/tháng (tăng thêm 350.000 đồng, 7,1%);

Vùng II tăng từ 4,41 triệu đồng/tháng lên 4,73 triệu đồng/tháng (tăng 320.000 đồng. 7,3%);

Vùng III tăng từ 3,86 triệu đồng/tháng lên 4,14 triệu đồng/tháng (tăng 280.000 đồng, 7,3%);

Vùng IV tăng từ 3,45 triệu đồng/tháng lên 3,7 triệu đồng/tháng (tăng 250.000 đồng, 7,2%).

Chia sẻ thông tin với báo chí, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Ngọ Duy Hiểu cho rằng, mức đề xuất lương tối thiểu vùng tăng 7,2% từ 1/1/2026 sẽ đáp ứng được kỳ vọng của đoàn công tác của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Mức tăng này đáp ứng được mong muốn của đoàn viên và người lao động cả nước, đồng thời cũng thể hiện tinh thần chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp.

Mức đề xuất tăng này cải thiện một phần đời sống người lao động, vì trên thực tế bản thân các doanh nghiệp đã có mức lương nhìn chung cao hơn mức lương tối thiểu. Đây cũng là mức lương tham khảo trước hết dành cho đối tượng là người lao động thuộc nhóm hưởng mức lương tối thiểu và nhóm khác cũng có thể được tham khảo để xây dựng mức lương.

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương Quốc gia Ngọ Duy Hiểu trả lời báo chí.

"Tôi tin rằng mức lương này cũng sẽ tạo động lực để người lao động làm việc với tinh thần phấn chấn, cùng nỗ lực để cuối năm nay chúng ta đạt mục tiêu tăng trưởng 8% và từ năm sau trở đi thì có thể thực hiện được mục tiêu tăng trưởng 2 con số", ông Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Sau khi Chính phủ có quyết định chính thức mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ tổ chức thực hiện và tuyên truyền người lao động đồng tình và ủng hộ để tiếp tục lao động có năng suất cao, chất lượng tốt, cùng phát triển doanh nghiệp để cả nước bước vào kỷ nguyên mới.

Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng cũng chia sẻ: Hội đồng Tiền lương quốc gia hoạt động theo cơ chế đồng thuận cao và hội đồng đã quyết định thì phía người sử dụng lao động sẽ thống nhất khuyến nghị với cơ quan có thẩm quyền trong việc điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng từ 1/1/2026.

Theo đó, giới sử dụng lao động sẽ phải điều tiết lại công việc và có quyết tâm cao trong việc nâng cao năng lực quản trị, phân công việc làm phù hợp, áp dụng khoa học công nghệ, và nâng cao các điều kiện quản lý khác. Mục tiêu là bảo đảm duy trì các chỉ số phát triển của doanh nghiệp, bảo vệ số lượng việc làm và đặc biệt là giữ chân người lao động có tay nghề.

nhandan.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

Áp lực học tập: 'Sát thủ vô hình' của sức khỏe tinh thần học sinh

Áp lực học tập: 'Sát thủ vô hình' của sức khỏe tinh thần học sinh

Kỳ vọng từ gia đình và nhà trường ngày một lớn, nhiều học sinh đã và đang rơi vào trạng thái căng thẳng kéo dài, mất động lực học tập, thậm chí có dấu hiệu trầm cảm, rối loạn lo âu. Các chuyên gia cảnh báo, nếu không có sự thay đổi từ gia đình và nhà trường, hệ lụy tâm lý ở học sinh sẽ ngày càng nghiêm trọng.

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Văn Bàn lan toả sự quan tâm từ chính quyền tới người dân

Xã Văn Bàn trên cơ sở sáp nhập từ 5 xã Sơn Thủy, Khánh Yên Thượng, Làng Giàng, Hòa Mạc và thị trấn Khánh Yên từ 1/7. Sau gần 2 tuần vận hành, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Văn Bàn đã tiếp nhận 247 hồ sơ thủ tục hành chính, 100% hồ sơ được giải quyết nhanh chóng, đúng hẹn.

fb yt zl tw