Vài năm trở lại đây, mô hình gây nuôi động vật rừng như dúi, cầy hương, rắn, nhím, hươu… được nhiều hộ dân ở một số xã mạnh dạn triển khai. Những mô hình này không chỉ mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.

Tại thôn Làng Mới, xã Bản Xèo, anh Nguyễn Văn Hạnh là một trong những người đi đầu trong nuôi dúi và cầy hương. Ban đầu, anh chỉ nuôi thử vài cặp dúi và cầy hương giống, sau thấy vật nuôi phù hợp với khí hậu địa phương, dễ chăm sóc, đầu ra thuận lợi nên anh đã mở rộng quy mô.
Đến nay, hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình anh rộng hơn 200m², nuôi trên 100 cá thể dúi, hơn 30 cá thể cầy hương.
Không gian chăn nuôi được đầu tư khá bài bản với hệ thống làm mát, sưởi ấm và nước uống tự động, bảo đảm điều kiện sống cho vật nuôi quanh năm.
Vừa kiểm tra đàn cầy mới tách mẹ, anh Hạnh vừa chia sẻ: “Với mô hình này, từ nay đến cuối năm sẽ có giống để cung cấp cho bà con. Giá cầy giống khoảng 4 tháng tuổi là 10 triệu đồng/cặp, cầy bố mẹ khoảng 20 triệu đồng/cặp. So với chăn nuôi truyền thống thì nuôi động vật rừng ít bệnh, lãi cao, đầu ra lại ổn định”.

Không chỉ anh Hạnh, ở xã Bát Xát, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai cũng đang nuôi cầy hương với quy mô 30 cá thể bố mẹ để cung cấp giống cho thị trường.
Theo ông Bùi Văn Khôi, Giám đốc Hợp tác xã, cầy hương rất dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là chuối chín, đu đủ, cháo và cá tạp. Nuôi con vật này cho lợi nhuận cao, thị trường nhiều tiềm năng.
Ông Bùi Văn Khôi, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Lào Cai cho biết: “Một năm hợp tác xã xuất hai lứa cầy giống. Năm ngoái chúng tôi xuất 40 đôi, năm nay lứa đầu đã được 30 đôi giống. Doanh thu từ nuôi cấy giống năm ngoái khoảng 400 triệu đồng, năm nay dự kiến đạt 500 triệu đồng. Quan trọng là cầy hương dễ nuôi, phù hợp điều kiện ở đây, bà con cũng có thể làm được”.

Theo thống kê từ Hạt Kiểm lâm khu vực Bát Xát, hiện trên địa bàn có 14 cơ sở gây nuôi động vật rừng với tổng số 217 cá thể. Trong đó có 10 cơ sở nuôi các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IIB như cầy vòi hương, cầy vòi mốc... và 4 cơ sở nuôi các loài thông thường như dúi, nhím, hươu sao.
Tất cả cơ sở đều được Chi cục Kiểm lâm tỉnh cấp mã số quản lý, hướng dẫn kỹ thuật nuôi an toàn và tổ chức giám sát định kỳ. Điều này vừa giúp bảo đảm vật nuôi được chăm sóc đúng quy trình, vừa ngăn ngừa nguy cơ buôn bán động vật hoang dã trái phép.

Tuy vậy, để phát triển bền vững, người dân rất cần được hỗ trợ về kỹ thuật, thủ tục pháp lý, đầu ra con giống. Đặc biệt, cần có cơ chế kiểm soát rõ ràng giữa gây nuôi hợp pháp và săn bắt, buôn bán động vật trái phép, nhằm tạo môi trường phát triển an toàn và đúng luật.

Gây nuôi động vật rừng nếu được thực hiện đúng quy định và triển khai bài bản không chỉ giúp người dân vùng cao có thêm hướng phát triển kinh tế, mà còn góp phần giảm áp lực lên tài nguyên rừng.
Huyện Bát Xát (cũ), với hơn 55.000 ha rừng tự nhiên, độ che phủ rừng trên 60%, là một trong những địa phương có tỷ lệ che phủ rừng lớn. Chính vì vậy, việc phát triển mô hình gây nuôi động vật rừng ở đây không chỉ mang lại thu nhập cho người dân, mà còn là cách làm hiệu quả để giữ rừng, bảo vệ thiên nhiên bền vững.