Xây dựng văn hóa số trong giáo dục

Từ năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, giáo dục là một trong những ngành được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số.

Trong đó, tất cả đều xác định “phát triển nguồn nhân lực” là nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phục vụ cho các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia và các ngành, nghề, các lĩnh vực. Chính vì thế, Bộ GD&ĐT đã chủ trương xác định việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) là 1 trong 9 nhóm nhiệm vụ trọng tâm triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 29 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT.

Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy - học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng GD&ĐT giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”.

Theo đó, nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của Đề án là triển khai hệ thống thông tin quản lý, cơ sở dữ liệu đáp ứng yêu cầu kết nối, liên thông tích hợp, chia sẻ thông tin đối với các hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương. Cạnh đó, triển khai hệ thống quản lý hành chính điện tử và liên thông toàn ngành; hệ thống họp, hội thảo, tập huấn chuyên môn qua mạng; đẩy mạnh ứng dụng CNTT tuyển sinh đầu cấp học. Đồng thời quản lý giáo viên, học sinh và quản lý thi, xếp thời khóa biểu, sổ quản lý điện tử; tích hợp với trang tin điện tử của nhà trường trên môi trường mạng ở tất cả các cấp học mầm non, giáo dục phổ thông, GDTX…

Học viên thực hành tin học tại Trung tâm GDTX tỉnh Thanh Hóa.

Có thể hiểu chuyển đổi số là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên các công nghệ số. Chuyển đổi số trong giáo dục là một quá trình thay đổi phương thức thực hiện giáo dục truyền thống bằng phương pháp giáo dục hiện đại, bao gồm cả cơ sở vật chất và các phương thức quản lý giáo dục; tận dụng tối đa công nghệ hướng tới nền giáo dục chất lượng cao. Vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số của Ngành GD&ĐT chính là xuất phát từ sự thay đổi trong tư duy, nhận thức về chuyển đổi số của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và cán bộ quản lý, cán bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục.

Thực trạng chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục

Hiện nay, các cơ sở giáo dục như trường Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông, các trường Đại học, Cao đẳng... cũng đã thường xuyên đẩy mạnh việc ứng dụng các giải pháp, nền tảng quản lý vận hành số nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, hướng tới sự phát triển bền vững.

Ví dụ, theo Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin & chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” do Bộ GD&ĐT xây dựng, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành giáo dục Việt Nam sẽ tập trung vào các nhiệm vụ giải pháp chính như: Phát triển hệ sinh thái chuyển đổi số hoạt động dạy và học; phát triển nhân lực số; triển khai nền tảng quản trị tạo môi trường làm việc và tương tác trực tuyến cho đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhân viên và người học...

Chuyển đổi số trong nhà trường được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm trong quản lý như: Phần mềm VNEdu, SMAS, cơ sở dữ liệu ngành http://csdl.moet.gov.vn ; phần mềm tập huấn bồi dưỡng thường xuyên của Bộ giáo dục http://taphuan.csdl.edu.vn; phần mềm cho kế toán tài chính: MISA, quản lý tài sản; giao dịch kho bạc, phần mềm quản lý thư viện, soạn thời khóa biểu bằng phần mềm TKB, phần mềm Ioffice để quản lý công văn đi, đến…; sử dụng Zalo, Facebook, SMS để chuyển tải, truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ giáo viên, nhân viên, phụ huynh học sinh,…

Các phần mềm đã được ứng dụng trong công tác dạy học và kiểm tra đánh giá như: Các phần mềm tạo và trình chiếu bài giảng điện tử, phần mềm chấm thi trắc nghiệm... Các phần mềm để dạy học online, kiểm tra, đánh giá hội họp trực tuyến đã được sử dụng như: Microsoft Team, Zoom, Google meet...

Tuy nhiên phương pháp trực tuyến vẫn gặp thách thức về công nghệ, cách đánh giá năng lực, kiểm soát người học. Bên cạnh một số cơ sở giáo dục đã áp dụng công nghệ vào giảng dạy trực tuyến từ các năm trước đây, vẫn còn khá nhiều đơn vị chưa quen với hình thức đào tạo này, hoặc cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin chưa đảm bảo để thực hiện giảng dạy trực tuyến một cách có hiệu quả để có thể phát huy được năng lực của người học. Mà nền tảng cơ bản của chuyển đổi số trong giáo dục là phải dựa vào cơ sở vật chất, hạ tầng thông tin, cơ sở dữ liệu số chuyên ngành, đường lối, chủ trương chính sách và đội ngũ cán bộ lãnh đạo, viên chức, giáo viên, học sinh và học viên.

Khó khăn, thách thức

Cũng như các lĩnh vực khác, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục hiện cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Theo thống kê, cả nước hiện có gần 1,4 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, do đó, để thực hiện được chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo hiện là một thách thức lớn.

Đầu tiên, đó là nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý về việc chuyển đổi số trong chính đơn vị của mình còn có phần bất cập. Nhiều nhà lãnh đạo, quản lý ở các cơ sở giáo dục vẫn còn loay hoay chưa biết nên bắt đầu thực hiện chuyển đổi số từ đâu, áp dụng phần mềm nào cho phù hợp và đạt hiệu quả; có những cán bộ viên chức trẻ đang tỏ ra e ngại, thận trọng trong việc đổi mới và tâm lí ngại sự đổi mới…

Đáng chú ý, còn có sự nhầm lẫn, cho rằng ứng dụng CNTT là chuyển đổi số. Còn thiếu sự hướng dẫn và chiến lược chuyển đổi số, chưa nắm được quy trình, mô hình và cách thức chuyển đổi số.

Cơ sở vật chất và các trang thiết bị lạc hậu, hạ tầng mạng cùng với đường truyền internet chưa đảm bảo; công tác đào tạo nhân lực triển khai thực hiện còn hạn chế;… Nhiều cơ sở giáo dục chưa đáp ứng yêu cầu cho chuyển đổi số do điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng mạng và các trang thiết bị (như máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet… còn lạc hậu, thiếu sự đồng bộ.

Tài chính là một trong những khó khăn lớn đối với các cơ sở giáo dục (nhất là trường công lập) trong vấn đề lựa chọn, cân nhắc để có thể sử dụng được các phần mềm ứng dụng nào cho đạt được hiệu quả trong quá trình giảng dạy và học tập.

Bên cạnh đó, quá trình tiếp cận kiến thức trực tuyến ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Với những khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, hạ tầng Internet và các trang thiết bị công nghệ thông tin chưa đầy đủ và đảm bảo. Điều này ảnh hưởng sâu sắc tới công tác quản lý giáo dục trong việc dạy và học. Đây là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết để triển khai thành công quá trình chuyển đổi số trong giáo dục trên cả nước. Đồng thời đáp ứng nhu cầu dạy học trực tuyến khi điều kiện học trực tiếp không cho phép.

Đề xuất giải pháp

Để thực hiện thành công việc chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục hiện nay cần thực hiện một số giải pháp cụ thể như sau:

Phổ biến thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm cho cán bộ quản lý và giáo viên, phụ huynh và học sinh, học viên về vai trò của ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong các hoạt động giáo dục và các kết quả ứng dụng CNTT đã đạt được.

Nâng cao nhận thức của mọi người về tầm quan trọng của chuyển đổi số giáo dục. Chuyển đổi số là bước chuyển mình mạnh mẽ, đòi hỏi sự thay đổi từ trong tư duy, nhận thức của mỗi người. Do vậy, các cơ sở giáo dục cần thực hiện những biện pháp nhằm nâng cao nhận thức, phổ cập tầm quan trọng cho giáo viên, giảng viên, cán bộ nhà trường. Từ đó mới phối hợp cùng nhau xây dựng văn hóa số trong giáo dục.

Hướng dẫn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong ứng dụng công nghệ số cho tất cả những người làm công tác giảng dạy, như kỹ năng công nghệ thông tin, an toàn thông tin,... trên môi trường số.

Giáo viên đóng vai trò quan trọng trong thực hiện chuyển đổi số bằng cách áp dụng công nghệ số trong phương pháp giảng dạy, giúp mở ra nhiều cơ hội để tăng cường chất lượng giáo dục và giúp học sinh phát triển toàn diện trong thế giới số hóa ngày càng phát triển.

Việc đào tạo bồi dưỡng cho đội ngũ về kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin là vô cùng cần thiết để thực hiện trên môi trường số đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Vì vậy, các cơ sở giáo dục cần tập huấn cho đội ngũ biết cách sử dụng thành thạo phần mềm dạy trực tuyến, biết lựa chọn nội dung phù hợp gắn với nhu cầu thực tiễn của đơn vị mình để tổ chức các khóa bồi dưỡng kỹ năng ứng dụng CNTT và chuyển đổi số cho CBQL, GV, nhân viên, học viên và học sinh.

Lập kế hoạch mua sắm bổ sung cơ sở vật chất để nâng cấp các trang, thiết bị đáp ứng tốt yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, dạy trực tuyến và làm việc trực tuyến.

Với những nội dung đã đề cập trên phần nào cho chúng ta thấy được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong GD&ĐT. Từ những kiến giải trên, hi vọng sẽ mở ra những hướng đi mới trong các cơ sở giáo dục, cùng với sự phát triển của khoa học kĩ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông sẽ giúp cho ngành giáo dục trong toàn quốc ngày càng phát triển và tiệm cận với sự phát triển chung của thế giới.

Thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục, huy động thường xuyên để tìm nguồn tài trợ, trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ cho ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy và học tập.Xây dựng bộ qui chế để quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT; kiểm tra, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT trong đơn vị, trong đó phân quyền, phân công cụ thể về trách nhiệm quản lý và sử dụng.

Theo daidoanket.vn

Có thể bạn quan tâm

Tin cùng chuyên mục

“Nả” Hương ở Lũng Pô

“Nả” Hương ở Lũng Pô

Sẩm tối, anh Lù Seo Súa mới chân thấp chân cao, tất tả ngược dốc đến điểm Trường Mầm non Lũng Pô đón con gái Lù Ánh Dương về nhà. Thấy bố, cô bé mừng reo hớn hở nhưng vẫn không quên khoanh tay lễ phép chào “nả” Hương, rồi mới ùa ra, gọn trong vòng tay của bố. Có lẽ, với cô giáo Hương, đó là niềm vui và phần thưởng lớn nhất khi gắn bó cả thanh xuân của mình ở vùng đất biên cương.

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Đổi mới mạnh mẽ giáo dục, tập trung xây dựng con người xã hội chủ nghĩa

Sáng 18/11, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 và trao Huân chương Lao động hạng Ba tặng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội). Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Cán bộ quản lý tâm huyết

Cán bộ quản lý tâm huyết

26 năm công tác, trong đó có 10 năm làm cán bộ quản lý, thầy giáo Đỗ Hải Tùng được biết đến là người luôn tâm huyết với công việc.

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Cô giáo dạy chữ giỏi, dạy nghề tốt

Vững chuyên môn, hòa đồng, giản dị, đó là nhận xét của Ban Giám đốc, đồng nghiệp và học sinh tại Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp dạy nghề và Giáo dục thường xuyên tỉnh về cô giáo Chử Thanh Tâm.

fbytzltw