Trong chuyến công tác đầu năm ở xã vùng đặc biệt khó khăn Hồng Ca (huyện Trấn Yên - Yên Bái), chúng tôi cùng các đồng chí lãnh đạo đến thăm và kiểm tra công tác chuẩn bị quỹ đất để trồng rừng vụ xuân của 3 thôn đồng bào Mông. Ông Tráng Sáo Hờ – Bí thư chi bộ thôn Hồng Lâu nói với chúng tôi: “Trước đây đồng bào Mông chỉ biết phá rừng bởi tập quán du canh du cư chứ đâu biết trồng rừng như hiện nay”. Đúng vậy, nếu ai đã từng đến thăm 3 thôn người Mông ở đây vào quãng thời gian trước năm 2000 mới thấy sự tàn phá của con người trước thiên nhiên ở đây thật ghê gớm. Còn nay, tuy đời sống còn gặp rất nhiều khó khăn nhưng đồng bào ở đây đã biết dựa vào kinh tế rừng. Hiện những diện tích đất trống, đồi núi trọc đã được phủ xanh bởi các loại cây có giá trị kinh tế cao như: quế, tre măng Bát Độ, cây nguyên liệu giấy... Trong năm 2009, để giúp đồng bào ở đây sớm ổn định đời sống, chủ trương của Đảng, chính quyền xã xác định kinh tế mũi nhọn vẫn là sản xuất nông lâm nghiệp, trong đó sẽ vận động đồng bào trồng 60 ha rừng tập trung bằng cây nguyên liệu giấy và tre măng Bát Độ.
Từ kinh tế rừng đã giúp cho bộ mặt của xã vùng đặc biệt khó khăn Hồng Ca đổi thay. Nhiều hộ trước kia chỉ biết tàn phá tài nguyên rừng thì nay có cả chục ha rừng với giá trị lên tới hàng trăm triệu đồng. Điển hình như ông Đào Đức Chỉ ở thôn Hồng Hải, ông Lâm Đức Vi ở thôn Nam Hồng và ông Hà Văn Bảo ở thôn Chi Vụ, trong năm 2008 khai thác 2/27 ha quế của gia đình thu về 500 triệu đồng. Có thể nói, do làm tốt công tác phát triển rừng nên đến nay độ che phủ của rừng đạt 90%, giá trị kinh tế rừng chiếm tới 50% cơ cấu kinh tế của Hồng Ca và hạ tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 32,8%, giảm 9,4% so với năm 2007. Năm 2009, Hồng Ca chủ trương sẽ vận động nhân dân khẩn trương phát dọn thực bì những diện tích mới khai thác và mạnh dạn phá bỏ những diện tích cây trồng có giá trị kinh tế thấp để tập trung trồng 130 ha rừng tập trung bằng cây nguyên liệu giấy và 150 ha cây tre măng Bát Độ.
Với đặc điểm là huyện có diện tích đất lâm nghiệp lớn, nên trong những năm qua, Trấn Yên xác định kinh tế rừng là mũi nhọn và trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 19 chỉ rõ, Đảng bộ sẽ tập trung đầu tư phát triển “6 cây 3 con và 3 trung tâm”, trong đó riêng về kinh tế rừng đã chiếm 2/6 cây, đó là cây nguyên liệu giấy và cây tre măng Bát Độ. Chính vì vậy, trong những năm gần đây cùng với cây quế thì 2 loại cây này phát triển nhanh và đi vào sản xuất hàng hóa. Chỉ tính riêng trong năm 2008, toàn huyện trồng mới và thay thế 1.700 ha rừng, nâng độ che phủ của rừng đạt 68%, thu nhập từ rừng ước đạt trên 50 tỷ đồng. Các xã trồng với diện tích lớn, đạt và vượt kế hoạch huyện giao đó là: Hồng Ca, Vân Hội, Việt Hồng, Kiên Thành, Quy Mông, Báo Đáp...
Phát huy những kết quả đạt được trong công tác trồng rừng, tại kỳ họp thứ 11 HĐND huyện khóa 18 đã ra nghị quyết trồng 1.800 ha rừng các loại, trong đó rừng tập trung là 1.300 ha và 1 triệu cây phân tán, bao gồm: cây nguyên liệu giấy 900ha, cây tre măng Bát Độ 300ha, quế gần 200ha. Để vụ xuân trồng đạt 70 – 80% kế hoạch rừng tập trung và 100% kế hoạch cây phân tán, đến nay nhân dân các địa phương đã dọn xong thực bì để phục vụ trồng trên 1.100ha rừng. Đồng thời, bình quân mỗi xã có từ 3 – 10 vườn ươm với đầy đủ các loại cây trồng, riêng Hạt Kiểm lâm huyện đã chuẩn bị được gần 1 triệu cây giống cung cấp cho các địa phương. Đặc biệt, được sự hỗ trợ của dự án trồng 5 triệu ha rừng của Chính phủ, huyện đã đưa vào trồng trên 400ha cây keo Úc. Đây là cây trồng mới có nhiều tính ưu việt, giống được tuyển chọn kỹ càng, ít sâu bệnh, không gẫy đổ, chu kỳ khai thác chỉ có 6 năm, sản lượng gỗ đạt từ 100 – 120m3 gỗ/ha, nếu chăm sóc tốt sẽ cho sản lượng từ 150 – 160m3/ha.
Dự kiến huyện sẽ đưa giống cây này vào trồng ở 18 xã, thị trấn, trong đó trồng tập trung ở 3 xã vùng cao đặc biệt khó khăn, là Hồng Ca, Lương Thịnh và Kiên Thành. Ngay trong thời gian đầu tháng Giêng, đã trồng được trên 160.000 cây phân tán và trồng hơn 360 ha rừng tập trung. Kết quả này là tiền đề tốt để huyện Trấn Yên nhanh chóng hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2009, góp phần để những cánh rừng mãi mãi xanh tươi.
Thanh Hùng