LCĐT - Là xã vùng cao đặc biệt khó khăn của huyện Bát Xát, Sàng Ma Sáo hiện còn 8/11 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia.
Trăm nỗi khổ vì không có điện
Cách trung tâm xã Sàng Ma Sáo khoảng 5 km, so với nhiều thôn, bản khác của xã thì Ky Quan San được coi là thôn thuận lợi vì đã có đường bê tông đến thôn. Tuy nhiên, bao năm qua, đồng bào Mông ở đây vẫn chưa có điện lưới quốc gia. Ngôi nhà nhỏ vách tre của hai bố con ông Sùng A Lừ nằm ngay đầu thôn Ky Quan San. Ngôi nhà xiêu vẹo không có lấy một thứ đồ đạc đáng giá, đến chiếc bàn uống nước bằng gỗ tạp cũng không, thứ ông Lừ mơ ước là có một bóng điện thật sáng để ngôi nhà bớt tối, nhưng ước mơ đó dường như quá xa xỉ.
Cách nhà ông Lừ không xa là nhà của anh Thào A Tùng nằm bên dòng suối chảy qua đầu thôn. So với nhà ông Lừ thì nhà anh Tùng “giàu” hơn vì đã có một bóng điện thắp sáng. Sau khi dựng xong ngôi nhà mới, vợ chồng anh bán ngô, thóc và bỏ ra gần 1 triệu đồng để mua chiếc máy phát điện nhỏ lắp ở suối. Anh Tùng tâm sự: “Nhà mình nghèo chưa mua được ti vi, mà có ti vi thì cũng không xem được vì điện quá yếu, chỉ đủ thắp sáng một bóng điện. Lũ trẻ chỉ mơ ước một ngày nào đó có điện lưới quốc gia để xem phim hoạt hình trên ti vi, còn mình thì muốn xem tin tức thời sự, dự báo thời tiết, nhưng chưa biết đến bao giờ ước mơ đó thành hiện thực”.
![]() |
Thôn Ky Quan San là 1 trong 8 thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia. |
Gặp chúng tôi, ông Thào A Sá, Trưởng thôn Ky Quan San bộc bạch: Thôn hiện có hơn 80 hộ đồng bào Mông sinh sống, chia làm 2 xóm. Xóm dưới gần suối nên có 16/30 hộ đã có điện nước, còn xóm trên có hơn 50 hộ nằm cheo leo trên sườn núi, không gần khe suối nên không nhà nào có điện. Ky Quan San vẫn còn 46 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo và chưa đến 10 hộ có ti vi.
Không có điện lưới quốc gia, không chỉ người dân mà các thầy cô giáo, học sinh cũng chịu chung nỗi vất vả. Thôn Ky Quan San có phân hiệu mầm non và phân hiệu tiểu học với gần 90 học sinh và 4 thầy cô giáo. Khi chúng tôi vào thăm lớp học mầm non, thấy nhiều học sinh ngồi co ro vì rét. Cô giáo Hà Thị Huyền Trang cho hay: Phân hiệu chỉ có 1 bóng điện nhỏ ở phòng công vụ thắp nhờ điện nước của dân, còn 2 lớp học đều không có bóng điện. Vào mùa đông, nếu không mở cửa sổ thì lớp học rất tối, học sinh học bài rất khó, còn mở cửa thì sương gió lùa vào, cô trò đều rét. Không có điện lưới quốc gia, không có mạng internet, buổi tối thầy cô giáo soạn bài rất bất tiện, muốn cập nhật những thông tin, kiến thức mới đều phải chờ cuối tuần ra trường chính.
Cần sớm cấp điện cho các thôn, bản
Câu chuyện về nỗi vất vả của người dân và thầy cô giáo ở thôn Ky Quan San cũng là câu chuyện chung cho nhiều thôn, bản khác trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo. Trò chuyện với chúng tôi, ông Phạm Văn Tâm, Chủ tịch UBND xã Sàng Ma Sáo không giấu nổi nỗi buồn: Xã Sàng Ma Sáo có 11 thôn, nhưng chỉ 3 thôn có điện lưới quốc gia, đó là các thôn: Làng Mới, Khu Chu Phìn, Mà Mù Sử 1. Xã có 810 hộ là người dân tộc Mông, trong đó gần 70% hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia. Tỷ lệ hộ sử dụng điện nước cũng không đáng kể. Tính trong huyện Bát Xát, thì Sàng Ma Sáo dẫn đầu về số thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, chiếm khoảng 1/3 tổng số thôn, bản chưa có điện của huyện.
![]() |
Số hộ được sử dụng điện nước của xã Sàng Ma Sáo không đáng kể. |
Việc quá nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia đã và đang ảnh hưởng không nhỏ đến công tác xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn xã Sàng Ma Sáo. Vì không có điện lưới quốc gia nên số hộ sử dụng máy móc, thiết bị điện rất ít, chiếu theo tiêu chí hộ nghèo đa chiều thì số hộ nghèo tăng cao hơn trước. Hết năm 2017, xã còn gần 60% hộ nghèo. Điều đáng nói hơn, không có điện, người dân khó tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng và các thông tin mới trong sản xuất, tình hình thời sự, diễn biến thời tiết… Đối với các thôn xa như Mà Mù Sử 2, Tung Quang Lìn, Nhìu Cồ San, Sàng Ma Sáo, sóng điện thoại cũng rất yếu, thông tin liên lạc vô cùng khó khăn. Năm 2018, xã Sàng Ma Sáo lựa chọn thực hiện 2 tiêu chí nông thôn mới là văn hóa và thông tin - truyền thông. Trong đó, tiêu chí thông tin - truyền thông không thể hoàn thành vì không có internet hoặc hệ thống phát thanh.
Ông Tâm cho biết thêm: Trong những năm qua, cử tri xã Sàng Ma Sáo đã nhiều lần kiến nghị với xã, huyện về việc sớm cấp điện lưới quốc gia cho các thôn, bản. Tuy nhiên, xã không biết trả lời người dân như thế nào vì không nắm được chính xác khi nào các thôn, bản mới có điện lưới quốc gia. Cuối năm 2017, ngành điện lực đã cử nhân viên vào các thôn, bản chưa có điện để khảo sát nhưng không có buổi làm việc chính thức với UBND xã về việc cấp điện. Cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Sàng Ma Sáo luôn mong mỏi 8 thôn, bản sớm có điện lưới quốc gia để đời sống, sinh hoạt của người dân đỡ khổ, đó cũng là động lực quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới.